Quảng Cáo

Có mấy Bộ Công An từ vụ bắt Trần Bắc Hà?

Trùm tài phiệt Trần Bắc Hà. (Hình: ndh.vn)

Quảng Cáo

Phạm Chí Dũng – Người Việt

Chiến dịch bắt Trần Bắc Hà – một quan chức cộng sản bị nhiều dư luận xem là trùm tài phiệt lưu manh và móc đậm dính sâu tới cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng – vào cuối Tháng Mười Một năm 2018 đã vô tình khiến lộ ra, thêm một lần nữa trong khá nhiều lần chỉ riêng hai năm 2017 và 2018, một bệt màu loang lổ trên bức tranh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” của Bộ Công An Việt Nam.

Khi tướng Quang “lên tiếng”…

Ngày 29 Tháng Mười Một, 2018, sau thông tin ồn ào trên mạng xã hội về việc Trần Bắc Hà bị bắt, phóng viên của báo Người Đưa Tin đã “săn” Thiếu Tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công An. Sau đó, tờ báo này giật tít cho bài tường thuật của mình: “Chánh Văn phòng Bộ Công An lên tiếng về thông tin bắt ông Trần Bắc Hà.”

Nhưng tướng Quang đã “lên tiếng” ra sao?

“Chánh Văn phòng Bộ Công An, Thiếu Tướng Lương Tam Quang cho biết, ông chưa nhận được thông tin về sự việc này” – báo Người Đưa Tin thuật lại.

Một lần nữa trong nhiều lần, quan chức Chánh Văn phòng – người nắm giữ các kế hoạch làm việc chủ yếu của dàn lãnh đạo bộ này cùng hoạt động của các cục vụ cấp dưới – đã “chưa có thông tin gì” về một vụ việc đầy tràn trên mạng xã hội.

Nhưng đến buổi chiều cùng ngày 29 Tháng Mười Một, trang tin điện tử của Bộ Công An đã phải thông tin chính thức về vụ bắt Trần Bắc Hà.

Dù vẫn chẳng có bằng chứng nào cho thấy Thiếu Tướng Lương Tam Quang có biết hay không về vụ bắt Trần Bắc Hà, nhưng cái cách ông Quang “lên tiếng” đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong cơ chế phối hợp được tự đánh giá là “đồng bộ, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn” của Bộ Công An.

Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Công An lại khiến bộ “đàn áp nhân quyền” này rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Thiếu tướng Lương Tam Quang đã bị “hố” nặng hai vụ Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Vĩnh.

Cố tình bưng bít thông tin hay chẳng biết gì?

Vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 2017, mạng xã hội bất chợt dậy sóng bởi thông tin Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan cửa khẩu Singapore tạm giữ tại cửa khẩu Singapore – Malaysia. Sau đó, báo Straits Times của Singapore cũng đăng tin một nhân vật có tên “Phan Van Anh Vu” bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore ngày 28 Tháng Mười Hai.

Đến ngày 2 Tháng Giêng, 2018, website của Cơ Quan Xuất Nhập Cảnh Singapore (ICA) có tên miền www.ica.gov.sg đã đăng tải thông tin, ICA xác nhận đã tạm giữ người có tên “Phan Van Anh Vu” từ ngày 28 Tháng Mười Hai vì “vi phạm quy định Luật Xuất Nhập Cảnh.” Khi đó, câu chuyện về Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore đã rất rõ và tràn ngập trên mạng xã hội.

Nhưng vào buổi sáng 3 Tháng Giêng, 2018, Thiếu Tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn Phòng Bộ Công An lại cho báo chí nhà nước hay là vẫn chưa nhận được thông tin ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) đang bị tạm giữ tại Singapore.

Chỉ một ngày sau – ngày 4 Tháng Giêng, 2018, chính các nhân viên công an của Bộ Công An đã “dẫn độ” Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về sân bay Nội Bài của Việt Nam.

Đến ngày 12 Tháng Giêng, 2018, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà – được cho là khá thạo tin tức nội bộ – đã phát tin: “Gần tháng trước, Trung Tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club.”

Thiếu tướng CSVN Lương Tam Quang. (Hình: giaoduc.net.vn)

Nhưng cùng ngày 12 Tháng Giêng, 2018, Thiếu Tướng Lương Tam Quang lại “phản ứng nhanh” khi thông tin cho báo Pháp Luật TP.HCM: “Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì.”

