Quảng Cáo

10 sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong năm 2018

Quảng Cáo

Năm 2018 sắp qua đi với nhiều biến động trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Mời quý độc giả theo dõi 10 sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong năm qua, do BBT Web Việt Tân bình chọn.

BBT Web Việt Tân

Hàng ngàn người tại 12 tỉnh, thành đã tràn xuống đường biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Luật an ninh mạng vào ngày 10 tháng 6, trong lúc Quốc hội CSVN đang thảo luận để thông qua. Đây là sự kiện xuống đường hàng loạt lớn nhất từ trước đến nay và làm cho lãnh đạo CSVN sửng sốt và tức giận vì đã tuyên bố ngưng thảo luận và hoãn biểu quyết Dự luật Đặc khu, nhưng cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Phần lớn các cuộc xuống đường diễn ra ôn hòa, chỉ có tại Bình Thuận đã xảy ra bạo động, khiến CSVN đã bắt giữ hơn 100 người và sau đó đưa gần 60 người ra tòa kết án từ 2 đến 3 năm rưỡi để răn đe.

Dự luật Đặc khu là âm mưu của CSVN trong việc đặt ba đặc khu Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc nằm trong chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc nên chắc chắn các cuộc biểu tình sẽ bộc phát một khi Quốc hội CSVN mang dư luật này ra thảo luận trong năm 2019. Riêng về Luật An Ninh Mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Đây là đạo luật mà CSVN muốn tìm cách khống chế lại mạng xã hội vốn bị thất thủ trong nhiều năm qua khi mạng Facebook ra đời từ năm 2005.

Chưa đầy ba năm kể từ khi thành công trong việc loại bỏ đối thủ Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc đua tại Đại hội 12 vào tháng 1 năm 2016 để nắm chức Tổng Bí Thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã lấy luôn chức vụ chủ tịch nước từ tháng 10 năm 2018 sau khi ông Trần Đại Quang đột tử.

Qua việc kỷ luật một số cán bộ cao cấp – điển hình là Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh – và qua dự án cải tổ Bộ Công An cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng trong hai năm qua đã dùng chiến dịch đốt lò chống tham nhũng để thanh trừng phe đối nghịch trong đảng, đặc biệt là phe cánh còn sót lại của Nguyễn Tấn Dũng.

Với việc tập trung quyền lực vào một người theo mô hình Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố quyền lực của phe nhóm mình mà sẽ mạnh tay hơn trong việc loại bỏ những ai muốn thay đổi theo chiều hướng tiến bộ trong thời gian tới.

Vụ thu hồi đất đai ở Thủ Thiêm để làm dự án quy hoạch khu đô thị mới cách đây 20 năm với nhiều sai phạm mà các đơn khiếu nại của người dân vẫn không được giải quyết. Đến tháng 5 năm 2018 thì vấn đề này được báo chí nhà nước đề cập trở lại với rất nhiều bài viết về những sai trái, bất công xảy ra khi thực hiện dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Điều trớ trêu là những sai phạm kéo dài qua 4 đời Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. HCM gồm Võ Viết Thanh (1996-2001), Lê Thanh Hải (2001-2006), Lê Hoàng Quân (2006-2015), Nguyễn Thanh Phong (2015-2020) nên vấn đề chọn ai là con dê tế thần để xoa dịu sự phẫn nộ của hàng trăm gia đình nạn nhân, trở thành điều nan giải.

Hiện nay Lê Thanh Hải và một số viên chức thân cận đã bị nêu tên là các quan chức chịu trách nhiệm những sai phạm phê duyệt dự án; nhưng thế lực của ông Trọng không mạnh ở phía Nam, nên chỉ đụng đến một vài cán bộ cấp thấp để khỏa lấp dư luận và cũng không đưa ra giải pháp cụ thể nào hầu bồi thường thỏa đáng cho người dân oan Thủ Thiêm. Đại án Thủ Thiêm tiếp tục nóng trong năm 2019.

