Nhật Bản và Liên minh Kim cương
Ông Shinzo Abe tuổi Ngọ (21/9/1954) lên làm thủ tướng Nhật Bản (26/9/2006) lúc 52 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản thời hậu chiến. Tức thì, ông đã đưa ra sáng kiến thiết lập LIÊN MINH KIM CƯƠNG – Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia.
Tầm nhìn chiến lược của Shizo Abe chỉ được dần thực thi khi ông trở lại vị thế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai (26/12/2012) và LIÊN MINH KIM CƯƠNG trở thành một sức mạnh thực tế khi Tổng thống Donald Trump bước tới quyền lực ở toà Bạch Ốc.
Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành một chính sách cứng rắn tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài) buộc Trung Quốc không dám bén mảng đến trong các năm gần đây, mặc dù trước đó Trung Quốc ra rả tuyên bố chủ quyền và liên tiếp gửi tàu quân sự trá hình tàu đánh cá đến xâm phạm lãnh hải Senkaku. Một Shinzo Abe thông minh mạnh mẽ đã làm cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản thêm bền vững.
Tự cường là điều kiện cần nhưng chưa đủ
Không ai muốn đối đầu. Nhưng không thể bắt đối phương né tránh đối đầu khi thực lực mình yếu.
Nhật Bản tự mình là một quốc gia hùng cường. Nhưng không thể đơn độc trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế và quốc phòng, cùng với lòng tham bá quyền không giới hạn. Nhật Bản đã có hiệp ước phòng thủ liên minh với Mỹ. Nhưng ông Shinzo Abe nhìn thấy một liên minh rộng lớn hơn với Ấn Độ và Australia là những quốc gia cùng chung lợi ích trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hơn thế nữa, cùng chung một mục đích chống lại sự đe dọa bị bắt nạt bởi kẻ bá quyền.
Nhân tổng thống Donald Trump hối thúc các đồng minh tự bảo vệ, kể cả chế tạo bom nguyên tử, Thủ tướng Shinzo Abe đã tận dụng thời cơ sửa đổi Hiến Pháp để phát triển Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, kể cả điều khoản mang quân ra nước ngoài. Thực chất thì Nhật Bản đang sở hữu một lượng plutonium có thể sản xuất hơn 600 đầu đạn hạt nhân.
Một sức mạnh liên minh của bốn quốc gia Nhật, Mỹ, Ấn, Úc sẽ áp đảo bắt bất cứ quốc gia nào trong khu vực, buộc phải chùn lại mọi mục đích bành trướng chủ quyền của kẻ dã tâm nhất.
LIÊN MINH KIM CƯƠNG ra đời để phòng ngừa ai, và có lợi cho khu vực biển Đông Nam Á như thế nào, ai cũng rõ. Thế mà có kẻ mê muội ở Việt Nam lại cam tâm lên tiếng phản đối LIÊN MINH KIM CƯƠNG. Ai muốn phản đối hay ủng hộ là quyền cá nhân, nhưng không được nhân danh Việt Nam. Muốn nhân danh Việt Nam thì phải hỏi ý kiến Nhân dân.
Học ai
Bị tan nát kiệt quệ trong Thế chiến thứ 2, lại bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima (6/8/1945) và Nagasaki 99/8/1945) hủy diệt hơn 20 vạn sinh mạng, mà Nhật Bản gạt sang một bên nỗi hận đớn đau để bắt tay với Mỹ. Nhờ đó chỉ hai chục năm sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản lại trở về vị trí cường quốc thế giới.
Nhật Bản trở thành nước tiên phong trong mọi lĩnh vực, từ khoa học công nghệ cho đến sản xuất dịch vụ, từ giao thông đô thị cho đến gieo trồng nông nghiệp. Khắp mọi nơi, Nagasaki và Osaka ở phía Nam, Yokohama và Tokyo ở miền Trung, hay đến Hokkaido ở phía Bắc, đâu đâu cũng thể hiện một lối sống công nghệ cao hiện đại, mà lại rất nhân văn truyền thống. Quy củ đến kinh ngạc. Sạch sẽ đến bái phục.
Nếu cần học kinh tế thị trường thì phải học Nhật Bản chứ không phải học Thâm Quyến Trung Quốc. Nếu phải học về đường sắt cao tốc thì một trong nước đầu tiên phải học cũng là Nhật Bản chứ không đến phần Trung Quốc.
Người xưa nói: ‘Chim khôn tìm cây mà đậu. Người khôn chọn bạn mà chơi’. Không thể chỉ học mỗi Nhật Bản, nhưng Nhật Bản là nước đầu tiên ở châu Á mà Việt Nam phải ưu tiên tham chiếu./.
Leave a Comment