Sau Tết Nguyên Đán 2018 ít ngày, cả hai viên Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa và Trung Tướng Phan Văn Vĩnh đã phải tra tay vào còng.

Vẫn chưa hết.

“Thứ Trưởng Bùi Văn Thành còn rất nhiều việc khác phải làm, tham gia vào rất nhiều công việc khác của Bộ Công An. Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được” – Thiếu Tướng Lương Tam Quang trả lời báo Giao Thông, liên quan đến việc giải thích với báo chí về tại sao bộ này vừa phải đột ngột “điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng” vào ngày 9 Tháng Bảy, 2018.

Trong thực tế, thật khó hình dung “đồng chí Trung Tướng Bùi Văn Thành” còn việc gì để làm sau khi toàn bộ chức trách nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hậu cần – kỹ thuật của viên thứ trưởng này đã được chuyển giao cho hai viên thứ trưởng khác là Thượng Tướng Lê Quý Vương và Trung Tướng Nguyễn Văn Sơn.

Chỉ 4 ngày sau khi “điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng,” Trung Tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ Trưởng Bộ Công An đã có buổi làm việc với Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tại phía Nam,” mà có thể hiểu là hoạt động “nhận bàn giao công tác.”

Thế còn “Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được”?

Từ Tháng Tư năm 2017, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu “MẬT” và kể cả “TUYỆT MẬT,” mang danh nghĩa Bộ Công An liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền TP.HCM để giới thiệu công ty Nova 79 của Thượng Tá Tình Báo Công An Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”) là “công ty bình phong.” Dựa vào những văn bản này, Vũ “Nhôm” đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến bất động sản ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ “Nhôm” đã được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50,000 tỷ đồng Việt (khoảng 2.3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.

Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công An ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ “Nhôm” đi “quan hệ” là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.

Sau đó, cả Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đều bị kỷ luật, tuy chưa bị bắt…

Chưa kể một “hố” khác của Bộ Công An là vụ Trịnh Xuân Thanh: vào cuối Tháng Bảy, 2017, ít giờ đồng hồ sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!,” Bộ Trưởng Công An Tô Lâm lại nói như phân bua với báo chí nhà nước: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì” trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật TP.HCM. Để chỉ một ngày sau – ngày 31 Tháng Bảy năm 2017 – Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách cho “đầu thú tại trực ban Bộ Công An.”

Hoặc Bộ Công An luôn xem dư luận xã hội là ngu ngốc để muốn nói thế nào cũng được, hoặc chính Bộ này thường rơi vào tâm thế “không nói ra thì người ta còn tưởng mình khôn…”

Có mấy Bộ Công An?

Từ khá lâu nay đã xuất hiện dư luận về “có hai Bộ Công An.” Dư luận này càng nổi lên kể từ sự kiện Tổng Bí Thư Trọng “tự cơ cấu” vào Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương vào cuối năm 2016. Thậm chí còn có dư luận “không phải hai mà có đến ba bộ công an.”

Gần hai năm sau đó, thế cục trong Bộ Công An đã chuyển biến lớn với một chiến dịch “thay máu” bộ này, đặc biệt là việc xóa bỏ toàn bộ 6 tổng cục. Cho đến lúc này, vẫn còn tồn tại dư luận về “có ba bộ công an.”

Tháng Tám năm 2018, một chiến dịch “thay máu” lần hai ở Bộ Công An đã diễn ra: lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng “nắm” được cả hai Cơ Quan An Ninh Điều Tra và Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thông qua việc hai viên tướng được xem là “thân Trọng” – Thượng Tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công An; và Thượng Tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An – được bổ nhiệm làm thủ trưởng hai cơ quan này.

Chỉ một tháng sau đó, Trần Đại Quang chết.

Bỗng nhiên sau cái chết của cựu bộ trưởng công an Trần Đại Quang, dư luận “ba bộ công an” đã xẹp hẳn. Không biết đã có bao nhiêu và sẽ có bao nhiêu tướng tá thuộc “cánh Quang” đang bị đảng “hồi tố”…

Vào lúc này, chỉ còn dư luận “hai bộ công an.”

Không biết hay không được biết thông tin về những vụ mà cả thiên hạ đều biết, những quan chức như Thiếu Tướng Lương Tam Quang thuộc về “bộ công an” nào?

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux