Nguyễn Hùng – VOA
Người đốt lò nướng một đương kim uỷ viên Bộ Chính trị và hàng loạt tướng tá trong năm 2018 nằm trong số 10 nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong 12 tháng qua.
Nếu chỉ tính các chính trị gia, ông Trọng đứng thứ thứ ba sau chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất Đinh La Thăng và nhân vật thứ nhì Trần Đại Quang, người đã qua đời và được ông Trọng ngồi thay ghế.
Việc ông Trọng nằm trong số các chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2018 không có gì đáng ngạc nhiên. Chiếc lò của ông vẫn đang nóng rẫy và ông giờ vừa đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước, vừa là Bí thư Quân uỷ Trung ương và cũng tham gia luôn Đảng uỷ Công an Trung ương.
Sau ông Trọng là một chính trị gia cũng đã về thế giới bên kia trong năm 2018 – cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ông Đinh La Thăng được tìm kiếm nhiều nhất là điều dễ hiểu khi ông bay cao vút vào Bộ Chính trị rồi mất hút luôn trong lò đốt củi, cả khô lẫn tươi, của ông Trọng. Ông Thăng thậm chí còn không được cho về dự tang bố, người đã qua đời ít lâu sau khi ông bị bắt. Vị cựu uỷ viên Bộ Chính trị và cựu bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh nói trước toà hồi tháng 3/2018:
“Nếu không có những vụ án thế này, bố bị cáo đã không ra đi đột ngột như thế. Gia đình bị cáo rơi vào hoàn cảnh tột cùng đau thương, mất mát; bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mất đã không được ở nhà, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là nỗi ám ảnh, day dứt suốt quãng đời ở tù sau này. Ngay sau lễ viếng bố của bị cáo, trong đầu bị cáo luôn hiện lên hình ảnh ông cụ với những lời dặn dò. Dù bị cáo xin phép được về gặp bố lần cuối nhưng cũng không được phép.”
Thật mỉa mai là khi đương chức ông Thăng có lẽ chẳng quan tâm gì tới quyền con người của người dân nhưng khi bị đưa ra xét xử lại xin được đối xử như một con người:
“Trong những đêm dài nằm trằn trọc trong phòng giam, bị cáo luôn nhớ đến câu của người xưa: “Trong đêm tối vẫn còn vì sao tỏa sáng, những vì sao đó chính là sự hy vọng”. Quả thực sống mà không hy vọng thì không còn ý nghĩa gì. Vì vậy, bị cáo hy vọng [Hội đồng xét xử] sẽ căn cứ vào chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, về kết quả kiểm tra, chứng cứ, để có một phán quyết công tâm, khách quan, nhân đạo và khoan hồng, hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người,” ông Thăng nói những lời cuối cùng trước toà trong cùng phiên xử hồi tháng 3/2018.
Cũng như ông Đinh La Thăng, ông Trần Đại Quang được xem là người từng thuộc về phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ôm mộng ngồi vào ghế hiện nay của ông Trọng nhưng bất thành. Ông Quang đổ bệnh ít lâu sau khi ngồi vào ghế chủ tịch nước và bệnh tình của ông khó mà thuyên giảm khi thấy người ta rục rịch bắt nhân vật Vũ Nhôm, vốn cũng lọt vào top 10 tìm kiếm của năm 2018. Thượng tá Phan Văn Anh Vũ là người của Tổng Cục tình báo và đàn em của Trung tướng bị kỷ luật và cách chức trong vụ này, ông Bùi Văn Thành. Tướng Thành, đồng hương Ninh Bình của ông Quang, và Vũ Nhôm, người bị kết tội chín năm tù hồi 7/2018, đều có dính dáng tới vị chủ tịch nước khi đó. Ngay cả sau khi ông Quang đã chết, tên ông còn được nhắc tới trong một phiên xử hai tướng công an khác bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Ông Đỗ Mười, một nhân vật khác trong danh sách được nhiều người tìm kiếm, qua đời chỉ hơn 10 ngày sau cái chết của ông Trần Đại Quang. Ông Mười giữ chức tổng bí thư Đảng Cộng sản giai đoạn 1991-1997, khi Việt Nam ngả vào vòng tay Bắc Kinh sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng cũng trong giai đoạn này Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, một động thái góp phần giúp Hà Nội mở mày mở mặt về kinh tế trong những năm sau này. Nhưng người ta cũng nhớ tới ông Mười với vai trò đi đầu trong công cuộc cải tạo công thương, vốn đã biến hòn ngọc Viễn Đông thành thành phố Hồ Chí Minh đau thương trong đói nghèo sau năm 1975. Không phải tự dưng trong những ngày sau khi ông Mười chết trên mạng xã hội xuất hiện trở lại mấy câu thơ của Bùi Giáng:
“Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam”.
Còn ông đốt lò giờ có lẽ đã tương đối hả dạ sau khi đánh gục nhiều tay chân trước đây của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến ông phát khóc vì muốn kỷ luật nhưng không được nhiều năm về trước. Khi đó ông Dũng mạnh tới mức người ta chỉ gọi người mà Đảng kỷ luật không nổi là “đồng chí X”. Câu hỏi hiện nay là liệu ông đốt lò rồi có động tới “đồng chí X” không sau khi đã dẹp xong ngoại vi của đồng chí nổi tiếng với câu “làm rõ tới đâu, xử lý tới đó” nhưng rất nhiều chuyện chưa bao giờ được làm rõ khi đồng chí đương quyền.
Leave a Comment