Mặc dù Bộ Chính trị CSVN ra Quyết định thành lập ba đặc khu; nhưng trước phản ứng mạnh mẽ của người dân đã buộc nhà cầm quyền CSVN phải hai lần dời việc thông qua Dự luật Đặc khu kinh tế trong năm 2018. Dự luật cho việc thành lập đặc khu hành chính – kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã có những quy định ưu đãi đặc biệt, như cho thuê đất đến 99 năm, sẽ khiến Việt Nam mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Quốc.

Vào ngày 9 tháng 6, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã phải dời thời hạn thông qua Dự luật Đặc khu kinh tế, từ ngày 15 tháng 6 sang kỳ họp Quốc Hội thứ 6, tức vào tháng 10 năm 2018. Nhưng sau cuộc biểu tình rầm rộ của người dân vào ngày 10 tháng 6, Ủy ban thường vụ quốc hội CSVN, vào ngày 24 tháng 8, thông báo hoãn việc thông qua Dự luật Đặc khu, và không xác định thời hạn hoãn đến bao giờ. Tuy dự luật chưa được thông qua nhưng nhiều chỉ dấu cho thấy là CSVN cho phép các địa phương tiến hành việc xây dựng, đặc biệt là tại Vân Đồn với tiền đầu tư của Trung Quốc đổ vào xây dựng phi trường, đường cao tốc và một casino.

Bằng một thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 8 năm 2018, nhà cầm quyền CSVN Việt Nam đã chính thức mở rộng cửa cho đồng tiền Trung Quốc được sử dụng song hành cùng đồng tiền Việt tại 7 tỉnh biên giới Việt – Trung. Dư luận lo ngại là biện pháp này sẽ dẫn đến nguy cơ “nhân dân tệ hóa” nền kinh tế Việt Nam.

Giới nhân sĩ trí thức người Việt trong và ngoài nước ngay sau đó ra một tuyên bố phản đối việc cho phép sử dụng Nhân Dân Tệ ở Việt Nam. Các nhà trí thức cho rằng, việc sử dụng Nhân Dân Tệ trong giao thương, không chỉ vi phạm nguyên tắc chủ quyền tiền tệ, mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia và vô cùng nguy hại cho an ninh tổ quốc. Nhiều người trên mạng xã hội cũng đã lo ngại và đặt câu hỏi: “Phải chăng sáp nhập tiền tệ để tiến tới sáp nhập lãnh thổ?”

Trong năm 2018, nhà cầm quyền CSVN đã mang hơn 60 người yêu nước ra tòa với những bản án bất công và phi lý. Trong đó, ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động về môi trường và dân quyền đã bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Đình Lượng đã nói rằng: “Việc làm của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ.”

Trước tấm gương can đảm của ông Lê Đình Lượng, để nêu cao sự hy sinh của rất nhiều nhà hoạt động đang bị giam cầm hoặc đang đấu tranh, đồng thời nhắc nhở trước dư luận tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, Đảng Việt Tân đã thiết lập Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng vào ngày 21 tháng 11, 2018. Giải thưởng này sẽ được một ban giám khảo tuyển chọn và sẽ được công bố vào thời điểm 10 tháng 12 hàng năm, đánh dấu ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời và cũng là ngày sinh nhật của ông Lê Đình Lượng.


Các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) là mục tiêu đàn áp mạnh mẽ nhất của CSVN trong hai năm 2017 và 2018. Qua việc kết án nặng nề, phi lý đối với một số thành viên lãnh đạo của HAEDC như: Mục sư Nguyễn Trung Tôn 12 năm tù và 3 năm quản chế; Nhà báo tự do Trương Minh Đức 12 năm tù và 3 năm quản chế; Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc 13 năm tù và 5 năm quản chế; Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực 12 năm tù và 5 năm quản chế,… cho thấy là CSVN thật sự lo sợ sự lớn mạnh Phong trào dân chủ nói chung và HAEDC nói riêng.

