Phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm!
Lần đầu tiên từ khi Luật Đặc xá được thông qua vào tháng Mười Một năm 2007, luật này mới được bổ sung cơ chế đặc xá cho những tù chính trị ‘phạm tội an ninh quốc gia’ mà giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và nhiều người dân gọi là tù nhân lương tâm.
11 năm sau 2007, dự thảo Luật Đặc xá với nội dung hoàn toàn mới trên đã được đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2018.
Trong khi đó, làn sóng vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam từ năm 2017 đến nay đã biến thành một phong trào rộng lớn chưa từng có: nhiều chính phủ như Hoa Kỳ, Đức, Canada, Úc… và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ còn nói đến một điều kiện duy nhất: không phải thả theo cách nhỏ giọt để đánh đổi những lợi ích thương mại, không phải ‘thả càng nhiều càng tốt’, mà Việt Nam phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm thì mới có thể nhận được những hiệp định thương mại hầu cứu vãn chế độ chính trị này khỏi sớm sụp đổ.
Đặc biệt vào năm 2017, cả Liên minh châu Âu – chủ thể của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) – cũng đã thực sự ‘mở mắt’ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã tận mắt nhìn ra một ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ là như thế nào, và do đó đã trở nên cứng rắn hơn hẳn về các điều kiện cải thiện nhân quyền so với thái độ mềm mỏng thái quá của họ từ năm 2016 trở về trước.
Hai áp lực lớn về cải thiện nhân quyền đến từ Mỹ và Liên minh châu Âu lại diễn ra trong bối cảnh chính thể độc đảng ở Việt Nam, chưa bao giờ trong lịch sử 73 năm tồn tại của nó, phải đối mặt với những nguy cơ không còn trừu tượng, mà rất chi tiết và đầy đe dọa, về nợ công thực tế đã lên đến hơn 210% GDP – tương đương gần 450 tỷ USD, nợ xấu ngân hàng vẫn ‘phát triển bền vững’ xấp xỉ gần 1 triệu tỷ đồng mà gần như chắc chắn sẽ đẩy tới cảnh phá sản domino ngân hàng và gây rối loạn kinh tế – xã hội, ngân sách quốc gia vào thời cạn kiệt – dù vẫn phải cho Ngân hàng nhà nước in tiền đồng ồ ạt – nhưng lại thiếu trầm trọng ngoại tệ để trả nợ nước ngoài lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm, chưa kể một tai họa thứ tư đang ập đến: trữ lượng dầu khí hiện tại chỉ còn đủ để khai thác đến năm 2021 hoặc 2022 để trút vào nền ngân sách hộc rỗng những đồng đô la cuối cùng.
Chuyến công du Việt Nam vào tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis – trùng với thời điểm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Việt Nam tống xuất sang Mỹ – có thể tiết lộ một “bí mật” lớn của Nguyễn Phú Trọng: sau nhiều năm cố gắng đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng chỉ mang lại kết quả bị Bắc Kinh áp chế theo lối kẻ cướp xông thẳng vào nhà đòi chia bôi tài sản, cuối cùng Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam đã phải quyết định thử nghiệm phương án “đi với Mỹ,” mà trước mắt là dựa vào sức mạnh của hải quân và không quân Mỹ để có thể khai thác được dầu khí trên “vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam” nhưng vẫn bị đường lưỡi bò của Trung Quốc quét qua hầu hết các lô dầu mang tiềm năng cứu vãn ngân sách đảng khỏi tai họa hộc rỗng.
Những ai sẽ được ‘đặc xá’?
Trong kỳ họp quốc hội Việt Nam tháng 10 – 11 năm 2018 đã xuất hiện một nội dung – tuy cố ý không được nhấn mạnh nhưng lại liên quan mật thiết với những sự kiện chính trị trên và với những tín hiệu ngày càng rõ về triển vọng thông qua hai hiệp định EVFTA lẫn CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – còn gọi là TPP – 11 không có Mỹ). Dự thảo Luật Đặc xá lần đầu tiên đã phải nêu ra cơ chế đặc xá đối với “tội phá hoại chính sách đại đoàn kết, tội làm-tàng trữ-phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội phá hoại an ninh, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Đây là lần đầu tiên cơ chế đặc xá đề cập đến những tội danh ‘an ninh quốc gia’ mà trước đó Luật Đặc xá lẫn thói quen hành xử của nhà nước công an trị chưa bao giờ thèm ngó ngàng.
Không chỉ đề cập đến việc đặc xá cho những tù nhân lương tâm trong nước, dự thảo Luật Đặc xá còn dự kiến cả ‘tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân’ – có thể hiểu là nhắm đến những ‘đối tượng ngụy quân ngụy quyền’ ra nước ngoài từ năm 1975 đến nay và cả những nhà hoạt động nhân quyền đã phải tạm lánh ra nước ngoài để tránh thoát chiến dịch bắt bớ dữ dội vào năm 2017.
Động thái trên hiện ra sau một động thái ngấm ngầm diễn ra trong 10 tháng đầu của năm 2018: có 3 trường hợp tù nhân chính trị được ‘đặc xá’ do ‘nhu cầu đối ngoại’ là Đặng Xuân Diệu – thành viên đảng Việt Tân – bị tống xuất sang Pháp vào tháng 1/2018, đến tháng 6/2018 là Nguyễn Văn Đài – bị tống xuất sang Đức, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tống xuất sang Mỹ vào tháng 10/2018.
Nhưng con số phải trả tự do ấy vẫn còn quá ít. Quá ít so với báo cáo thống kê của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và các tổ chức nhân quyền quốc tế về hơn 200 tù nhân chính trị đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
Vì sao không có ‘lật đổ chính quyền nhân dân’?
Nhưng đã không có quy định đặc xá tội ‘Lật đổ chính quyền nhân dân’ trong dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi.
Trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam, tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ – thể hiện ở điều 79 trước đây và chuyển thành điều 109 ở Bộ luật Hình sự sửa đổi – là một thứ tội danh cực kỳ mơ hồ, rất dễ bị các cơ quan công an và tư pháp lợi dụng, mà trong thực tế đã bị lợi dụng triệt để, để quy chụp đối với những nhà hoạt động nhân quyền. Đã từ lâu, cộng đồng quốc tế lên án điều 79 và đòi hỏi Việt Nam phải hủy bỏ điều luật mơ hồ này. Tuy nhiên chính quyền Việt Nam vẫn giữ nguyên điều luật này, thậm chí còn cụ thể hóa nó bằng một chiến dịch bắt bớ đến ba chục nhà hoạt động nhân quyền vào năm 2017, trong đó khá nhiều người bị quy kết tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’.
Phần lớn những người bị bắt và bị kết án tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ thuộc Hội Anh Em Dân Chủ – một tổ chức xã hội dân sự độc lập đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Vào hai năm 2016 và 2017, Hội Anh Em Dân Chủ đã đóng góp công lớn trong phong trào vận động và tổ chức cho hàng trăm ngàn ngư dân, giáo dân ở 4 tỉnh miền Trung phản đối quyết liệt thảm họa xả thải do Nhà máy Formosa gây ra nhưng được giới quan chức cao cấp của đảng cầm quyền bao che bưng bít. Chính vì thế, tổ chức này bị chính quyền Việt Nam đặc biệt căm ghét và chỉ chực chờ ra tay trả thù.
Đến đầu năm 2017, ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP và chính quyền Việt Nam nhận ra không còn ‘xơ múi’ được nhiều từ hiệp định này, lốt sói đã trở về bản chất thực của nó. Một chiến dịch bắt bớ ghê gớm đối với các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ đã được Bộ Công an tiến hành từ tháng Tư năm 2017 và kéo dài trong suốt 6 tháng. Sang năm 2018, rất nhiều nhà hoạt động đã bị kết án tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ với mức án trung bình lên đến hơn 10 năm, có người còn bị kết án đến 20 năm tù giam bởi một chính quyền đã từ lâu không còn thuộc về nhân dân, một chính quyền – mà như hai trí thức vừa tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản vào tháng Mười Một năm 2018 là nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo – thì đó là ‘một chế độ phản nước hại dân’ và ‘đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và xu hướng tiến bộ trên thế giới’.
Ai trông chờ được xóa nợ?
Rốt cuộc, cái gì phải đến sẽ đến. Rệu mục chân đứng kinh tế sẽ quyết định đến thế đánh võng chính trị của đảng Cộng sản cùng số phận của chế độ hà khắc này.
Khoảng thời gian cuối năm 2018 rất có thể sẽ được lịch sử đánh dấu là năm mà chính thể độc đảng ở Việt Nam phải ‘cải cách thể chế’, mà về thực chất là những bước đầu tiên của ‘cải cách chính trị’ hoặc ‘mở cửa chính trị’. Luật Đặc xá sửa đổi là nhằm phục vụ cho ý đồ mang tính ‘chiến lược’ của nhà nước công an trị.
Và cũng rất gần gũi với kinh nghiệm ‘đặc xá’ của giới quân phiệt Miến Điện cách đây không lâu…
Không ai có thể quên được năm 2012, một tướng lĩnh quân đội trở thành tổng thống là Thein Sein đã khởi động chiến dịch mở cửa chính trị và mở rộng nhân quyền, trả tự do trước thời hạn cho ít nhất 400 – 500 tù chính trị để đổi lấy việc Câu lạc bộ Paris xóa khoản nợ đến 6 tỷ USD cho Miến Điện, chưa kể những vụ xóa nợ khác của các nước Mỹ, Đức, Canada, Pháp, Na Uy…
Còn nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
Chưa tính hàng trăm tỷ USD nợ của các doanh nghiệp, chỉ riêng số nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh đã lên đến 105 tỷ USD, gấp nhiều lần nợ nước ngoài của chính quyền Miến Điện vào thời điểm năm 2012.
Vào cuối năm 2013, Miến Điện tràn ngập hình ảnh hàng trăm tù nhân chính trị rời nhà tù, nắm tay nhau hân hoan bước vào vòng tay lớn của đám đông cùng chí hướng đang rộn rã chờ đón.
Kịch bản Miến Điện đang có bề tái hiện phần nào ở Việt Nam trong những năm tới. Dù chưa biết có ‘Thein Sein Việt Nam’ hay không, nhưng xu thế cải cách chính trị và cải thiện nhân quyền là không thể đảo ngược ở đất nước ‘lệ tuôn hình chữ S’.
Bao nhiêu bản án trả thù cực kỳ hà khắc của chế độ, quá nhiều năm tù giam dội lên đầu những nhà hoạt động nhân quyền sẽ không còn quá quan trọng. Sẽ đến lúc Việt Nam phải giống như Miến Điện – với những tù chính trị mang trên mình bản án hàng trăm năm tù giam nhưng vẫn ngạo nghễ bước qua cánh cổng nhà tù vào một ngày mặt đất bừng nở hoa tươi trong ánh nắng mặt trời tràn ngập khắp đất nước./.
Leave a Comment