Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Cuối năm 2018, chính trường Việt Nam còn vất vả với điểm nóng Thủ Thiêm, nơi có thể bùng nổ lớn bất cứ lúc nào thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hớn hở tuyên bố “Niềm tin của nhân dân vào đảng chưa bao giờ lớn như lúc này”.
Trong niềm tin lớn mang màu sắc tưởng tượng ấy, tại Hà Nội từ ngày 25 đến hết ngày 26/12 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng họp hội nghị Trung ương 9 thảo luận 3 đề tài lớn: lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ Trung ương đảng, bàn bạc việc “quy hoạch cán bộ chiến lược” cho đại hội 13, cuối cùng thi hành kỷ luật, lột chức Uỷ viên trung ương Tất Thành Cang. Dịp này Nguyễn Phú Trọng không quên khoe khoang về kế hoạch kềm chế tham nhũng thành công rực rỡ, cũng như tái vận động đầu tư ngoại quốc đang sa sút với niềm hy vọng nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trong năm 2019.
Nhưng khi ông Trọng vừa thay áo Tổng bí thư để lên phủ chủ tịch mặc áo Chủ tịch nước tiếp khách vào dịp cuối năm 2018 thì tin dữ bay tới. Đó là sự kiện 152 người Việt Nam cầm visa du lịch Đài Loan, khi tới nơi cùng nhau bỏ trốn một cái rụp. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên người Việt trong nước đi du lịch mà không hẹn ngày về, nhưng con số 152 người trong một tour du lịch chính thức biến mất đã làm xôn xao dư luận.
Thay vì gào to “Việt Nam Vô Địch”, lần này hai chữ “Việt Nam Bỏ Trốn” có dịp được nhắc tới trên báo chí quốc tế kèm theo những từ không mấy hãnh diện: “bỏ trốn”, “lao động bất hợp pháp”, “mại dâm” v.v… Với thành tích này Cộng Sản Việt Nam chắc chắn sẽ giật giải Xuất Khẩu Du Lịch Toàn Thế Giới trong năm 2018. Được biết trong chuyến “du lịch” có mục đích sang Đài Loan lao động “chui” này, mỗi người ra đi phải bỏ ra đến 50 triệu VND (khoảng 2500 USD) tức gấp đôi một tour du lịch bình thường.
Qua vụ này người ta mới thấy rõ sự huênh hoang của Nguyễn Phú Trọng trong 3 năm dựng lò đốt tham nhũng: nào là kinh tế Việt Nam đang phát triển vượt bậc, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mỗi năm mỗi gia tăng, nào là lượng kiều hối của người Việt ở ngoài nước gởi về đạt kỷ lục trong năm 2018… Cụ thể, ngày 27/12 Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 đạt 7.08%, một con số cao kỷ lục trong 10 năm qua. Với mức thu nhập đầu người được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ công bố trước báo chí vào đầu tháng 10/2018 là trên 2500 đô-la, vậy tại sao người dân Việt Nam lại ngày đêm tìm cách trốn đi làm chui bên ngoài?
Câu hỏi không khó để trả lời khi nhìn qua thực trạng của một nền kinh tế què quặt kéo dài do gánh quá nhiều chi tiêu công không sinh lợi với hàng chục dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu. Hay những công trình liên tục đội vốn đang ì ạch “thi công” kiểu thảm hoạ Metro Bến Thành-Suối Tiên… Nợ công thì bị giấu giếm hay phù phép cho thấp xuống để dễ bề đi vay thêm. Chế độ không còn cách nào hơn là phải thổi phồng các con số FDI và GDP hàng năm để lấy đó làm đề tài tuyên truyền.
Do đó, sự tăng trưởng kinh tế mà đảng và nhà nước Việt Nam gọi là “ngoạn mục” thực ra đều là giả tạo nhằm mục đích tô hồng bộ mặt lem luốc của một bức tranh màu xám. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam chỉ phục vụ cho đầu tư ngoại quốc, điển hình như Samsung và Formosa, hơn là cho chính mình.
Chính vì thế mà sinh ra hiện tượng đáng buồn kéo dài hàng chục năm nay. Sinh viên Việt Nam được đào tạo từ nhà trường đại học đối diện với thực tế: không tìm được việc làm. Báo chí thản nhiên công bố những số liệu đầy hổ thẹn: hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, lại là “điểm son” của ngành giáo dục và đào tạo. Muốn kiếm sống, thanh niên Việt Nam nếu không kiếm được một vé lao động hợp tác, họ chỉ còn có cách trốn đi nước ngoài làm lao động chui. Đó là trường hợp 152 nam nữ thanh niên vừa qua đang trôi giạt ở xứ Đài tìm đường sống trong bất hợp pháp.
Nhìn hình ảnh những thanh niên Việt Nam bị cảnh sát Đài Loan còng tay dẫn đi đầu cúi gầm, những người đồng bào của họ không khỏi căm phẫn cái chế độ thống trị huênh hoang nhưng bất lực trong việc đem lại nhu cầu sinh sống bình thường cho dân. Không thể chê trách điều gì với những người bỏ trốn này vì họ chỉ là nạn nhân trong 90 triệu nạn nhân của chế độ.
Từ đó có thể kết luận là trong suốt 3 năm qua, Nguyễn Phú Trọng chỉ tâp trung củng cố và tóm thâu quyền lực, tạo thêm vây cánh, trấn áp các phe phái đối nghịch trong mục đích giữ lấy quyền lực lâu dài cho đảng và phe cánh của mình. Còn chuyện phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, chiêu bài lừa bịp.
Người dân ngay cả thành phần quán cóc, trà đá vỉa hè, xe ôm, mua gánh bán bưng ngày nay chỉ còn cái quyền duy nhất là nhắm mắt còng lưng đóng đủ mọi loại thuế, phí để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa. Cái chăm lo duy nhất của đảng và chính phủ CSVN là làm thế nào vẽ ra thật nhiều “dự án phát triển hoành tráng” để có cơ hội vay tiền nước ngoài, cũng chính là cơ hội cho cán bộ bốc hốt làm giàu và gây thêm nợ nần cho đất nước.
Nói tóm lại, hình ảnh 152 người đi du lịch Đài Loan đồng loạt rồi bỏ trốn, không chỉ nói lên hiện tượng tháo chạy mà còn cho thấy Việt Nam sau 30 năm đổi mới không phải là vùng đất hứa như ông Trọng hay ông Phúc khoe khoang. Đây chính là sự báo hiệu cho sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội Việt Nam trong năm 2019 và 2020, khi cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Tàu và Mỹ bị đẩy lên cao điểm.
Leave a Comment