Những ngày đầu tháng Giêng, báo chí lề phải Việt Nam cùng đồng loạt lên án “Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.”
Các tội do báo chí liệt kê ra bao gồm “quảng cáo chính trị” nói xấu người khác mà không ai khác hơn là lãnh đạo, Đảng và nhà nước; “câu giờ” do không gỡ các nội dung được cho là độc hại trong vòng 48 tiếng mà chần chờ tới vài tháng mới chịu làm. Thu lợi từ quảng cáo các game cờ bạc, mại dâm mà không đóng thuế.
Làm lộ bí mật nhà nước
Tội nói xấu lãnh đạo, Đảng và nhà nước không có gì là lạ khi hàng trăm người đã bị bắt giam và kết án với tội danh này. Hiệu ứng của các nội dung loại này làm cho Hà Nội lo ngay ngáy vì với lượng người dùng lên đến 60 triệu thì số người ngày càng biết rõ sự thật sẽ ngày càng cao. Mục đích ngu dân và mỵ dân của Hà Nội đang ngày càng đi suy giảm khi người ta dù chỉ đọc mà không like, không bình luận hay chia sẻ.
Những người vốn chỉ được lối giáo dục “chấp nhận tất cả” đã tiến dần – dù chậm – về phía nghi ngờ. Một khi nghi ngờ thì họ sẽ đặt ra câu hỏi và tìm cách đi tìm sự thật. Sự thật vốn là điều mà Hà Nội luôn e ngại. Những bí mật về tài sản và sức khoẻ lãnh đạo Đảng và nhà nước là những điều Hà Nội không muốn để người dân biết.
Nỗi sợ người dân tập hợp lại trong các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ngày càng lộ rõ sau khi chứng kiến sức mạnh của mạng xã hội qua các cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu, luật an ninh mạng, hay chống Formosa, phong trào cây xanh … Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng lực lượng tác chiến mạng – dư luận viên để báo cáo vi phạm (report) Facebook của các nhà hoạt động hay những người có lượng người theo dõi cao nhằm vô hiệu hoá tiếng nói của những người này bằng cách khoá (block) Facebook cá nhân của họ. Việc này có vẻ có tác dụng một thời gian.
Tuy nhiên sau khi Facebook ở Đức thừa nhận về thủ thuật report trang Facebook của người khác sau khi nhà báo Lê Trung Khoa viết thư khiếu nại với các tổ chức Phóng viên không biên giới, chính phủ Đức và Quốc hội châu Âu. Hà Nội không thể vươn tay tới văn phòng Facebook ở Đức để ngăn cản việc lộ chiến thuật tấn công Facebook cá nhân lực lượng tác chiến trên mạng ở Việt Nam. Đây là điều Hà Nội không thể chấp nhận vì Facebook đã dám để lộ bí mật nhà nước.
Không đóng thuế
Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 ép buộc Facebook phải mở văn phòng tại Việt Nam cũng sẽ làm cho Facebook phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Hà Nội. Hiện Facebook cho biết họ vẫn cân nhắc việc liệu có mở văn phòng ở Việt Nam hay không.
Giữa năm 2019, Facebook sẽ phải đóng thuế cho các quốc gia mà Facebook có thu được lợi nhuận. Tuy nhiên số lượng các quốc gia mà Facebook phải trả thuế là 30 và là những quốc gia mà Facebook có văn phòng ở đó. Ở Anh Facebook phải đóng thuế năm 2020 vì nằm trong số các công ty công nghệ lớn có doanh số trên 500 triệu.
Như vậy nếu Facebook mở văn phòng ở Việt Nam đồng nghĩa với việc họ buộc phải đóng thuế cho chính phủ Việt Nam.
Việc quảng cáo game cờ bạc hay mại dâm chỉ là cái cớ. Tướng tá còn cầm đầu đường dây đánh bạc trên mạng lớn được, Facebook chỉ có tội quảng cáo. Mà cũng chẳng phải do Facebook chủ động mà do người dùng sử dụng thuật ngữ khác để đánh lừ các thuật toán của Facebook.
Cái tội lớn hơn rất nhiều là không đóng thuế. Hà Nội đã ước tính Facebook thu đươc 235 triệu đô la từ quảng cáo. Nếu thu được thuế doanh nghiệp từ Facebook thì số tiền thuế sẽ ước đạt 47 triệu đô la, một con số không hề nhỏ trong khi ngân sách đang cạn kiệt.
Nhà nước Việt Nam áng rằng nếu không cho Facebook hoạt động ở một thị trường rộng lớn như Việt nam thì sẽ là một sự thất thoát lớn về doanh thu cho Facebook. Thật ra 235 triệu đô la không thấm vào đâu so với doanh thu 13,73 tỷ đô la trong quý 3 năm 2018.
Dù vậy Facebook vẫn bị kết tội không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế khiến nhà nước thất thu.
“Câu giờ” ngược
Việt Nam yêu cầu Facebook gỡ các nội dung “xấu, độc hại” trong vòng 48 tiếng nhưng Facebook lại không làm liền mà phải tới mấy tháng sau mới làm. Chưa kể đến việc Facebook lại làm lơ không thèm trả lời lại mà bộ bốn T cáo buộc sự im lặng của Facebook là vi phạm luật an ninh mạng.
Facebook đã trả lời rõ “Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp trong nước.”
Trên đã ra văn bản yêu cầu mà doanh nghiệp không được đáp ứng ngay là không được. Trên có quyền câu giờ, doanh nghiệp câu giờ ngược với trên là vô phép. Cho dù Facebook làm đúng quy trình, nhưng Hà Nội lại nóng lòng muốn đốt cháy quy trình mà không được chiều theo ý nên đâm ra … cáu.
Bắt chẹt bằng luật an ninh mạng
Nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng Facebook đã vi phạm luật an ninh mạng khi họ để các nội dung nói xấu, hay độc hại hiển thị trên Facebook, nhưng lại không chỉ rõ được xấu và độc hại chỗ nào, vì sao mà chỉ yêu cầu chung chung là nội dung đó cần phải được xoá.
Hà Nội buộc Facebook mở văn phòng tại Việt Nam trong vòng một năm kể từ ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực. Sau khi mở văn phòng rồi mà Facebook không đóng thuế thì mới có thể cáo buộc người ta không đóng thuế được.
Hà Nội viện dẫn vào Luật An Ninh Mạng của các quốc gia châu Âu để cho ra Luật An ninh Mạng của riêng mình sau khi đã tham khảo luật tương tự của đàn anh Trung Quốc.
Trong khi luật của Âu châu là nhằm làm cho các quốc gia EU an toàn hơn về mặt kỹ thuật số như ngăn chặn tội phạm mạng tức các tội được thực hiện thông qua mạng, khả năng gây tổn hại cho các tổ chức và người dùng. Người dùng máy tính và các công ty được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công hay các hành động bất hợp pháp của các bên thứ ba trên mạng.
Các công ty được yêu cầu bảo mật thông tin của người dùng và báo cáo ngay khi bị tấn công. Tất cả đều diễn ra trên thế giới kỹ thuật số.
Luật An ninh Mạng của Việt Nam được Hà Nội sử dụng hiện thực hoá và biến Luật An ninh Mạng thành luật bảo vệ sự sống còn của chế độ./.
Leave a Comment