Tân Phong – Web Việt Tân
Sau 10 năm khao khát mong đợi, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở đấu trường cấp “ao làng” Asean – AFF Suzuki cup 2018 – đã làm “vỡ òa” cảm xúc sung sướng đến cuồng loạn của một quốc gia hơn 90 triệu dân. Như những dòng thác lũ khổng lồ, đỏ rực nhức nhối, tràn ngập mọi tuyến đường trung tâm các thành phố lớn với âm thanh hỗn loạn, la hét vang động. Hình ảnh từ trên cao nhìn xuống, đám đông người Việt trông giống như bầy kiến lửa bâu trên miếng thịt còn dính máu tươi và người ta không thể phân biệt được đâu là kiến, đâu là máu.
Hội chứng đám đông với những cảm xúc bản năng nhất được giải phóng ở mức điên rồ, khích thích tột độ với những xúc cảm kiểu như “tuyển Việt Nam đặt cả Đông Nam Á dưới chân”, “tự hào quá Việt Nam ơi”… Có lẽ, đã từ lâu lắm rồi, người Việt không còn thứ gì để sự tự tôn dân tộc có thể bám víu và tự hào.
Chiến thắng thể thao ở một đấu trường khiêm tốn AFF Suzuki cup 2018 đã biến thành chiến thắng vĩ đại “chấn động địa cầu, vang dội năm châu” năm xưa. Những “cơn bão người” đã được biến thành cuộc biểu trưng “niềm tự hào dân tộc”, hẳn nhiên cũng được coi là “thành tựu nổi bật” của hệ thống chính trị, và “sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo đúng đắn của đảng và nhà nước”.
Nếu nói riêng về chiến thắng của tuyển Việt Nam trong khuôn khổ giải AFF 2018 thì đây là một bước tiến đáng ghi nhận của nền bóng đá nước nhà sau nhiều thập kỷ đã thoát khỏi “vũng trâu đầm” để vươn tới top đầu của khu vực Đông Nam Á – một khu vực kém phát triển so với thế giới trong môn thể thao vua. Tuy là một giải đấu nhỏ, nhưng thế hệ bóng đá trẻ như Quang Hải, Tiến Dũng,… đã khẳng định sự trưởng thành vượt trội so với các thế hệ đàn anh suốt 4 thập kỷ vẫn ở “chiếu dưới” trong cuộc đối đầu với người Mã, người Thái. Điều gì làm nên thành tựu đó?
Câu chuyện về nền bóng đá Việt Nam cũng là một góc chiếu phản ánh về xã hội Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ loay hoay với “định hướng” quốc doanh, chịu sự chi phối chỉ đạo duy ý chí bởi những cái đầu “đỉnh cao trí tuệ” của VFF, bóng đá Việt Nam chỉ mon men ở sân chơi Seagame, lập lòe thứ ánh sáng của loài đom đóm và ngập chìm trong tệ nạn mua bán, cá cược, hooligan. Chỉ đến khi việc tư nhân hóa nền bóng đá, các câu lạc bộ do tư nhân, doanh nghiệp được phép thành lập, đào tạo và hình thành nền bóng đá chuyên nghiệp tuy còn nhiều hạn chế thì bóng đá Việt Nam mới dần thoát khỏi con đường tăm tối.
Không có một con đường tắt nào cả trên con đường đi đến vinh quang thực sự, chân chính. Những đứa trẻ mà bầu Đức nuôi dưỡng, đào tạo từ lò đào tạo HAGL – Arsenal phải mất 10 năm để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp, có đẳng cấp. Cũng như một đội tuyển quốc gia cần có một quái kiệt như huấn luyện viên Park mới làm nên chiến thắng hôm nay. Đó là một chặng đường dài công phu, khoa học, bài bản, rất nhiều tình yêu, rất nhiều tiền và sự quyết tâm không mệt mỏi.
