Buổi tiếp xúc cử tri 22.11.2018 tiếp tục là buổi thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm, và video ghi nhận lại, là sự phẫn nộ, uất ức, căm hờn của người dân đối với chính quyền Tp. HCM nói chung và quận 2 nói riêng.
Cô Nguyễn Thùy Dương trong bài chia sẻ kéo dài 6 phút, nhưng cô đã thâu tóm được sự bất công trong quá trình lấy đất (chính xác hơn là cướp đất) của người dân, bất nhân khi tiến hành cưỡng chế một cách thô bạo, trái pháp luật, đạp lên cả công lý và đạo đức cần có của một công bộc.
Trong video, cô chia sẻ về việc chính quyền sử dụng lực lượng công an và quân đội để cưỡng chế đất đai trái pháp luật, thậm chí, bác dâu của cô, người từng đi theo cách mạng, người bị cưỡng chế ngàn hecta đất, người mà con trai của bà đã bị ‘công an nhân dân kề súng vào đầu lấy đất xây trụ sở UBND quận 2’ với câu nói: muốn giữ đất hay mạng sống.
Chỉ với 6 phút chia sẻ quan điểm, cô gái 9x Nguyễn Thùy Dương đã lột trần sự tàn bạo của chính quyền quận 2, sự dung dưỡng và thông đồng tội ác của chính quyền Tp. HCM, trong đó – chỉ thẳng ra bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người đứng đầu HDND thành phố nhưng đã không hề có trách nhiệm giám sát.
Quan điểm của cô Dương trở thành quan điểm của không ít bà con dân oan Thủ Thiêm, và sai phạm khiến họ mất 1/3 cuộc đời (20 năm) vạ vật lại bị nhắc nhở chỉ nên phát biểu 5-6 phút.
Trong khi đó, quyết định kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, cái tên gây phẫn nộ trong người dân vẫn chưa được tập thể thành phố Hồ Chí Minh đưa ra.
Cách mạng và sự phỉ nhổ
Câu chuyện bà con Thủ Thiêm, một nơi từng nuôi giấu cán bộ cách mạng giờ đây trở thành một câu chuyện bi hài. Nhiều quan điểm cho rằng, đó luật nhân quả, khi nuôi giấu ‘bạo lực’ và giờ đây bị bạo lực báo ứng trở lại (chính quyền trên nòng súng!).
Tuy nhiên, với người viết lại không nhấn mạnh về vấn đề đó, thậm chí cho rằng, tính chất ‘hả hê’ về cái gọi là luật nhân quả là một sự phiến diện. Người viết cho rằng, ngay cả cái thời điểm người dân nuôi giấu cán bộ chính là vì lòng tin của người dân với lý tưởng cộng sản quá lớn, và rằng, bối cảnh thời điểm lúc đó của VNCH là sự tranh chấp, đảo chính, tham nhũng,…
Người dân có quyền lựa chọn, và họ chọn cách nuôi giấu. Nhưng vấn đề là, càng về sau, họ càng tỉnh ngộ hơn về việc làm của mình, và có người đã buột miệng thở dài… giá như. Quan trọng hơn nữa, những ‘đứa con của cách mạng’ về sau này lại trở thành những tên ‘cướp’ tài ba, cướp về mặt đất đai, cao hơn là quyền dân sự – chính trị của người dân. Những thủ đoạn, chiêu bài, cách thức ‘cướp bóc’ của những ‘đứa con cách mạng’ khiến người dân nhận ra rõ ràng hơn về cái gọi là ‘bán nước và cướp nước’. Và chính những ‘đứa con cách mạng’ này gián tiếp xóa bỏ những thành quả cha anh, bôi xấu và làm nham nhở bộ mặt chế độ.
Nếu năm xưa, tướng Nguyễn Ngọc Loan là người đã cầm súng bắn thẳng vào đầu một người chưa rõ danh tính được cho là Bảy Lốp (Nguyễn Văn Lém) hoặc Bảy Nà (Lê Công Nà) ở trận Mậu thân 1968 gây xôn xao dư luận. Thì ngày nay, một công an nhân dân quận 2 kề súng vào đầu người dân để buộc họ phải giao đất nhằm ‘xây dựng trụ sở chính quyền’ với câu nói ‘mày cần đất hay cần mạng’ để lột tả và phô bày toàn bộ bản chất bạo lực của chính quyền, gây căm phẫn trong người dân.
Cách mạng đã bị phỉ nhổ một cách rất tự nhiên như thế. Nó bác bỏ những luận điểm trên mây của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người từng không hề tin không đồng tình với đánh giá trong Nghị quyết về việc ‘Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút’.
Facebooker Trần Quân bày tỏ về bài phát biểu của cô Nguyễn Thùy Dương: Cướp chính quyền xong thì bị chính quyền mới cướp sạch đất đai lẫn nguồn sống… Hết thỏ thì giết chó săn…
Cô Thùy Dương và cụ Kình
Quan điểm, cách trình bày và sự lên tiếng đầy thẳng thắn của cô Thùy Dương khiến nhiều người liên tưởng đến cụ Kình (Đồng Tâm – Hà Nội), bởi họ phê phán mạnh mẽ bè lũ cướp đất của người dân dưới mác ‘chính quyền’, và sẵn sàng chết để bảo vệ công lý và mảnh đất của chính họ.
Nó cho thấy rằng, bản chất sở hữu toàn dân đã và đang tiếp tục tạo nên những mồi lửa phản kháng, sự mở rộng các lợi ích do lỏng lẻo từ pháp luật cũng như quyền lực quá lớn từ những đảng viên ĐCSVN đã làm gia tăng số lượng dân oan, gián tiếp tạo ra một lực lượng mà sự phản kháng của họ sẵn sàng bùng nổ khi đến một thời điểm thích hợp, đưa xã hội rơi vào một sự khủng hoảng mới trong tương lai, một sự khủng hoảng mà máu có thể chảy ra với sự đối đầu giữa ‘dân cày’ và chính quyền. Như cách mà bài học 1930 – 1931, ĐCSVN vẫn thường nhắc đến với tên gọi: Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bởi tính chất cướp đất được hỗ trợ bởi lực lượng công cụ vũ trang và Luật Đất đai khá dễ dàng, trong khi trừng phạt tội ‘cướp đất’ lại cực kỳ khó khăn, và theo quy trình chống tham nhũng rất riêng của ĐCSVN, một quy trình mà dùng ‘đảng tâm’ hơn là luật pháp để điều chỉnh sai phạm.
Cô Thùy Dương rồi đây sẽ bị không ít thành phần chụp mũ là ‘lôi kéo, kích động, phản động’, nhưng những thành phần này chưa bao giờ bị mất đất hoặc tước đoạt lợi quyền hợp pháp để vun vén lợi quyền bất hợp pháp cho một nhóm người. Bởi quy chụp người dân là phản động chính là đồng thuận với bè lũ cấu kết chà đạp lên quyền lợi và cướp trắng tài sản hợp pháp của người dân!!!!
Và sẽ có một ngày, bộ phận không nhỏ đó sẽ tự đặt chiếc mũ phản động lên đầu mình, đầy cay đắng, như bà con Thủ Thiêm một thời nuôi giấu cán bộ, để rồi giờ đây họ ngỡ ngàng về hậu quả cách mạng./.
Leave a Comment