Khi vụ vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế và phá tan hoang, tui liền viết về anh bạn tui, người lớn lên ở vùng đất ấy với ngụ ý chứng minh rằng khu này đã tồn tại từ 1954 chứ không phải là xóm liều với toàn thành phần bất hảo chiếm đất mở quán thịt chó từ năm 1988 như nhà nước và báo chí đã thông tin. Cho đến giờ này đã có nhiều bài viết về Lộc Hưng. Đã có hai ba luồng dư luận khác nhau dù giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã được trưng ra, toàn chứng hợp pháp. Đúng sai cũng đã dễ dàng nhìn thấy.
Hôm nay, tui không nói về luật pháp nữa mà tui muốn nói đến sự tàn nhẫn tận cùng của con người. Đối với người Việt, giỗ Tết là thời điểm quan trọng nhất của một năm. Kẻ ly hương không sum họp được với ngày Tết là kẻ bất hạnh. Người ở nhà không đốt được nén nhang trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết là kẻ bất hiếu. Đọc truyện của ông Nam Cao, ông Ngô Tất Tố trong hoàn cảnh nghèo đến tận đáy, người ta cũng cố cho có một nén nhang, miếng bánh trên bàn thờ. Thế mà thời nay, thời độc lập tự do hạnh phúc, thời của thiên đường, thời chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc người ta nỡ lòng nào đem xe ủi phá nát 112 căn nhà. Đập đổ 112 cái bàn thờ, xua hàng ngàn con người không còn nơi nương tựa, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trong khi Tết đã chạm ngõ.
Ngày trước có bài hát Xuân này con không về, nghe đã não nuột. Bây giờ Xuân này con không nhà nghe cay đắng hơn nhiều. Tết này ở Lộc Hưng sẽ có nhiều người sẽ không biết đốt đèn vào đâu, cắm cây nhang vào đâu để rước ông bà, để đón xuân mới. Sẽ không còn nồi bánh cưng đỏ lửa ven hè để đón xuân sang. Lộc Hưng chẳng còn tiếng cười, chỉ còn giọt nước mắt. Trẻ con không còn được khoe áo mới, được chúc Tết ông bà bởi căn nhà ấm êm bây giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Sự tàn nhẫn đã đi đến tận cùng. Dự án xây trường học có phải làm ngay đâu, sao phải đập nhà dân, phá hỏng cái ngày thiêng liêng nhất của dân trong thời gian này? Căm thù dân đến thế sao? Tàn ác với dân đến độ đó sao? Trả thù dân bằng cách dân không còn nhà ăn Tết là hành động vô đạo lý. Làm người lại là người đang nắm trong tay quyền lực mà hành động bất chấp đạo lý làm người, phi nhân tính thì còn tệ hơn con vật. Người cộng sản thời 1945 có lý tưởng dân tộc, người cộng sản bây giờ lý tưởng là chức vụ, là quyền lợi là tài sản thu lượm được. Do vậy, việc gì mang lại lợi ích cho họ, họ sẽ bất chấp tất cả, lương tâm, phẩm giá, đạo lý, lòng nhân đạo…trở thành những trò cười với họ.
Có dư luận cho rằng vùng đất này dung dưỡng mấy người tham gia chống nhà nước. Họ là những người lên tiếng trước bất công, kêu gọi dân chủ, chống mưu toan xâm lược Việt Nam của Trung quốc, chống Formosa ô nhiễm, đầu độc biển cả Việt Nam. Họ bị bắt bớ, tra khảo tù đày, khi ra tù, công an cô lập họ, không thuê được nhà ở bất cứ đâu vì công an đến làm khó dễ với chủ nhà. Họ đến với Lộc Hưng, cộng đồng giáo dân giúp họ thuê nhà, bênh vực họ và họ dễ thở hơn khi được đùm bọc của cộng đồng, điều này khiến cho chính quyền khó chịu, xem đó là cái gai cần phải nhổ.
Hơn nữa, ở Lộc Hưng lại có căn nhà tình thương của dòng Chúa Cứu Thế xây lên để làm chỗ trú cho những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà. Họ là những người cụt chân, cụt tay, mù mắt không còn thân thích, chẳng còn nơi nương tựa. Các cha cho về đây để có chỗ trú thân. 43 năm chiến tranh đã đi qua, xét cho cùng họ cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh và bây giờ họ cũng chẳng còn bao ngày ở thế gian này nữa. Thế nhưng, trong mắt của những cán bộ chế độ mới, họ vẫn là kẻ thù không chấp nhận được, không thể sống chung. Những lần từ thiện, khám bệnh, tặng quà cho những người này đều bị đánh phá từ trong trứng nước. Do vậy, khi cưỡng chế Lộc Hưng, ngôi nhà tình thương này là ngôi nhà bị xe ủi dỡ bỏ đầu tiên, những người thương phế binh này là nhóm người bị bắt về phường đầu tiên. Tại sao chiến tranh đi qua đã gần nửa thế kỷ, chính quyền đã được củng cố từ đơn vị xã phường cho đến trung ương, quân đội trong tay, luật pháp trong tay, sức mạnh trong tay, chuyên chính vô sản có đầy đủ cả mà sao vẫn còn sợ chi mấy anh thương phế binh què cụt, tàn phế, sao không xem họ vẫn là đồng bào ruột thịt của mình, những con người bất hạnh bởi chiến tranh. Cứ mãi phân biệt họ, cứ mãi xua đuổi họ khi họ đã ở tận cùng dưới đáy của xã hội. Làm như thế là quá bất nhân, chỉ là lối cư xử của loài quỷ. Là tận cùng của sự tàn nhẫn.
Trong chiến tranh, ở hai chiến tuyến đối nghịch, người ta còn đình chiến để hưởng Tết. Thế mà trong hoà bình, giữa một thành phố rực rỡ cờ hoa, người ta đành lòng đánh cắp cái Tết của người dân, khiến cho người dân đón Tết trên đống hoang tàn. Họ có là người không khi nhìn thấy nước mắt của cụ gìa, tiếng gào của con trẻ, ánh mắt lạc thần của bà mẹ mấy chục năm gắn bó với luống rau, cọng cỏ. Đêm giao thừa này, nhà nước rồi cũng sẽ bắn pháo hoa, ánh sáng của pháo hoa cũng sẽ soi sáng một mảnh đất bị phá nát thành đống đổ nát, sẽ chiếu rõ hơn những khuôn mặt bi thương và ánh mắt chưa khô nước mắt của người dân Lộc Hưng.
Tui vẫn không lý giải được tại sao chính quyền cứ sợ mãi thế lực phản động như trẻ con sợ ma. Thế lực ấy mơ hồ và như ảo ảnh và thế là những thương phế binh tàn phế này chính là thế lực phản động nguy hiểm cần phải đề phòng và tiêu diệt. Người dân phản biện lại những vấn đề bức bách của xã hội là những kẻ phạm pháp. Dân càng ngày càng mất lòng tin và tầng lớp lãnh đạo cũng sẽ chẳng còn tin vào những điều mình nói và những việc mình làm.Họ nói để đối phó, để nguỵ biện chứ tui nghĩ thật ra họ cũng biết rõ họ đang nói và làm đúng hay sai rồi. Nhưng vì cái ghế ngồi, để chế độ này còn tồn tại, còn được vinh thân phì gia họ tiếp tục mặc kệ nhân dân, đạp đổ đạo lý.
Leave a Comment