“Tiền thu ngân sách từ bất động sản của TP.HCM giảm hơn 16%, trong đó phần thu tiền sử dụng đất giảm hơn 24%” là một sựa thừa nhận chính thức, được nêu ra gián tiếp tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Cục Thuế TP.HCM tổ chức ngày 14/1/2019.
‘Con bò sữa’ Sài Gòn đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho những kẻ ‘còn đảng còn tiền’ và ‘còn đảng còn mình’ ở cấp trung ương.
Như vậy, tình hình thu ngân sách từ bất động sản năm 2018 là kém khả quan hơn hẳn so với năm 2017 – năm mà đất nền Sài Gòn được các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ dữ dội để vừa đút túi một khoản chênh lệch giá khổng lồ, vừa ‘cống hiến’ thuế cho chính quyền thông qua số lượng giao dịch tăng vọt.
2017 là bối cảnh mà có đến 80 – 90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng cục Thuế một năm bội thu.
Chẳng hề ngẫu nhiên mà vào năm 2017, ‘Bộ Thắt Cổ’ (một hỗn danh mà dân gian đặt cho Bộ Tài Chính) đã ‘mạnh dạn’ tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019.
Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước Cộng Sản: Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Vào trung tuần tháng Năm năm 2018, trong một cuộc báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thừa nhận một sự thật mà đã bị giấu biệt vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, bất chấp việc một số nhóm đầu cơ vẫn cố sức PR ‘triển vọng bất động sản sán lạn trong năm 2019’, không ít người trong giới chuyên gia đã phải nhận định rằng 2019 sẽ là một năm ‘điều chỉnh’, nói cách khác là năm giảm giá nhà đất khi mặt bằng giá đã bị đẩy lên quá cao nên không thể thu hút được túi tiền của người mua.
Nhưng lại có một quy luật đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam: khi giá đang lên thì người mua rùng rùng đổ xô vào khiến tăng vọt lượng giao dịch, nhưng khi giá giảm thì thị trường gần như đóng băng, đặc biệt đối với phân khúc đất nền mà trước đó đã bị đẩy gá trên trời. Ngân sách sẽ thất thu lớn từ tình trạng đóng băng của phân khúc này.
Cảnh trạng đất đai im lìm ở những khu vực ‘sốt’ như Quận 9, Quận 2 vào cuối năm 2018 là một minh chứng rất hiển nhiên.
Vậy ngân sách nhà nước 2019 sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình” mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Leave a Comment