Nguyễn Ngọc Bảo – Web Việt Tân
Luật An Ninh Mạng (ANM) ban hành bởi đảng CSVN, bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2019. Căn cứ vào nội dung và bối cảnh kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam hiện nay, luật này nhằm vào các ưu tiên:
Một là để răn đe nội bộ đảng, trừng trị cán bộ, đảng viên tiết lộ những bí mật cung đình ra bên ngoài, trên các mạng xã hội trong bối cảnh tháo chạy hiện nay;
Hai là để nhằm vào những admin, quản trị các thiết bị và phần mềm thuộc phần hạ tầng cấu trúc của hệ thống kiểm duyệt, dựa theo mô hình Hàng Rào Tường Lửa Vĩ Đại của Trung Quốc (Great Firewall);
Ba là để mạnh tay triệt hạ những ý kiến bất đồng hay những phản biện của quảng đại quần chúng trên mạng xã hội.
Nhiều năm trước khi có Luật An Ninh Mạng, nhà cầm quyền CSVN đã thiết trí hệ thống kiểm duyệt dựa trên một số nhu liệu về kỹ thuật filtering với các cụm từ (keywords) tại các cổng quốc tế (International Gateway) do họ kiểm soát, nối vào mạng toàn cầu bên ngoài Việt Nam. Nhiều blogger, facebooker, nhà báo độc lập đã bị chế độ bắt giữ, giam cầm trái phép với những bản án nặng nề, dù chỉ phổ biến những tin tức, dữ kiện đã được phổ biến rộng rãi bên ngoài Việt Nam. Đó là những bản tin liên hệ đến những vi phạm nhân quyền, hành động phi pháp, sách nhiễu người dân, ra lệnh tra tấn, giết người, lợi dụng quyền chức để trục lợi, biển thủ công qũy của hệ thống cầm quyền điều khiển bởi cán bộ cao cấp của đảng CSVN.
Do đó, Luật ANM không nhằm vào việc kiểm duyệt các thành phần đối kháng, vì chế độ đã làm rồi mà nhằm nới rộng “thẩm quyền” và sự kiểm duyệt đến một khối lượng đông đảo hơn các thành phần khác trong xã hội, ngăn ngừa trước các mầm mống đối kháng qua các thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội. Dựa trên những nội dung rất mơ hồ, hoàn toàn tùy theo sự thẩm định ngang ngược, tùy tiện của hệ thống công an mạng về cái gọi là chống bôi nhọ lãnh đạo đảng CSVN, chống rò rỉ bí mật quốc phòng, phương hại đến trật tự xã hội, …
Với mức độ thẩm thấu về phương diện truy cập vào mạng toàn cầu Internet lên đến hơn 66% dân số 95 triệu và hơn 50 triệu trương mục Facebook hiện nay, chắc chắn mọi biện pháp kiểm duyệt toàn diện và gắt gao mức truy cập vào Internet sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và những thành phần sau đây:
– Thành phần học sinh, sinh viên, khảo cứu trong các đại học, tuổi từ 15-24 chiếm khoảng 15,5 triệu người/95 triệu dân số, có khối lượng rất lớn các trương mục trên Facebook, LinkedIn, các mạng xã hội. Thành phần trẻ và trung niên 5-40 tuổi (khoảng 25,3 triệu) xử dụng Internet trong việc làm, liên lạc hay tiêu khiển, giải trí, đa số qua điện thoại cầm tay (smartphones). Tại Việt Nam, 2 thành phần này cộng lại hơn 40 triệu người, hơn 40% dân số Việt Nam, trong lứa tuổi cần thông tin, trao đổi hàng ngày qua mạng.
– Thành phần làm việc trong các định chế quốc tế không có quy chế ngoại giao đoàn, NGO (hơn 5.000 người), các hãng xưởng có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam (hơn 80.0000), gồm cả người Việt và người ngoại quốc. Số lượng này lên đến non 300.000 người nếu tính cả gia đình và những người Việt giúp việc cho họ.
– Thành phần ngoại giao đoàn và gia đình thuộc các tòa đại sứ, lãnh sự quán ngoại quốc tại Việt Nam, các định chế lớn quốc tế, con số lên hàng chục ngàn người (~10.000) nếu kể cả những người làm việc.
– Thành phần sinh viên du học, cán bộ tu nghiệp tại hải ngoại tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga, Đông Âu, Úc, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Đông, Bắc Phi, … số người này lên đến khoảng 800.000, cần liên lạc thường xuyên với gia đình qua các instant messenging qua mạng, cho các hoạt động làm ăn, điểm tựa cho gia đình tại Việt Nam.
– Thành phần cán bộ đảng viên trung cấp và cao cấp và thân thuộc có nhu cầu truy cập vào mạng, để có thông tin liên hệ đến quyền lợi của họ, nhất là đến từ bên ngoài đảng, trao đổi với phe nhóm, đầu tư, trục lợi qua những hoạt động riêng (văn phòng đầu tư, công ty bình phong tại các thiên đường thuế khóa (tax havens). Nhóm này lên đến 1-2 triệu người.
– Thành phần nhân viên phục vụ trong ngành báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong luồng (hơn 300.000), cho nhu cầu liên lạc, thu thập thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh, thành phần văn nghệ sĩ với số lượng khiêm tốn, nhưng rất cần mạng nhằm phổ biến tự giới thiệu qua hình ảnh, khả năng nghệ thuật.
Căn cứ vào một số dữ kiện sơ khởi nói trên, người ta có thể chắc chắn mọi biện pháp kiểm duyệt, ngăn cấm nghiêm nhặt theo tinh thần ANM, khả năng truy cập vào mạng sẽ có gây ra phản ứng của người dân tuỳ theo mức độ liên hệ giữa các hoạt động làm ăn, sinh sống, liên lạc và mạng Internet. Ngoài ra, nhu cầu truy cập của thành phần cán bộ trung cấp và cao cấp với những dễ dãi đặc biệt hay qua một mạng riêng biệt sẽ là một khó khăn nan giải cho việc thiết trí các thiết bị và nhu liệu lọc và tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ của các admin vốn có khả năng toàn quyền sửa đổi các thước lọc (filtering rules), tuỳ theo giờ giấc, ngày tháng, địa danh, dạng thiết bị dùng để truy cập, tên vùng (Domain Name), vân vân.
Tại Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh đã thành lập một đội quân hơn 1,2 triệu nhằm quản trị Bức Tường Lửa Vĩ Đại, truy lùng các hành vi “bất hảo” trên mạng, với những cấu trúc điện tử, nhu liệu thanh lọc tinh vi, và biện pháp trừng trị cứng rắn, nhưng cho đến nay vẫn không ngăn cản được sự biến báo, tinh khôn của hơn 800 triệu dân cư mạng, với sự hỗ trợ kín đáo về kỹ thuật của một số NGO quốc tế và Hoa Kỳ. Lãnh đạo CSVN đang muốn rập khuôn theo mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc.
Kể từ bây giờ, người dân trong nước cần kiểm chứng xem các đường dẫn truy cập bình thường vào mạng Internet của mình, có bị ngăn chặn hay không. Nhất là việc truy cập vào Facebook, Youtube, các webmail,… Cần ghi lại các trở ngại gặp phải, trang mạng không có (error HTML 404, 403), trang mạng không trả lời, trang mạng bị ngăn chặn (block), qúy vị có thể liên lạc với Việt Tân tại nofirewall.net để được hướng dẫn về lý do và một số biện pháp giúp tiếp tục truy cập vào được đường dẫn mong muốn. Những dữ kiện giúp cho chúng ta thẩm định rõ hơn là các biện pháp kiểm duyệt ở mức độ nào, có đồng bộ hay không, có những điểm nào có thể khai thác nhằm giúp cho quý vị và rất nhiều người khác trong nước, có khả năng vượt qua hàng rào kiểm duyệt, ngăn chặn.
Chúng tôi không nêu các chi tiết kỹ thuật nhằm tránh bị chế độ khai thác. Tuy nhiên sẽ có những biện pháp cần công khai để vận động sự hưởng ứng, đóng góp của đông đảo quần chúng, có những biện pháp cần sự hưởng ừng của một số admin thức thời, một số biện pháp kín đáo khác đến một số thành phần có khả năng truy cập riêng biệt vào mạng như các thành phần NGO, hãng xưởng quốc tế, vòng đai các thành phần có quyền chức.
Hành động bất tuân dân sự đồng loạt, đông đảo và liên tục trên mạng, sẽ là những áp lực hữu hiệu nhất vào chế độ. Trước khi việc bất tuân dân sự sẽ trở nên những cuộc biểu tình, đòi quyền tự do truy cập vào mạng Internet trên đường phố, đòi hỏi hủy bỏ các điều khoản mơ hồ, phi lý trong Luật ANM.
Dân cư mạng cần tiến hành bằng những hành động rất dễ làm, an toàn, chuyển nhau qua mạng Internet trong nội địa Việt Nam, đằng sau bức tường kiểm soát của CSVN, nhưng sẽ tác động nhiều về mặt tinh thần đánh vào tư thế cá nhân của lãnh đạo CSVN.
Thí dụ chế diễu lãnh đạo, gọi Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, là Tổng Gian Hùng với các cách viết sau T*ồng G/ian H?ùng, sau vài tuần có thể thay thế bằng, Trung Cẩu, Trùm Gian Ác, …
Mở chiến dịch bất tuân dân sự trên mạng xã hội, diễu cợt với avatar chống kiểm duyệt, Luật ANM, chế diễu lãnh đạo CSVN.
Trong công sở chỉ xử lý các điện thư quan trọng, 1 ngày sau (delay) và đổ cho việc bị kiểm duyệt làm trì trệ.
Kín đáo chuyền cho nhau các nơi có khả năng truy cập vào mạng ít bị kiểm duyệt
Kín đáo hay công khai phổ biến các hướng dẫn vượt kiểm duyệt đến các bạn bè, người thân trong vòng thân cận trong sinh hoạt hàng ngày.
Công khai làm các vở kịch ngắn ngoài trời, bêu rếu chiến dịch kiểm duyệt mạng Internet.
Liệt kê qua sự dò hỏi cá nhân, quen biết, các nơi có khả năng truy cập tự do vào mạng như các nhân viên các tòa đại sứ, các NGO mà không qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước CSVN.
Trên đây chỉ là những gợi ý, chắc chắn là qúy vị sẽ có nhiều sáng kiến độc đáo, dễ thi hành bởi mọi người yêu chuộng quyền tự do truy cập vào mạng Internet.
Đảng Việt Tân đã tiến hành vận động ngay từ mùa hè 2018 các nỗ lực nhằm vào chính giới Hoa Kỳ để tác động lên các GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), cũng như vận động trực tiếp các công ty lớn có dịch vụ mạng, cũng như kêu gọi ký tên vào các kiến nghị vận động chính giới Liên Âu, Hoa Kỳ, tham gia các Hội Thảo quốc tế cho quyền tự do thông tin trên mạng Internet. Chuỗi nỗ lực này sẽ tiếp tục trải dài trên nhiều hình thức vận động trong năm 2019, song song với một số chuẩn bị kỹ thuật nhằm đối phó với những trường hợp khó khăn nhất.
Nguyễn Ngọc Bảo
Leave a Comment