Trấn lột công khai có tổ chức: BOT
Cả chục ngày nay, người dân Hà Nội, báo chí chú ý đến việc các tài xế và người dân Thủ đô cũng như khắp nơi đã đồng loạt “đánh BOT” Bắc Thăng Long – Nội Bài. Nhiều tài xế và người dân đã tập trung buộc trạm BOT này xả trạm, không được thu phí của người dân đi qua đây.
Sở dĩ người dân nổi giận, quyết không chịu chấp nhận bỏ cuộc dù những lời dọa dẫm đủ cách, dù bị các lực lượng đỏ kiêm xã hội đen đe dọa. Bởi họ không chấp nhận được việc cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày, trấn lột những đồng tiền xương máu của người dân bằng thủ đoạn BOT.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài được lập ra thu tiền để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội). Oái oăm thay, hai đoạn đường này hoàn toàn cách biệt lẫn nhau và cách nhau cả hơn chục cây số.
Khi người dân không đi trên đường tránh Vĩnh Yên, chỉ đi từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài hoặc qua lại hàng ngày trên tuyến đường được đầu tư xây dựng từ những năm 1980 này bằng tiền dân, thì lại vẫn cứ phải móc hầu bao để trả cho những sân sau của quan chức cộng sản đã “đầu tư” vào một tuyến đường nào đó mà họ không liên quan?
Một nguyên tắc có từ thời nguyên thủy, là người ta chỉ trả tiền cho việc bán, mua, trao đổi với sự đồng ý của hai bên mà thôi. Nhưng, ở thời đại “Hồ Chí Minh rực rỡ nhất” này, nguyên tắc sơ đẳng đó bị phá bỏ. Không mua, vẫn cứ phải trả tiền, không bán thì vẫn cứ bị cướp.
Điều này, chỉ có thể có trong chế độ Cộng sản, khi mà cái “Định hướng XHCN” mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn bám vào đó bằng mọi cách thể hiện bản chất của mình.
Biết bao nhiêu thủ đoạn trấn cướp của người dân xưa nay được thi thố bằng đủ mọi chính sách của đảng cộng sản đối với người dân Việt Nam khốn khổ. Không chỉ là Cải cách ruộng đất, cải tạo tư bản Công nghiệp – Công thương, Cải tạo tư sản mại bản… là những cuộc lên đồng tập thể, huy động cả đất nước vào những trận cướp bóc thẳng tay đã diễn ra, mà ngay ở thế kỷ 21 này, bằng nhiều thủ đoạn, bằng nhiều chính sách, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục thực hiện đường lối trấn lột, cướp bóc của người dân không thương tiếc để chia chác mà vinh thân, phì gia.
Có thể kể đến rất nhiều những thủ đoạn, cách làm, nhưng hiển hiện đông đảo rộng khắp nhất là những “Dự án” nhằm cướp đất của dân để chia chác bán lấy tiền đút túi, dù đó là đât đai hương hỏa cha ông của người dân từ ngàn đời nay, dù đó là mồ mả, nhà thờ, chùa chiền, thánh thất.
Và rõ ràng cụ thể hơn nữa, là các sân sau của quan chức Cộng sản bằng các Dự án xây dựng cũng như BOT.
BOT được coi như món mồi béo bở và là một đặc quyền của quan chức Cộng sản Việt Nam, họ cấu kết với nhau, hối lộ lẫn nhau bằng các văn bản, chính sách cướp của dân để chia chác cho nhau.
Vấn đề trấn cướp trắng trợn bằng các dự án BOT bỏ tiền một nơi, thu tiền một nẻo như Cai Lậy, Bến Thủy, Bắc Thăng Long – Nội Bài, Quốc lộ 5… được thực hiện nhan nhản, và cái nào cũng có đủ thủ tục, đúng “quy trình”, được quan chức cộng sản bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bất chấp luật pháp, lương tri, sự công bằng xã hội.
Người ta không khỏi bất bình khi BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đặt chặn ngang nơi hiểm yếu mọi phương tiện phải đi qua để thu tiền cho một đoạn đường tránh nơi khác được đầu tư, bị bớt xén, cắt cúp đến tối đa mà không mấy ai đi qua đó.