Sự lo sợ của CSVN đến từ hai yếu tố: 1/ HAEDC có thể trở thành hạt nhân dẫn đến sự xuất hiện những lực lượng chính trị đối lập; 2/ Khó có thể ngăn chặn chuyển biến từ độc đảng sang đa đảng. Điều này đã cho thấy là tuy bị đàn áp nặng nề, các hoạt động của HAEDC đã và đang đóng góp hiệu quả vào tiến trình làm xói mòn guồng máy độc tài.

Vào trung tuần tháng 8 năm 2018 dư luận xôn xao, ồn ào về sự kiện dạy học trò lớp 1 đánh vần với các khung hình vuông, tròn, tam giác – được gọi là “Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên, được Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đưa vào dạy thí điểm tại hơn 49 tỉnh, thành từ năm 1979 đến nay.

Sau khi một số Youtube clip được ai đó thực hiện có chủ mưu tung lên mạng xã hội cho rằng phương pháp dạy đánh vần phản khoa học, trẻ em chỉ biết đọc như con vẹt, khiến cho nhiều bậc phụ huynh phẫn nộ trước cách dạy tập đọc này.

Trong thực tế, cách dạy đánh vần “công nghệ giáo dục” hàng năm thu được 13 triệu Mỹ Kim tiền bán sách giáo khoa và sách làm bài tập mà bắt buộc phụ huynh phải mua. Chính nguồn lợi tức to lớn này khiến cho những nhóm lợi ích khác lo sợ nếu sách đánh vần “Công nghệ giáo dục” được chọn là một trong những loại sách giáo khoa chính thức trong năm 2019 theo luật Giáo dục mới thì họ sẽ mất thị phần. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự ồn ào của hiện tượng tranh ăn trong việc biên soạn, ấn loát các loại sách giáo khoa hàng năm.


Ngày 25 tháng 10, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định đề nghị kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Tri Thức vì “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa” khi phát ngôn và xuất bản sách “trái chủ trương” của Đảng.

Quyết định của UBKT Trung ương đảng CSVN đã gặp phải phản ứng quyết liệt của hàng loạt trí thức tại Việt Nam. Có ít nhất 13 trí thức đã bỏ Đảng sau vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo như: Tiến sĩ Mạc Văn Trang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Giảng viên Trần Thanh Tuấn, Nguyên phó chủ tịch Huyện Bình Chánh Hà Quang Vinh, Giảng viên Dương Bích Hà, Luật sư Lê Văn Hòa, Nhà văn Mai Tú Ân…

Những người bỏ Đảng cho rằng lãnh đạo CSVN “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, đảng “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước”. Họ quyết định “rời bỏ hàng ngũ Đảng để quay về với nhân dân.”

BOT (Build – Operate – Transfer) là một hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng một công trình hạ tầng. Sau khi hoàn tất nhà đầu tư được quyền thâu phí trong một thời hạn để lấy lời; sau đó, họ phải chuyển giao lại cho cơ quan nhà nước. Đây đã là một nguồn lợi khổng lồ, nhưng các nhà đầu tư còn bày ra nhiều công trình sai trái khác để kéo dài thời gian hoặc áp đặt thêm các phí lên người sử dụng.

Giới tài xế lưu thông thường xuyên trên các tuyến đường có trạm BOT là những người chịu thiệt nhiều nhất, họ đã phản đối bằng những biện pháp đấu tranh ôn hòa nhưng vô cùng sáng tạo và hiệu quả. Khởi đi từ giữa năm 2017 ở BOT Bến Thủy (Nghệ An) các tài xế đã dùng các tờ tiền mệnh giá nhỏ, vo tròn bỏ trong các chai nhựa. Phong trào lan rộng qua các BOT khác với nhiều sáng kiến khác, mà thành công lớn nhất là sự thất thủ của BOT Cai Lậy. Cuộc chiến của giới tài xế chống các BOT đã mang các tài xế đến với nhau, biết cùng nhau hành động cho quyền lợi chung của họ. Và sự việc vẫn còn tiếp diễn…

***

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux