Hoà Ái – RFA
Cử tri Thủ Thiêm nhiều lần yêu cầu chính quyền xử lý đối với ông Tất Thành Cang cùng một vài quan chức khác vì đã sai phạm trong dự án Đô thị mới Thủ Thiêm. Các nạn nhân trong dự án này nói gì trước thông tin ông Tất Thành Cang bị tước mọi chức vụ trong Đảng?
“Sát thủ” Tất Thành Cang
Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, vào chiều ngày 26 tháng 12, công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang bằng hình thức tước bỏ các chức vụ bao gồm Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Tất Thành Cang bị xử lý về mặt đảng vì đã có những khuyết điểm, sai phạm được cho là rất nghiệm trọng do vượt thẩm quyền trong phê duyệt và ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường đắt đỏ dài 12 km, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Ông Tất Thành Cang trong mắt người dân Thủ Thiêm là một nhân vật được gọi tên là “sát thủ” khi ông còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch quận 2, TP.HCM từ năm 2009 đến năm 2012.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận người dân cư ngụ tại vùng quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết họ làm đơn khiếu nại với cơ quan chức năng các cấp từ địa phương đến trung ương, về những sai phạm trong quá trình quy hoạch ở Thủ Thiêm kéo dài cả hai thập niên. Tuy nhiên, họ không nhận được phản hồi nào.
Người dân Thủ Thiêm không bỏ cuộc và tiếp tục làm đơn tố cáo Chính quyền TP.HCM sai phạm, tham nhũng trong Dự án Khu đô thị mới Thủ thiêm; trong đó có nêu đích danh ông Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch TP.HCM) và Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM) vào khi tiến độ xây dựng dự án ngày càng gia tăng cũng như lệnh cưỡng chế ngày càng dồn dập. Thế nhưng, các đơn tố cáo này vẫn không được giải quyết và con đường quan lộ của ông Tất Thành Cang được ví von “như diều gặp gió”.
Một cư dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Lung, nói với RFA liên quan thông tin ông Tất Thành Cang bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức:
“Tất Thành Cang được đưa về để thực hiện những sai phạm do thành phố chủ trương, gọi là ‘sát thủ’. Bà con chúng tôi gọi là đưa Tất Thành Cang về để đóng vai trò là ‘bàn tay sắt’, nghĩa là ai không chịu di dời thì bị cưỡng chế. Thời kỳ đó rất là nóng, cưỡng chế hủy hoại nhà cửa của chúng tôi là sau khi Tất Thành Cang về đó và gây ra tranh chấp khốc liệt kể từ lúc bấy giờ. Hôm nay ở ngoài Trung ương kỷ luật Tất Thành Cang thì nói đúng ra chưa có liên quan gì vụ án của bà con chúng tôi cả.”
Nguyện vọng được đáp ứng?
Tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri với chính quyền quận 2 và TP.HCM trong thời gian qua, người dân Thủ Thiêm nhắc đi nhắc lại yêu cầu xử lý không chỉ ông Tất Thành Cang mà còn những cá nhân và tổ chức khác đã gây ra các sai phạm khiến cho người dân Thủ Thiêm bị mất mát và tổn hại về vật chất lẫn tinh thần trầm trọng.
Câu chuyện về một nạn nhân của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải được nhà báo Võ Đắc Danh kể lại và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân gây chú ý trong dư luận. Theo câu chuyện kể, Thiếu tướng Hồng Minh Hải, trong một lần trực tiếp trao đổi với ông Tất Thành Cang về vấn đề bồi thường giải tỏa không thỏa đáng, đã từng tuyên bố thẳng thừng rằng ông sẽ bắn “nát đầu bọn cướp” nếu như chính quyền cưỡng chế đất đai của ông. Mặc dù vậy, câu chuyện về ông được lan tỏa qua một video clip xuất hiện trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh của ông với lời lẽ rất ôn hòa:
“Nguyện vọng của tôi là muốn nhân dân bình an, trả nhà trả đất lại cho người ta. Nhà nước mà không bắt các ông Hải, ông Đua, ông Tất Thành Cang thì nhân dân quận 2 còn khổ sở nữa. Tôi là Hồng Minh Hải, Thiếu tướng.”
Người dân Thủ Thiêm cũng rất ôn hòa giống vị Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Trao đổi với RFA liên quan thông tin mới nhất Trung ương ra quyết định tước bỏ mọi chức vụ đảng của ông Tất Thành Cang, không ít các nạn nhân của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bày tỏ họ có niềm hy vọng rằng chính quyền các cấp sẽ giải quyết đến nơi đến chốn vụ việc Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Văn Lung khẳng định:
“Bà con chúng tôi cũng thấy có phần hân hoan vì sẽ không còn lực cản trực tiếp ở thành phố Hồ Chí Minh này như Tất Thành Cang nữa. Và từ vụ này thì có thể những vị khác gọi là đồng lõa, hay bao che có thể sẽ không dám nhấn chìm vụ việc của bà con ở Thủ Thiêm chúng tôi.”
Trong khi đó, chúng tôi cũng được nghe một số ý kiến trái chiều, như của Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, bị cưỡng chế trái pháp luật hồi năm 2016 rằng:
“Sự thật thì chế độ này rất khôn ngoan. Họ có động tác này, xử lý chuyện kia, bắt người nọ… chẳng qua gọi là thanh trừng hay thanh toán nhau hoặc bao che cho vấn đề gì đó chứ tôi không tin mấy với chế độ Cộng Sản-Xã hội Chủ nghĩa mà họ giải quyết.”
Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng việc kỷ luật Tất Thành Cang là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với ông Cang mà là bài học chung đối với tất cả “chúng ta”.
Đài RFA tiếp xúc với một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và họ nói rằng qua lời tuyên bố vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng, thì họ có hy vọng Chính quyền Việt Nam sẽ khôn ngoan để giải quyết minh bạch vụ việc Thủ Thiêm; bằng như ngược lại Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức một khi người dân khắp nơi đồng lòng đấu tranh giữ đất, với lời tuyên bố khẳng khái như của người dân Thủ Thiêm rằng “Chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi”.
Hòa Ái
Nguồn: RFA
Leave a Comment