Quảng Cáo

Geneva: Giới tham dự hội thảo bên lề UPR kỳ 3 nuôi hy vọng

Quảng Cáo

Tin BBC

Trong lúc Việt Nam chuẩn bị cho kỳ kiểm điểm UPR lần thứ ba trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 22/1, thì cuộc hội thảo bên lề do “Nhóm Làm Việc UPR” gồm 10 tổ chức NGOs quốc tế và Việt Nam cũng diễn ra tại thành phố này, một ngày trước đó.
Mục đích của hội thảo, theo thông cáo báo chí của nhóm được phổ biến trước đó, là để:
“Kiểm điểm những đàn áp và đề nghị phản ứng cần thiết từ LHQ trước những sự kiện đang diễn ra trước mắt dư luận Việt Nam và quốc tế, từ cảnh cưỡng chế đập phá nhà cửa và bắt bớ người dân sinh sống trong khu Vườn Rau Lộc Hưng đến những bản án nặng nề 20 năm đối với giới hoạt động; hành vi dùng luật pháp tùy tiện dẹp bỏ những cuộc hội thảo bổ ích của xã hội dân sự. Mọi việc diễn ra trong lúc Luật An Ninh Mạng đang bóp nghẹt tự do Internet.” quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ), được đưa ra sau lần kiểm điểm kỳ 2, xẩy ra vào tháng 2, 2014.
Tham dự cuộc hội thảo bên lề này, ngoài những tổ chức NGOs quốc tế và Việt Nam, còn có sự góp mặt cuả bà Nguyễn thị Kim Thanh, vợ nhà báo tự do Trương Minh Đức, bà Nguyễn thị Quý, vợ người bảo vệ nhân quyền Lê Đình Lượng, và ông Nguyễn Trung Trọng Nghiã, con trai của mục sư Nguyễn Trung Tôn.

Họ đến Geneva, đa số từ Việt Nam, để nói cho thế giới biết về “câu chuyện oan khiên” của thân nhân, nói theo cách dùng chữ của chính họ.
Hôm 21/1, BBC phỏng vấn những người tham dự để tìm hiểu thêm về sinh hoạt của “Nhóm Làm Việc UPR” cũng như kỳ vọng của họ sau cuộc hội thảo.

Tại sao tham gia hội thảo?

Về động cơ tham gia cuộc hội thảo, đại diện của mỗi tổ chức trong “Nhóm Làm Việc UPR” có một lý do khác nhau.
Bà Libby Liu, Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do giải thích:
“Sự suy giảm của tự do báo chí Việt Nam là điều đáng báo động cho tất cả những ai ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền. Đài Á Châu Tự Do và cộng tác viên của chúng tôi đã thẳng thắn giám sát Việt Nam về điểm này trong năm qua.”
‘Chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát

Bà Liu khẳng định:
“Vai trò điền thế cho một nền tự do báo chí của đài Á Châu Tự Do đi ngược lại với chiến lược hoàn toàn kiểm soát các phương tiện truyền thông của Việt Nam. Các phóng viên can đảm, khán giả và nguồn tin của chúng tôi đã trở thành mục tiêu của chính phủ Việt Nam trong việc bóp nghẹt tự do ngôn luận. Tin tức và thông tin kịp thời, chính xác và không bị kiểm duyệt rất cần thiết cho phẩm giá con người – và Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục phục vụ người dân Việt Nam bất kể chiến dịch kiểm soát bối cảnh truyền thông của chính phủ Việt Nam.”
Luật sư Doreen Chen, luật sư nhân quyền, Giám đốc và đồng sáng lập viên của tổ chức Destination Justice, tỏ bày:
“Giới bảo vệ nhân quyền là những người tốt nhất trong chúng ta: họ làm việc không mệt mỏi và vị tha, để tạo một thế giới nơi tất cả có thể sống tự do và hưởng thụ đầy đủ quyền của mình.”
“Nhiệm vụ của chúng tôi tại Destination Justice là làm bất cứ điều gì có thể, để đảm bảo rằng giới bảo vệ nhân quyền ở mọi nơi có thể an toàn và tự do hoạt động. Chúng tôi tham gia vào sự kiện hôm nay vì thực tế là nhiều người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể bị bức hại nghiêm trọng do công việc đấu tranh cho nhân quyền của họ.”
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân đảng Việt Tân lập luận:
“UPR là cơ hội để các tổ chức nhân quyền Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ quốc tế buộc CSVN phải trả lời về các vi phạm nhân quyền của mình. Vì Việt Nam không có phương tiện truyền thông độc lập hoặc cơ quan lập pháp độc lập, chính phủ Hà Nội rất ít phải nhận lãnh trách nhiệm. Do đó, UPR là một nền tảng để chúng ta cùng nhau lên tiếng và buộc Hà Nội phải chính thức giải quyết hồ sơ nhân quyền của mình.”
Ông Daniel Bastard, Trưởng văn phòng Asia của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) nói:
“Việc RSF tham gia vào sự kiện này là điều rất quan trọng, vì sự phủ nhận quyền tự do thông tin chính là một trong những vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất của chính phủ Việt Nam. Chúng ta cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đàn áp hiện nay của Việt Nam đối với các nhà báo và blogger công dân.”
Bà Jade Dussart, Quản lý chương trình Á Châu của tổ chức ACAT, một tổ chức thường xuyên lên tiếng chống tra tấn trong nhà tù Việt Nam đối với tù nhân chính trị, cho biết:
“Sự kiện bên lề này là một cơ hội tốt để chúng tôi nâng cao nhận thức về các vấn đề được nêu ra trong tường trình [mà ACAT đã gửi cho hội đồng nhân quyền trước đó – BBC] cũng như đưa ra các nhận xét và phân tích sâu hơn về cuộc đàn áp hiện nay đối với sự đấu tranh bất bạo động. Sự kiện bên lề này cũng mở rộng công tác vận động chính sách của chúng tôi tại Geneva với các phái đoàn nước ngoài và các thủ tục đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.”

Từ VN đến Geneva để hướng về quê nhà

Tiếp xúc với BBC qua điện thoại hôm 21 tháng 1 từ Geneva, ngay sau khi hội thảo chấm dứt, bà Nguyễn thị Kim Thanh, vợ tù nhà báo tự do Trương Minh Đức cho biết đã mua vé máy bay qua thăm cha mẹ ở Đức, rồi từ đó tìm cách qua Geneva.
Bà Thanh cho biết bà làm vậy để tránh lôi kéo sự chú ý, và đảm bảo mình có thể đến được hội thảo bên lề UPR.


“Đến hội thảo ở đây, em rất xúc động, mấy hôm qua chưa có thời gian nói hết nỗi lòng của mình. Ban tổ chức đã hết sức tạo cho em điều kiện có thể đến được đây, được đưa đến các đại sứ quán, mọi người mọi nơi đều hứa sẽ hết lòng giúp đỡ chồng em.” Bà Thanh chia sẻ tâm tư.
“Xúc động nhất và ngạc nhiên là thấy mọi người đồng hương ở nước ngoài ai cũng có đời sống sung túc mà không quên quê hương, mà vẫn yêu quý và quan tâm đến Việt Nam mình, em cảm động và vui mừng lắm…”
Và bà nghẹn lời:
“Nhưng vui rồi lại nghĩ về anh Đức đang nằm một mình trong tù, em xót xa lắm. Năm nay em đi thế này Tết nhất anh không có người thăm, chắc buồn lắm. Mà anh chắc cũng không hiểu tại sao vợ không đi thăm nữa, chắc đoán vợ lại bận gì không vào được, buồn rồi lại lo, anh lại hay bệnh nữa, nhưng biết thế nào.”
Ông Nguyễn Trung Trọng Nghiã, con trai của mục sư Nguyễn Trung Tôn, đến Geneva từ Philippines, cho biết:
“Tôi đến Geneva dịp này bởi vì bố tôi vẫn còn ở trong tù, và tôi sẽ đi đấu tranh cho ông cho đến ngày ông được thả.”
“Bên cạnh đó, mức độ đàn áp của chính quyền đã tăng thêm lên kể từ khi cha tôi bị bắt, vì vậy là một người quan tâm đến nhân quyền cho Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta phải nêu lên mối quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cho hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”
Ông Trọng Nghĩa nói thêm:
“Từ Geneva nhìn về Việt Nam, tôi cảm thấy một sự căm phẫn mãnh liệt, trước việc mọi người trong thế giới ngoại giao xem cha tôi như một anh hùng, những người dân địa phương tôi gặp ở Geneva ngưỡng mộ cha tôi vì những gì ông đã can đảm làm. Nhưng ở đất nước mình, thì chính quyền không tôn trọng ông và bỏ ông vào tù chỉ vì ông yêu đất nước của mình.”
Bà Nguyễn thị Quý, vợ của tù nhân lương tâm và người bảo vệ nhân quyền Lê Đình Lượng tâm sự:
“Chị mới đến Geneva hôm qua. Khi đi thì rất mệt và lo, nhưng qua đây thì mới thấy rõ là mình không cô đơn. Hạnh phúc nhất là khi thấy mọi người quan tâm và thương yêu đến gia đình chị và đến các tù nhân lương tâm trong nước. Chị cảm thấy hạnh phúc ở chỗ đó, rồi nó hết mệt mỏi đi.”
“Chuyến đi này khiến chị thấy phấn khởi, thấy có một động lực lớn để đấu tranh cho chồng mình. Chồng chị thì bị chính quyền cầm tù, nhưng những điều anh làm là đúng, là can đảm, và chị thấy hãnh diện về anh, thấy anh là một niềm hãnh diện lớn cho gia đình.”

Người tham dự hội thảo kỳ vọng gì?

Bà Libby Liu nói:
“Tôi đặc biệt quan tâm đến ba lĩnh vực: cho phép một nền báo chí tự do hoạt động bên trong Việt Nam; trả tự do cho những người bị tù vì những phát biểu trực tuyến và ngoài đời – bao gồm cả cộng tác viên của RFA, ông Nguyễn Văn Hòa; và minh bạch trong việc thực thi Luật An ninh mạng, vì luật này liên quan đến quyền tự do internet cho 95 triệu người dùng internet ở Việt Nam.”
Luật sư Doreen Chen:
“Chúng tôi mong một đảm bảo là các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể tự do và an toàn thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình để ủng hộ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”
Ông Hoàng Tứ Duy nói ông muốn: “CSVN sẽ cho phép các giám sát viên độc lập vào nhà tù thăm các tù nhân chính trị và trước hết là điều tra lý do tại sao những nhà hoạt động hòa bình này bị bắt giữ.”
Ông Daniel Bastard:
“Chúng tôi yêu cầu Việt Nam bãi bỏ luật “an ninh mạng” mới được triển khai gần đây, bởi vì từ ngữ của nó hoàn toàn là mơ hồ và mơ hồ. Luật này đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận trực tuyến hay không, và chống lại tất cả các tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề này.”
Ông Rolin Wavre kêu gọi:
“Hãy để cho thông tin được tự do chuyển tải tại Việt Nam: thông tin về tù nhân, gia đình được tự do thăm viếng, mọi người được tự do tham dự các phiên tòa. Hãy để cho các luật sư làm việc của họ. Cả hệ thống đàn áp bị sụp đổ.”
Cô Jade Dussart tâm sự:
“Tôi hy vọng rằng, do kết quả của UPR này, ngày càng có nhiều quốc gia buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền mà hiện đang gây ra cho chính công dân của mình. Giả mù giả điếc với nhu cầu của xã hội dân sự và nhắm mắt làm ngơ trước hoàn cảnh của các nhà hoạt động sẽ là điều đáng xấu hổ cho bất kỳ quốc gia nào thương giao với Việt Nam. Nếu các quốc gia thành viên LHQ liên tục nêu ra các vấn đề nhân quyền nói chung và số phận của những người bảo vệ quyền nói riêng với các đối tác Việt Nam – trong hệ thống của LHQ, trong các cuộc họp song phương và trong các cuộc tranh luận đa phương – Việt Nam có thể khó “xoay chuyển câu chuyện” hơn và tiếp tục thoái thác trách nhiệm trước việc vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chính mình.”
Về phía thân nhân những tù nhân lương tâm, ông Trọng Nghĩa, con của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, với bản án 12 năm tù giam, 3 năm quản lý, nói:
“Tôi không nghĩ họ sẽ thả bố tôi vì sự kiện UPR này. Nhưng một điều cụ thể mà tôi muốn thấy là chính phủ Việt Nam, chịu áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế, sẽ kiềm chế không bắt giữ nhiều nhà hoạt động một cách tùy tiện nữa. Thêm vào đó, tôi hy vọng họ sẽ không kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, do sức mạnh mà họ hiện được trao, theo Luật An ninh mạng mới.”
Cũng không ai khác có vẻ mong chờ kết quả nhiệm mầu là người thân của mình sẽ được thả sau chuyến đi này. Không những thế, khi nghĩ đến chuyến về, họ còn quan tâm về việc sẽ gặp rắc rối.
“Việt Nam mình mà, về nhà thì thể nào thì em cũng bị giữ lại bị hỏi han, cũng sẽ phiền, nhưng bị gì thì cũng chịu, vì chồng em chọn con đường đúng, mà lại gặp phải bản án oan sai, thì em phải đi vận động cho anh để cho mọi người được biết.” Bà Kim Thanh, vợ nhà báo tự do Trương Minh Đức, cũng chịu mức án 12 năm tù giam, 3 năm quản lý, khẳng định.
Bà Quý tâm sự:
“Chuyện được thả thì không biết bao giờ, nhưng về nhà bị làm khó thì chắc chắn là có. Mình sống trong cái đất nước mình, mình biết nó thế mà. Khả năng về nhà sẽ gặp khó khăn là có, nhưng chị chẳng ngại gì cả. Chồng chị còn nằm tù 20 năm kia mà, chị được ở ngoài, thì chị chẳng còn cái gì để phải sợ cả.”

Sự hữu hiệu và giới hạn của UPR

Theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (Universal Periodic Review – UPR) hiện tại, thì cứ khoảng năm một lần, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ gửi bản tường trình và đến trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sĩ để đối thoại về tình hình nhân quyền tại nước mình.
Nghiên cứu có tên “Enhancing the Effectiveness of the UN Universal Periodic Review: Civil Society Perspective” cho thấy UPR ngày càng được sử dụng như một cơ chế để làm nổi bật mối quan tâm về quyền con người, đặc biệt là đối với các quốc gia nơi xã hội dân sự đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, dù công nhận là UPR đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng, giới nhận xét cho rằng định chế này cũng còn nhiều giới hạn.
Bà Mandeep Tiwana, trưởng phòng chính sách và nghiên cứu của tổ chức CIVICUS, một liên minh toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự nhận định:
“Bất chấp sự nổi tiếng ngày càng tăng của UPR, một số thách thức tiếp tục cản trở việc thực hiện hiệu quả quá trình này. Trong số đó có các xu hướng tiêu cực như sự trả thù của chính phủ với các tổ chức xã hội dân sự, nhằm làm suy yếu sự tham gia của họ vào UPR; sự thiếu thông tin và thiếu sự hài hòa giữa các cơ chế giám sát nhân quyền liên chính phủ khu vực và quốc tế.”
Tuy thế bà Tiwana vẫn có cái nhìn lạc quan:
“Dù vẫn còn là một quá trình tương đối mới, UPR đã mau chóng trở thành một diễn đàn chính cho xã hội dân sự tham gia vào các vấn đề nhân quyền quan trọng. Hiệu quả của nó có thể được tăng cường nhanh chóng bằng cách khuyến khích cộng đồng quốc tế, các tổ chức đấu tranh, và các quốc gia thực hiện các biện pháp chủ động để tạo điều kiện cho sự tham gia mạnh mẽ của công chúng vào quá trình này.”

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux