“Con rắn vuông” GDP

Hình: Financial Express
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

“Có ba loại nói dối: dối trá, dối trá đáng nguyền rủa và con số thống kê.”
– Benjamin Disraeli

Như thường lệ, tiếp nối truyền thống thành tích “năm sau cao hơn năm trước”, báo chí lề đảng cuối năm qua lại hân hoan, hồ hởi về những “thành tựu” kinh tế xã hội 2018 với những cảm xúc “tự sướng” kiểu như “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, “không chủ quan, thỏa mãn với thành tích”… Đọc những dòng “tự sướng” của báo đảng, cứ như thể Việt Nam sau một đêm đã trở thành quốc gia phát triển và đang ngồi trong câu lạc bộ G7 vậy. Trong khi đó, nếu so sánh về năng lực cạnh tranh, nền kinh tế Việt Nam còn thua cả Cambodia.

Con số tăng trưởng GDP 7,08% được cho là “ngoạn mục nhất” trong 11 năm qua với các chỉ tiêu xuất nhập khẩu hơn 440 tỷ USD, xuất siêu 7,2 tỷ USD, nợ công giảm sâu… được hệ thống tuyên truyền ra rả trên mọi kênh thông tin. Nhưng đằng sau những con số mà CSVN đưa ra nhằm minh chứng “thế nước đang lên” và “ niềm tin của người dân vào Đảng chưa bao giờ sâu sắc và lớn đến thế” là gì?

- Quảng Cáo -

Kể từ thời kỳ “vàng son” Nguyễn Tấn Dũng với “đỉnh cao muôn trượng 8,4%” vào năm 2005 mà thực chất chỉ là thành tích “đốt chưa từng thấy”, một qui luật kinh tế hằng định là sau cơn “tăng động” ngắn hạn bởi bơm tiền vô tội vạ (tăng trưởng tín dụng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP) là sự trượt dài của nền kinh tế nhiều năm tiếp theo bởi lạm phát phi mã và hiệu quả đầu tư suy giảm nghiêm trọng. Chưa kể đến một thực tế là con số thống kê GDP và các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Việt Nam nó cũng giống như “con rắn vuông” trong câu chuyện hài dân gian.

Đối với một thể chế toàn trị như Việt Nam, tăng trưởng GDP được coi là mục tiêu chính trị chứ không đơn thuần là chỉ số kinh tế vĩ mô. Con số này càng không phản ảnh thực chất hiệu quả của nền kinh tế với hàng trăm ngàn dự án được đầu tư chỉ để để duy trì vai trò chính trị và chia chác lợi quyền của các phe cánh trong đảng.

Mấy năm trước đây, một vấn nạn trong việc báo cáo kinh tế xã hội thường niên của các Tỉnh làm căn cứ cho Tổng cục thống kê Việt Nam tổng hợp là tất cả 63/63 tỉnh thành đều có con số tăng trưởng GDP lên tới hai con số, thường thì gấp đôi hoặc gấp ba con số tăng trưởng GDP quốc gia. Khi đó, ông Vương Đình Huệ đã phải hỏi “thế GDP chạy đi đâu mất rồi?”

Để đánh giá năng lực nền kinh tế có gắn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ta có một vài phép tính và so sánh sơ bộ như sau:

Tổng GDP Việt Nam năm 2018 theo tỷ giá hối đoán hiện tại, tương đương 241,43 tỷ USD nhưng chỉ riêng doanh số của Samsung Việt Nam đã chiếm tới 62 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu hơn 440 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP nhưng chỉ thặng dư 7,2 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp vốn ngoại FDI chiếm 72%.

Doanh nghiệp nhà nước, tư nhân chỉ chiếm 28%, tương đương khoảng 62,72 tỷ USD. Tức là, nếu cộng gộp tất cả doanh nghiệp vốn nhà nước và tư nhân, thì năng lực sản xuất và xuất cảng hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp khối nội chỉ tương đương với một công ty TNHH Samsung Việt Nam có 3 nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Nền kinh tế sản xuất phụ thuộc nặng nề vào doanh nghiệp vốn ngoại FDI nhưng có hàm lượng công nghệ rất thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Mục tiêu “đến năm 2020 trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa” đã từ lâu nhà cầm quyền CSVN không còn nhắc đến nữa và cũng chưa biết đến bao giờ trở thành hiện thực vì cái ốc vít tiêu chuẩn vẫn mãi chưa làm nổi.

Dù cán cân thương mại được cho rằng là +7,2 tỷ USD nhưng nếu trừ đi con số tăng trưởng doanh số xuất cảng của Samsung Việt Nam năm 2018 thì rõ ràng thành tích “xuất siêu” này chỉ là “mượn đầu heo nấu cháo” làm đẹp cho bản báo cáo của “vở hài Táo quân” cuối năm của “chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc”.

Con số thống kê xuất nhập khẩu của hải quan Việt Nam thường “để quên” giao dịch thương mại biên mậu khổng lồ theo đường tiểu ngạch với người bạn vàng 4 tốt. Còn nhớ, năm 2015, đại biểu Mai Hữu Tín đã đưa ra chất vấn về sự khác nhau khủng khiếp giữa báo cáo hải quan của Trung Quốc và Việt Nam. Con số 24 tỷ USD trong năm 2014 là sự “lệch pha” trong hệ thống thống kê của hải quan Việt Nam và hải quan Trung Quốc. Ông Tín cũng đặt nghi vấn con số xuất khẩu lậu than và khoáng sản từ Việt Nam sang Trung Quốc vào khoảng 4 tỷ USD/năm. Qui mô buôn lậu cực lớn như thế thì chỉ có nhà nước mới thực hiện nổi.

Con số thâm hụt thương mại cả chính ngạch và tiểu ngạch với Trung Quốc hiện nay đã ở mức trên 50 tỷ USD. Con số này tương đương thặng dư thương mại của cả Mỹ và EU cộng lại. Vấn đề ở chỗ là Hà Nội không hề có một biện pháp quản lý nhà nước, rào cản thương mại hay kỹ thuật nào để hạn chế vấn nạn này mà ngày càng mở rộng hơn ưu đãi cho hàng hóa Trung Quốc. Nền sản xuất nội địa vốn đã èo uột lại càng trở lên “mong manh dễ vỡ” hơn bao giờ hết.

Thực trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” trở thành phổ biến. Chỉ cần nhập hàng Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, dán mác “hàng Việt Nam chất lượng cao” và bán gấp 10 lần như câu chuyện Khải Silk đã thành sách gối đầu giường “làm giàu không khó” cho các doanh nhân trẻ Việt Nam. Điều này, khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng của Trung Quốc từ lâu và nền sản xuất tiêu dùng nội địa “chết từ trong trứng nước”.

Tư doanh èo uột về vốn, kỹ nghệ, năng lực quản trị kinh doanh, hoàn toàn bất lực trước sức ép của hàng hóa Trung Quốc nhưng phải chịu đựng muôn vàn gông ách về thuế phí, thủ tục quan liêu và thói “làm tiền” tàn bạo của giới quan chức. Dù góp phần lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm nhưng tỷ trọng xuất khẩu của khối tư doanh rất thấp, hầu như không đáng kể.

Sau hơn 3 thập kỷ kể từ mốc 1986, khối tư doanh Việt vẫn còi cọc như một đứa trẻ không dậy thì nổi vì suy dinh dưỡng. Trong khi doanh nghiệp khối Nhà nước dù được hưởng mọi chính sách ưu đãi về vốn, tài nguyên, chính sách hỗ trợ và độc quyền kinh doanh trong những lĩnh vực béo bở…thì “mãi không chịu lớn” hoặc làm ăn bê bết để đợi cổ phần hóa nhằm biến khối công sản khổng lồ thành thành của riêng cho những nhóm tư bản đỏ.

