Lại sắp bị cúp điện!

- Quảng Cáo -

Ngô Đồng

Điện là nhu cầu thiết yếu cho đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu điện tại Việt Nam cứ diễn ra như một điệp khúc không có hồi kết. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cơ chế ưu đãi độc quyền cho các tập đoàn nhà nước. Đây là sản phẩm của mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy nền kinh tế nhà nước làm chủ đạo” do đảng Cộng Sản vẽ ra.

Trong mấy ngày vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục đưa ra cảnh báo sẽ cắt điện vào đầu năm 2019. Lý do mà EVN đưa ra cho việc cắt giảm sản lượng điện là vì Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không có khả năng cung cấp đủ lượng than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện. Nghe như chuyện tiếu lâm!

Tuyên bố nói trên của lãnh đạo EVN cho thấy sự vô trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế nhà nước, đang độc quyề điện. Chính sự độc quyền của ngành điện lực đã tạo ra cung cách làm ăn trì trệ, thiếu sự thích ứng, thiếu sáng tạo và cửa quyền của ngành này.

- Quảng Cáo -

Sự độc quyền của EVN còn thể hiện ở chỗ doanh nghiệp này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện vừa thực hiện chức năng kinh doanh cộng với chức năng phân phối điện. Đây là lý do khiến từ lâu nay, người tiêu dùng bắt buộc phải chấp nhận giá bán điện rất cao mà phía EVN đưa ra.

Mặc dù người dân đã phải trả chi phí cao, lẽ ra chất lượng cung ứng điện phải được cải thiện thì ngược lại, tình hình thiếu điện càng trầm trọng hơn. Người dân và các doanh nghiệp bị cắt điện liên tục nên các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bị rơi vào thế bị động. Dù chưa thể thống kê tổng thiệt hại, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, những thiệt hại do thiếu điện còn lớn hơn nhiều so với lợi nhuận mà EVN làm ra hằng năm.

Trong khi đó, mỗi khi thiếu điện, người dân lại nhận được thanh minh của EVN như là cần cắt điện để bảo trì hệ thống đang quá tải, mùa khô nên mực nước thủy điện giảm, nhu cầu dùng điện tăng quá cao… Tóm lại là toàn là lý do khách quan nên không phải lỗi của EVN!

Bê bối của Tập đoàn EVN còn đến từ chính sách thu mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ và nhập khẩu cũng không rõ ràng. Tập đoàn EVN nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần giá mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ trong nước. Chưa hết, để bảo vệ độc quyền ngành điện, Tập đoàn EVN tìm mọi cách ép giá mua, tạo rào cản để các doanh nghiệp tư nhân và ngoại quốc không đầu tư sản xuất điện năng tại Việt Nam.

Nhưng, điều khiến dư luận khó chịu và giận dữ là tập đoàn này năm nào cũng bị thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ chỉ ra Tập đoàn EVN lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả. Thậm chí, giá thành bán điện cho người dân còn bao gồm cả giá thành xây biệt thự, sân tennis, phí du lịch, phí đầu tư chứng khoán…

Để lý giải cho việc không cung cấp đủ than cho EVN, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân là do giá than thấp hơn thế giới nên nhiều ngành khác cũng chuyển qua mua của đơn vị này dẫn đến cung vượt quá cầu. Vì vậy TKV khẳng định không thể cung ứng đủ than cho thị trường.

Mặc dù đưa ra lý do thiếu than, nhưng trao đổi với báo Tuổi Trẻ hôm 27/11, đại diện Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, báo cáo của TKV cho thấy số lượng than sạch còn tồn kho đến nay ước khoảng 5,02 triệu tấn. Như vậy, ý đồ của TKV là gì khi lượng than còn tồn hơn 5 triệu tấn nhưng vẫn kêu thiếu than để không cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện?

Tương tự như ngành điện, trong nhiều năm qua ngành than tại Việt Nam cũng không công khai được đầu vào, đầu ra, các chi phí, lời lãi thỏa đáng giá thành cũng như sản xuất thế nào. Hoạt động của TKV thiếu minh bạch, sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên được nhiều chuyên gia phân tích nhận định là do TKV nắm giữ độc quyền khai thác khoáng sản quá lâu khiến ngành than trở nên thụ động, hoạt động kém kém hiệu quả, cứ múc than lên đến đâu để bán là cầm chắc lỗ tới đó như vậy.

Một điểm nghịch lý của ngành than đó là giá trị xuất cảng than khoáng sản của Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với giá trị xuất cảng sang các thị trường khác. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, mức giá bình quân than nhập về từ Trung Quốc cao hơn 6,6 lần. Như vậy là đang tồn tại một nghịch lý rất khó chấp nhận đó là TKV bán rẻ tài nguyên cho Trung Quốc, trong khi nhập về với một mức giá vô cùng đắt đỏ.

Tóm lại, việc thiếu than của TKV và thiếu điện của EVN là do lối làm ăn vô trách nhiệm của bộ máy bao cấp. Lâu nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn duy trì cơ chế độc quyền đối với các ngành điện, than, xăng dầu, khai thác khoáng sản… Vì vậy những lãnh đạo các ngành này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nên vẫn giữ thói quen, cách làm việc từ thời bao cấp vì các quan chức không muốn mất việc và mất quyền lợi nếu phải thay đổi theo nền kinh tế thị trường.

Chừng nào còn chưa tháo gỡ thế độc quyền của ngành điện, thì nguyện vọng của người dân muốn có được nguồn điện ổn định vẫn sẽ chỉ là giấc mơ dang dở.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here