Không dễ dàng như việc hô khẩu hiệu và càng không phải do “thấm nhuần” đạo đức Hồ hay tư tưởng Mác-Lê. Không phải là sự chỉ đạo, dẫn dắt “thiên tài” nào từ đảng cộng sản hay cái liên đoàn “ăn hại đái nát” chỉ toàn những kẻ xôi thịt ở VFF. Nhắc tới sự kiện này để khẳng định một điều, thành tựu của tuyển Việt Nam ngày hôm nay, tuyệt nhiên chẳng dính dáng gì đến vai trò của VFF hay thể chế chính trị. Nền bóng đá Việt Nam đã cố gắng trưởng thành từ những “nền tảng và định hướng Tư Bản” còn sơ khai, bởi những cá nhân và tổ chức doanh nghiệp phi chính trị chứ không phải bởi “cái đuôi XHCN” dẫn dắt.
Thế mà, khi tiếng còi chung cuộc vừa dứt, người ta chỉ thấy đám quan chức Việt Nam hàng đàn, hàng lũ, lao xuống vây quanh những cầu thủ, ôm hôn thắm thiết, xoa đầu, bắt tay, trao quà của những doanh nghiệp tài trợ cho đội bóng và cầu thủ. Đám người vô liêm sỉ này nhảy cẫng lên, giằng co tấm băng rôn trao thưởng một cách lố bịch. Những lễ vinh danh sau đó và các báo cáo thành tích lê thê của đủ mọi ban bệ, tổ chức “dây máu, ăn phần” với chiến thắng của tuyển Việt Nam như thể nhờ có “sự quan tâm, chỉ đạo sát sao” của chúng thì bóng đá Việt Nam mới có “vinh quang” hôm nay.
“Tập thể ăn hại VFF” cũng nhận giải thưởng phát triển bóng đá châu Á, giải thưởng liên đoàn phát triển… Vẫn biết bản chất quan chức cộng sản là vô liêm sỉ, tham lam, bỉ ổi nhưng thói la liếm, lưu manh hạ đẳng, tiếm danh trắng trợn thì VFF có lẽ vô đối.
Câu chuyện về “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hôm 10.12.2018, một bài báo của tác giả Hà Thành trên báo Quân Đội Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của quân đội CSVN có bài viết “Muốn phát triển kinh tế thị trường càng cần định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bài viết này được một số báo lề Đảng đăng lại như tờ dantri.com.vn – tờ báo mạng chính thức của Bộ giáo dục. Nội dung của bài viết có thể tóm tắt lại như sau: 1- XHCN không phủ nhận kinh tế thị trường; 2- Thực tế chứng minh sau khi người cộng sản áp dụng kinh tế tập trung thì đã thất bại và phải chấp nhận kinh tế thị trường một phần; 3- Mô hình phát triển tất yếu cuối cùng của loài người theo Mác-Lê là CNXH, nên việc định hướng XHCN là đúng đắn.
Nội dung của những bài báo này hoàn toàn không có gì mới so với những luận điệu và đường lối của đảng cộng sản mà ban tuyên giáo trung ương vẫn ra rả lặp lại bao nhiêu năm qua. Nhưng vấn đề ở chỗ, ngay cả ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng không còn dám chắc “cho đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội thực sự ở Việt Nam hay chưa?”. Tức là người cộng sản chưa bao giờ biết chủ nghĩa xã hội hình thù như thế nào trong thực tế vì nó chưa xuất hiện.
Có thể trước đó, những mô hình xã hội như liên bang Xô Viết vào những năm 60-90s của thế kỷ trước được coi là “thiên đường xã hội chủ nghĩa thực sự” thì vào năm 1991, cái “thiên đường” đó đã vỡ vụn và rơi thẳng xuống địa ngục. Có thể giờ đây, những người CSVN lại nhìn những Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu là những “thiên đường chủ nghĩa xã hội”, nhưng không có gì đảm bảo “đến hết thế kỷ này có xây dựng được ở Việt Nam hay không”. Câu chuyện về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chẳng khác gì việc đi tìm con cá voi trắng Moby Dick.
Người cộng sản đã tự mình “bịt mắt bắt dê” trên con đường đi xây dựng một xã hội chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng bằng phương thức bạo lực và đấu tranh giai cấp. Những kế hoạch phát triển kinh tế khổng lồ đầy tham vọng trên cơ sở tập trung mọi tài nguyên xã hội để điều hành duy ý chí bởi một nhóm người đã gây ra những thảm họa kinh hoàng hơn cả những tội ác của Phát xit Đức và Nhật gây ra trong thế chiến 2.
Sau nhiều thập kỷ kiên định với Mác, Lê, Mao, những người cộng sản phải nhờ đến cái dạ dày đói khát để buộc phải từ bỏ phương thức sai lầm trong quản trị quốc gia bằng súng và những giáo điều ngu xuẩn của những độc tài. Nhưng sau đó, họ lại lao vào công cuộc xây dựng một xã hội tôn vinh kim tiền, vô nhân tính, được “sơn son, thếp vàng” bằng những những “lý tưởng cách mạng” và viễn ảnh về một thiên đường xã hội chủ nghĩa mà chính họ chưa từng được biết.
Đã qua lâu rồi, thời Mác, Lê, Mao, Hồ vẫn say cuồng lý tưởng “thế giới đại đồng vô sản”. Chẳng còn ai trong những người cộng sản tin về những gì họ nói. Nhưng cái chủ nghĩa mà cả thế giới nguyền rủa đó vẫn là tấm bùa ma quỉ giữ cho những thể chế độc tài duy trì sự tồn tại bằng sự tiếm danh và thứ quyền lực vô nhân xưng tàn bạo, sẵn sàng nghiền nát những kháng lực tiến bộ bằng sự mê muội của đám đông.
Và bi kịch của dân tộc Việt Nam
Những đám đông ào ào như thác lũ, cuồng say trong khoái cảm “vô địch” bằng một chiến thắng trận cầu nhỏ bé hôm nay là thành tựu to lớn trong việc nô dịch tư tưởng và kích động bản năng hoang dã mà đảng cộng sản đã thực hiện suốt 8 thập kỷ qua.
Đám đông này sẽ ngoan ngoãn như một bầy cừu trước bất công xã hội, trước tội ác và trước kẻ thù của đất nước nhưng lại biến thành bầy sói khi tranh giành nhau một chút lợi ích hay đơn thuần chỉ thể hiện bản thân trong một sự kiện thể thao. Họ tìm thấy sức mạnh “vô địch” khi hòa vào đám đông cuồng loạn hoặc để thỏa mãn cơn khao khát sâu thẳm muốn được tắm mình trong một thứ “vinh quang” nào đó. Dù đấy chỉ là ảo giác mà thôi.
Phải chăng, sự thực quá cay đắng mà người ta không muốn nhìn nhận nó. Khi những xúc cảm này qua đi, người Việt trở về với cuộc sống cam chịu bần cùng, hoặc buông xuôi trong nhưng thứ hoan lạc của rượu bia, ma túy, cờ bạc… Cả một dân tộc đang cúi đầu chấp nhận ách nô lệ trước “người bạn vàng 4 tốt”, đi làm thuê, làm mướn cho cả Đông Nam Á nhưng luôn vỗ ngực tự hào vì những thứ mà thực sự chẳng có gì đáng tự hào.
Câu chuyện về chiến thắng bóng đá AFF Suzuki cup 2018 và thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng của người cộng sản, tuy là hai khái niệm và lĩnh vực hoàn toàn khác nhau; nhưng người ta có thể so sánh rằng: thứ chủ nghĩa xã hội và thể chế chính trị đất nước này cũng giống như liên đoàn bóng đá VFF – một thứ ký sinh, phế vật nhưng lại tiếm danh chiếm đoạt công lao của những người đóng góp thực sự cho sự phát triển nền bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam không thể đi xa nếu tiếp tục chịu để cho những kẻ vô sỉ, tham lam ở cái liên đoàn ăn hại VFF thoán đoạt và tiếm danh lâu thêm nữa. Cũng như dân tộc và đất nước này nếu muốn vươn lên phát triển thì phải loại bỏ thể chế phi nhân, độc tài CSVN.
Chiến thắng hay chiến bại của một giải đấu, một trận cầu không quyết định được điều gì. Nhưng chiến bại trong cuộc chiến vì Tự do, Dân chủ của dân tộc trước một nhóm những kẻ tham tàn, ngu ngục sẵn sàng vì lợi ích của bè đảng mà mãi quốc cầu vinh thì chiến bại đó sẽ phải trả giá bằng ngàn năm nô lệ tăm tối hoặc mãi mãi diệt vong.
Tân Phong, ngày 20.12.2018
Leave a Comment