Trong một cuộc họp quốc hội cuối năm 2018, trả lời chất vấn và những lo ngại của đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) về chỉ số ICOR của nền kinh tế ngày một cao cho thấy hiệu quả đầu tư của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, ông Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – người được coi là có trình độ bài bản nhất trong lĩnh vực kinh tế – đã phát biểu một câu “xanh rờn”: Không thể đánh giá ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả. Ông Huệ “bóc tách”: Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả.

Chỉ số ICOR ở mức 6,21 điều đó có nghĩa phải đầu tư 6,21 đồng vào nền kinh tế Việt Nam mới có được 1 đồng tăng trưởng. Chỉ số ICOR Việt Nam cao gần gấp đôi so với khu vực Đông Nam Á. Con số này đã có lúc lên tới 8,0 vào năm 2009 – thời điểm đốt tiền khủng khiếp nhất của Nguyễn Tấn Dũng với những gói kích cầu tài chính vô tội vạ. Đến thời ông Phúc làm thủ tướng, năm 2017 cũng đã bơm đến 1,2 triệu tỷ đồng và năm 2018 đã bơm ròng hơn 400.000 tỷ đồng vào thị trường tài chính. Chi tiêu chính phủ năm 2018 khoảng 86 tỷ USD theo tỷ giá qui đổi, thâm hụt ngân sách gần 9 tỷ USD. Tức là con số chi tiêu của chính phủ vượt xa tổng giá trị hàng hóa dịch vụ của khối doanh nghiệp nội.

Chi tiêu chính phủ bao gồm các khoản chi thường xuyên cho hệ thống chính phủ, đảng, đoàn, quân đội, công an, các tổ chức đoàn đội, mặt trận, hiệp hội… và đầu tư vào các dự án hạ tầng công ích xã hội. Khu vực đầu tư công luôn là lĩnh vực tham nhũng nghiêm trọng nhất. Câu trả lời của ông Huệ theo kiểu bắt lỗi khái niệm thuật ngữ trong lĩnh vực ông ta phụ trách là một kiểu lưu manh chính trị nghị trường nhằm trốn tránh thực trạng cực kỳ tồi tệ trong lĩnh vực đầu tư công và quản trị nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hai con số rất đáng phải quan tâm liên quan đến đời sống thực sự của người dân.

1 – Mức thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam chỉ khoảng 220 USD/tháng chưa bằng 1/10 so với thu nhập bình quân trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Con số này do Manpower Group Solutions công bố vào đầu tháng 1/2018. Trong khi đó mức thuế phí mà người dân Việt phải đóng góp so với thu nhập là cao nhất trong khu vực Châu Á.

2 – Một nghịch lý là GDP đầu người tăng nhưng thu nhập người dân hầu như không tăng trong nhiều năm qua. Tỷ số “mức tiêu dùng bình quân đầu người/ mức thu nhập sản xuất bình quân đầu người” do hai tác giả thuộc Học viện Tài chính và Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam là Ts Nguyễn Hồ Phi Hà và Bùi Trinh cho biết đa phần người lao động Việt đã không thể tiết kiệm mà còn phải vay thêm để tiêu dùng.

Tất cả những con số và phân tích trên cho thấy, trái ngược với bức tranh tô hồng về nền kinh tế Việt Nam của CSVN là một sự bịp bợm “tự sướng”. Con số tăng trưởng GDP 7,08% chỉ có tác dụng đánh bóng vai trò “kiến tạo” của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc sống người dân mỗi ngày một tồi tệ, năng lực của doanh nghiệp nội địa ngày một yếu kém.

Tử huyệt thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng như thâm hụt ngân sách vì sức tàn phá của 4 triệu đảng viên khiến cho nền kinh tế Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng đi trên bờ vực của khủng hoảng. Tấm lưng gầy guộc của người lao động Việt Nam đang mỗi ngày một oằn thêm vì gánh nặng thuế phí tàn bạo. Câu chuyện về “con rắn vuông” GDP và sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản cũng như chính phủ “kiến tạo”, đã đến lúc phải chấm dứt.

15/1/2019

Tân Phong

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here