Năm nào cũng thế, cảm xúc nhiều nhất đến với tôi trong những ngày này là sự dứt day, những trăn trở không ngừng nghỉ với không ít những nỗi buồn…
Tài nguyên thiên nhiên, chúng ta được Thượng Đế ban tặng số của cải nhiều hơn cả người Nhật, người Hàn, người Đài Loan cộng lại…
Đó là chưa kể đến các yếu tố như chưa bao giờ có động đất, vị thế địa chiến lược…
Ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo, trì trệ, bị khinh khi…
Thể chế và những người lãnh đạo của thể chế phải chịu trách nhiệm vô cùng lớn; nhưng, là những thầy cô giáo, có bao giờ chúng ta tự hỏi:
LỖI, một phần, là bởi Những Người Thầy?
Tôi xin kể vài câu chuyện nhỏ, mong các bạn của tôi đọc; nếu hơi quá, hơi thiếu thỏa đáng, cầu mong sự bao dung…
Về hưu, ngày ngày đưa đón cháu đi học thêm, nghe cháu yêu chuyện trò, có những điều không thể nào hiểu nổi: “Cô dặn con nếu có ai hỏi thì nói là không có học thêm”; “Cô dặn phải nói lại với ông ngoại là phụ huynh khi đón và đến đừng dừng xe trước cổng nhà cô”; “Cô cấm con không được mang vở học thêm đến trường”…
Trời hỡi: Cấy trong lòng trẻ hết lần này đến lần khác sự DỐI TRÁ, thử hỏi làm sao chúng có thể Nuôi nổi một mầm Xanh trung thực?
Trách cô giáo, nhưng nghĩ lại về chính mình, thì, cũng có khác gì đâu? 40 năm trên giảng đường đại học, cả vạn lần nói không đúng với lương tâm, vẫn nói, vẫn du dương…
Không một thầy, cô giáo nào dạy môn chính trị học, đạo đức công dân dám nói thật với cả tấm lòng, đó là sự thật.
Nếu mỗi chúng ta, mỗi ngày, DÁM, đổi thay, cái nếp nghĩ sai lầm ấy, chắc chắn xã hội sẽ ít xấu hơn những gì ta thấy…
Sau khi nhận Hợp đồng viết sách, trong mấy tuần qua, vì công việc, tôi tiếp xúc, chuyện trò với rất nhiều Giáo Dân – Những Người Yêu Kính Chúa vô cùng…
Chúng ta, những thầy cô giáo của CNXH, có bao giờ tự sám hối về những sai lầm (chưa bàn đến chuyện là có đủ can đảm để sửa chữa sai lầm hay không) mỗi ngày – hay là, mỗi năm chỉ làm một bản tự kiểm điểm của những cái gọi là, giống nhau y chang, dẫu viết ở Lạng Sơn hay Cà Mau?…
Tôi đã từng biết (nghe kể lại) những phiên họp của Hội đồng Khoa học bàn về việc thay đổi môn học sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển…
Ý tưởng thật là tốt đẹp: Những môn nào không cần lắm phải loại bỏ; môn mới, cần thì nhất thiết phải đưa vào…
Kết quả: GS A “mất” môn này nhưng lại “được” bù môn kia… Thì ra, người ta chọn môn học không phải vì mục đích đào tạo mà là vì phải “có giờ” cho các ngài có chức sắc để họ thêm tiền thưởng, tiền giờ (không ít), hàng năm…
Lúc nghỉ hưu, tôi được Khoa tiếp tục mời dạy 5 môn. Trong đời, được đứng trước những cặp mắt ngời sáng, say mê theo dõi bài giảng, chẳng có hạnh phúc nào bằng…
Từ bỏ, thật là khó khăn. Nghĩ suy nhiều lắm vì rời khỏi giảng đường là điều “mất mát” khó tả…
Sau cùng, tôi nghĩ rằng nếu mình vẫn cứ ngồi ì ra đó thì đến bao giờ lớp trẻ mới có thể trưởng thành?
Nếu mình cứ giành lấy những tiết dạy ấy trong khi những người trẻ thiếu giờ thì có thể nào thư thái được không?
Nếu mình dám “nêu” một cách nghĩ mới cho đồng nghiệp sắp sửa nghỉ hưu hiểu thì tốt biết chừng nào…
Tôi nghỉ hẳn.
Dĩ nhiên, lãnh đạo khoa và trường hết sức vui mừng vì đã nhanh chóng rũ bỏ được gánh nặng từ một kẻ “phản động”…
Vừa rồi ra Huế, có nghe chuyện trong trường vẫn có những PGS nghỉ hưu rồi vẫn dạy nhiều… nhất khoa, mặc cho lớp trẻ oán hận… Thậm chí, có những người ăn lương “kéo dài” (vì là PGS) mỗi tháng 15 triệu trong khi mỗi năm chỉ dạy chưa đến 100 tiết học – tính ra, mỗi tiết hơn… 2 triệu đồng, nhà trường phải è lưng ra mà trả – bất kể, sinh viên các ngành khoa học cơ bản, ngày một ít đi…
Có một Điểm Sáng tuyệt vời – khiến tôi vui mãi đến lúc này: PGS.TS Nguyễn Văn Đăng. tâm sự rằng: “Em ủng hộ việc hủy bỏ chuyện “kéo dài” cho các PGS, TS – chỉ hợp đồng dạy từng môn cụ thể, gánh nặng lương bổng chuyển sang Quỹ BHXH. Em biết như thế là sẽ “cắt đứt” bổng lộc của em sau này khi vài năm nữa em cũng đến tuổi hưu, nhưng thấy NÊN, thầy ạ”…
Tôi thực sự cảm phục Nguyễn Văn Đăng.
Chỉ có những kẻ dốt nát, tham lam ở tầm cao mới “nghĩ” ra trò “kéo dài”, khoác cái áo vô cùng “tử tế” là “không để lãng phí chất xám” để mưu lợi cho mình!
Trời đất, nếu có khả năng thực sự, bạn sẽ được mời dạy những gì TINH TÚY, nhưng đồng lương ấy, vị trí ấy, sao lại cứ bám mãi, khư khư?
“Tinh túy” có nghĩa là trường sẽ mời anh dạy cái phần anh giỏi nhất, biết nhiều nhất.
Và, chỉ chừng ấy thôi.
Cả thầy và trò thi nhau… diễn: Cái đó, nên gọi là “tập trận dối lừa” để nuôi dạy thế hệ trẻ các phương pháp của nghệ thuật bịp lừa…
Nói thật lòng, nghĩ đến chuyện các thầy cô lớn tuổi “tranh giành” với lớp trẻ chút ít bạc tiền tôi thấy thật xót xa…
Xót xa hơn nữa khi tôi đã và đang nghe một Nữ Giáo Dân là nông dân gần 70 tuổi, có trình độ văn hóa lớp 1 nói với tôi rằng: “Thầy hỏi tên người đã gây ra bao nhiêu điều ác với tôi, lừa cướp của tôi rất nhiều tiền, xin lỗi thầy tôi không thể kể tên. Chúa dạy phải thứ tha, thầy ạ”…
Tôi lặng câm vì thấy mình thật bé nhỏ trước người phụ nữ tuyệt vời ấy…
Vâng, nếu mỗi cô, thầy thay đổi một chút trong cách nghĩ về sự thật; hàng triệu đứa trẻ – lớp trẻ sẽ được đổi thay về nhận thức, nhân cách… Và, đến “thời điểm đúng của muôn đời”, Đất Nước nhất định PHẢI đổi thay!
Stt đã dài, xin dừng lại. Tôi cũng mong được thứ tha nếu câu chuyện này làm chạnh lòng ai đó…
Kính chúc các thầy cô giáo vui nhiều trong một ngày đáng nhớ (chứ không phải là “tôn vinh”).
Nhân đây, cũng xin nhấn mạnh rằng, xã hội nhớ đến, quan tâm có lẽ là điều NÊN của tinh thần tôn sư, trọng nghĩa. Tuy nhiên, đừng nói là “nghề cao quý nhất” bởi sai trầm trọng…
Nói như thế, có nghĩa là phân biệt và “phân loại”, ngầm chỉ trích những nghề nghiệp “thấp hèn”?!
Về lý là bất công, về tình là nhẫn tâm…
Có nên đưa những lời ngợi ca bay quá cao, quá đỗi xa?…
Điều nguy hiểm là nếu cứ “cao quý nhất” mãi hoài, sẽ tạo nên sự ngộ nhận, ngạo mạn, phách lối hoang đường…
Mỗi thầy cô nên tự giới hạn rằng nghề của mình là một trong rất nhiều nghề nghiệp có những đặc thù đáng để tự hào…
Xin gửi đến Quý đồng nghiệp clip về sự cần cù, khéo léo, của lũ chim khi xây tổ cho đời, cho các thế hệ mai này…
Có rất nhiều điều đáng ngẫm về đức tính, kỹ năng, tâm huyết cần phải có, khi muốn Làm TỔ, dù đó là lũ chim…
Leave a Comment