Người ta thấy lạ khi Quốc lộ 5 Hải Phòng – Hà Nội là đoạn đường đươc xây dựng bằng tiền dân, lại được dựng trạm thu phí và nâng giá thật cao để dồn mọi phương tiện phải đi quan đoạn đường BOT bên cạnh đã đầu tư. Thế nhưng, khi bị vạch ra sự dối trá bất chấp luật pháp khi thu tiền trên đường được xây dựng bằng tiền dân, thì nhà cầm quyền đã ú ớ và trả lời rất… hài hước, rằng là thu để trong tương lai xây dựng một tuyến đường 5 khác.
Người ta không chấp nhận khi đi đoạn Hà Nội – Nội Bài lại phải trả tiền cho một sân sau nào đó đầu tư một đoạn đường tránh cách đó mấy chục cây số?
Nhưng, người ta sẽ không thấy lạ, khi hiểu rằng đoạn đường từ Pháp Vân đi Cầu Giẽ được đầu tư bằng ngân sách, tức là tiền dân, lại được quan chức Giao thông cho phép tập đoàn sân sau của bồ nhí rồi là vợ trẻ Nông Đức Mạnh, rải thêm lớp nhựa chuyển thành BOT thu tiền dân. Và ngay sau khi nhận được cái Dự án này, thì vợ của Nông Đức Mạnh đã bán sang tay ngay cho một tập đoàn khác lấy hàng ngàn tỷ cứu cơ đồ của mình đang sụp đổ, rồi lại nghiễm nhiên thành “đại gia”.
Trong cuộc trả lời trước Quốc Hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận hiện có 17 trạm BOT sai vị trí. Thế nhưng, cho đến nay vẫn không hề có bất cứ động thái nào để sửa chữa.
Và nghiễm nhiên, chuyện trấn lột, ngang nhiên cướp không của người dân được nhà cầm quyền CSVN coi như chuyện bình thường trong xã hội.
Nếu cứ đà này, có thể ngày mai, khi thiếu tiền xây tượng đài nghìn tỷ, nhà cầm quyền cũng có thể chặn ngang đường, trấn lột bất cứ người dân nào đi qua bằng thu phí, để xây tượng đài cho Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp rồi đến hạng Tố Hữu, Phạm Văn Đồng… mà người dân vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm… ngọt?
Điều hài hước, lại là ở chỗ khi bị người dân phản ứng đúng với lẽ đời, với luật pháp, thì nhà cầm quyền không hề có động tác nào được tiến hành nhằm vãn hồi sự công bằng, minh bạch trong xã hội, ngược lại, người đứng đầu chính phủ lại ra ngay văn bản dọa nạt người dân và ra lệnh theo dõi, đe dọa, trấn áp người dân đòi quyền chống lại kẻ cướp.
Và không phải ngẫu nhiên, nhà thầu đã không hề giải thích cho người dân vì sao họ tổ chức trấn lột người dân ở đây, mà ngược lại thì làm báo cáo cho chính phủ, lập hồ sơ những ai phản đối để… “xử lý”.
Thế mới hiểu bản chất của BOT là những dự án trấn lột công khai, có tổ chức và được cả hệ thống chính trị bảo vệ.
Trong bài viết “Chế độ BOT bảo vệ nhà thầu BOT’ chúng tôi đã phân tích vì sao nhà cầm quyền CSVN bằng mọi giá phải bảo vệ cái sai trái rõ ràng như ánh sáng ban ngày ở các dự án BOT này. Chỉ bởi cái chế độ này cũng là một thứ BOT của cộng sản nước ngoài dựng lên mà thôi.
Và hẳn nhiên, khi đó, người dân là nạn nhân bị trấn cướp.
Bất chính và sự đổ lỗi cho “lịch sử”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài truyền hình về việc trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được dựng lên thu phí cho đường tránh Thị xã Vĩnh Yên, tại sao có chuyện ngang nhiên trấn lột người dân trắng trợn bằng BOT này, Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã thản nhiên nói rằng: Đó là do “lịch sử” để lại.
Cái gọi là “lịch sử” rất nhiều lần được quan chức Cộng sản sử dụng nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình trước một tội ác nào đó đã gây ra và họ cứ vậy thực hiện tiếp tục mà không hề sửa chữa khắc phục.
Khi cướp đất của Giáo xứ Thái Hà, cướp tu viện của Nhà Dòng Chúa Cứu thế, cướp Tòa Khâm sứ của Tòa TGM Hà Nội, bị vặn hỏi quyết liệt rằng: Bất cứ thời nào, việc chiếm cướp này có đủ cơ sở pháp lý hay không? Việc chiếm cướp này căn cứ vào những quy định pháp luật nào ở các thời kỳ? Thì các quan chức CSVN chỉ có… ngọng.
Họ không thể lý giải, không thể trả lời hoặc tìm ra được một câu giải thích nào thỏa đáng cho việc chiếm cướp bất hợp pháp nói trên, nên họ tìm cách câm lặng, đùn đẩy cho nhau… rồi cuối cùng là đổ vạ cho “lịch sử để lại”
Vậy “Lịch sử” là gì mà để lại những điều oái oăm như thế?
Trong một lần gặp gỡ gọi là “Đối thoại” tại Thanh tra Thành phố Hà Nội, khi họ vẫn cứ nại ra rằng “đây là vấn đề do lịch sử để lại” nhằm buộc nhà thờ phải chấp nhận và thoái thác trách nhiệm với tội ác cướp đoạt của họ.
Tôi đã phát biểu rằng: Khi nói đến vấn đề thuộc về lịch sử, nghĩa là những vấn đề mà những thể chế, những chủ thể hay những con người gây ra sự việc đó đã qua đi, đã không còn nữa để giải quyết, xử lý sự việc đó. Còn ở đây, bên cướp đoạt là chế độ, nhà nước Việt Nam Cộng sản, bên bị cướp đoạt là Giáo hội Công giáo Việt Nam, cả hai còn đều tồn tại, những việc làm đó vẫn có trách nhiệm điều chỉnh, sửa chữa do chính cả hai bên. Tại sao lại là “vấn đề lịch sử”?
Nếu bất cứ việc gì đã làm, đều là “lịch sử” thì tôi có thể ngay bây giờ ra trấn lột tài sản của một ai đó, và nếu ngày mai có bị bắt, bị khiếu nại hoặc ra tòa, thì chỉ cần đổ lỗi cho “vấn đề của lịch sử” là xong hay sao?
Tất cả quan chức nhà nước từ Thanh tra, Chính quyền, Công an, An ninh và đầy đủ bộ sậu ở đó đều… ngậm tăm và đánh bài lờ.
Việc Thứ trưởng Bộ GTVT hôm nay vẫn cứ bám vào thành ngữ “vấn đề do lịch sử để lại” ở các vụ việc về BOT, nhằm che đậy, bảo vệ những nhóm lợi ích đằng sau đó, chẳng có gì là lạ.
Riêng Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hẳn có kinh nghiệm trong vụ bút phê vào văn bản cho sân sau của dự án VRAMP. Để rồi sau đó nuốt lời hứa và bị nhắn tin đòi 200 triệu đồng tiền đã hối lộ cho ông ta. Hẳn ông ta là người rõ nhất việc phải huy động cả bộ máy của Bộ GTVT nhằm bao che, xoa đỡ và huy động cả công an, tuyên huấn chặn họng báo chí mới cách đây có gần 4 năm.
Nó thể hiện một điều hết sức bình thường trong chế độ Cộng sản. Đó là tư duy nhiệm kỳ, bất cứ điều gì, quan chức nào nắm giữ vị trí, chiếc ghế quyền lực thì đều có thể chối bỏ trách nhiệm của mình khi tiếp xúc giải quyết những công việc thuộc chức năng, trách nhiệm từ những vị trí lãnh đạo, những chiếc ghế mà họ đang ngồi, hoặc đã mua được.
Thực chất, những quan chức như Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường này không hề dám nói thẳng ra vấn đề là tại các dự án BOT đó, việc chia chác quyền lợi cho phe nhóm đã được tiến hành xong, giờ đây bới lại chuyện đó là điều hết sức khó khăn bởi rất có thể cả đống quan tham, hối lộ, tham nhũng… và trong đó khó có thể ai không dính chàm.
Với cái tư duy không chịu trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, cứ đua nhau phá hoại, ăn cướp và tham nhũng rồi phủi tay của quan chức và cả một thể chế chính trị như hiện nay, thì tương lai đất nước này hẳn sẽ đi đến chỗ tiêu vong là điều tất yếu.
Và khi đó, chính lịch sử sẽ ghi nhận một điều: Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại Cộng sản, là một thời đại suy đồi, khốn nạn và đã dẫn đến sự suy vong cả một dân tộc.
Ngày 26/12/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment