Nguyễn Hồng Phúc (VNTB)
Đó là những hội quán của người Hoa. Còn ở tại Đồng Tháp, hội quán là của người Việt, được thành lập từ ý tưởng của ông Bí thư tỉnh Lê Minh Hoan, và hoàn toàn không có chuyện buộc phải gắn với một chủ quản là cấp đảng nào hết.
Nhìn từ hội quán của người Hoa
Với người Hoa sống ở miền Nam Việt Nam, một hội quán bất kể do một hay nhiều thương nhân xây dựng, thì về sau cũng dần dần trở thành trụ sở chung của bang không phân biệt nghề nghiệp, mặc dù trên thực tế thì nó vẫn hoạt động chủ yếu dưới sự chi phối và trước hết vì lợi ích của các thương nhân.
Ở Sài Gòn – Chợ Lớn có các hội quán được nhiều người biết đến như sau: Nghĩa An hội quán, Tuệ Thành hội quán, Lệ Châu hội quán, Phước An hội quán, Hà Chương hội quán, Tam Sơn hội quán, Ôn Lăng hội quán, Nhị Phủ hội quán, Quỳnh Phủ hội quán, Quảng Triệu hội quán…
Hội quán ở Sài Gòn nói riêng và ở Nam Bộ nói chung thể hiện ba chức năng cốt lõi: Trụ sở hành chính – trụ sở đồng hương – trụ sở hội liên lạc công thương trong bang (Bang ở đây được hiểu là sự phân nhóm dân tộc Hoa theo tiêu chí ngôn ngữ; hiện nay trên thực tế tồn tại năm bang người Hoa: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ (Khách Gia).
Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh trong cộng đồng được thuận lợi, các bang, hội quán đứng ra dàn xếp, phân chia lĩnh vực sản xuất, buôn bán trong nội bộ một bang và giữa các bang người Hoa với nhau.
Cụ thể là: Nhóm Hoa Quảng Đông chuyên cho thuê nhà phố; Nhóm Phúc Kiến chuyên thu mua lúa gạo; Nhóm Triều Châu nắm giữ nhiều nhà máy xay xát lúa gạo; Nhóm Hải Nam phần đông buôn bán đồ ăn; Nhóm người Hẹ lại chuyên về mua bán thuốc Bắc, thuộc da.
Dưới sự điều tiết của các bang, hội quán, việc làm ăn buôn bán của người Hoa diễn ra theo kiểu mỗi người một chợ, không ai được xâm phạm đất sống của nhau. Nếu có tranh chấp, các bang trưởng sẽ họp lại, dàn xếp ổn thỏa để không ai bị thiệt thòi, mất mát, càng không để cho tiếng xấu lọt ra ngoài. Vì vậy, trên thực tế, mỗi bang của người Hoa ở Nam Bộ thường chiếm ưu thế trong một ngành nghề nhất định và bang trưởng có vai trò là người đứng đầu một khu vực buôn bán.
Theo mô hình này, coi như đây cũng là hình thức của các nghiệp đoàn độc lập, hoạt động vì quyền lợi chung của nhóm lao động ngành nghề nào đó trên cơ sở tuân thủ pháp luật chung của chính quyền sở tại.
Hội quán của người dân Đồng Tháp
Hội quán là mô hình tập hợp nông dân (tự nguyện) và cũng là “đặc sản” của tỉnh Đồng Tháp, hầu như chưa có địa phương nào thực hiện. Kể từ khi hội quán đầu tiên là Canh Tân hội quán được khai trương hôm 3-7-2016 tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành), đến nay tại Đồng Tháp đã thành lập được 45 hội quán gắn với từng ngành hàng đặc trưng của các địa phương như lúa, xoài, hoa – kiểng, cam, quýt…
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – người khởi xướng mô hình hội quán nông dân cho biết, đây là nơi để bà con cùng tụ họp để đồng tâm hiệp lực, đổi mới cách sản xuất, làm ăn hiệu quả. Tùy điều kiện mỗi nơi, mà cuối mỗi tuần hay cách nửa tháng, sau khi xong việc sản xuất, việc nhà trong ngày, bà con ngồi lại với nhau bên ly trà để cùng bàn chuyện canh tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, rồi đến góp ý, tâm tình.
Tại các hội quán, các thành viên có dịp trao đổi với nhau về chủ đề đã lựa chọn như cách làm ăn mới, cách làm hay, sản xuất tốt. Sau đó, nếu bà con có nhu cầu, có thắc mắc cần tìm hiểu, Ban chủ nhiệm hội quán sẽ ghi nhận để trao đổi, mời cán bộ chuyên môn của trạm khuyến nông, ngành nông nghiệp giải đáp cho nông dân.
Đồng nghiệp báo Đồng Tháp kể rằng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan luôn tham dự những buổi nói chuyện thường kỳ của các hội quán. Cách tiếp cận vấn đề và xây dựng ý tưởng cho hội quán cũng xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của ông qua nhiều lần tiếp xúc với người dân và hiểu được rằng, họ đang thiếu một kênh liên kết gần gũi, một nơi để chia sẻ những câu chuyện đời sống.
Vì thế, hội quán ở Đồng Tháp được thành lập là theo nhu cầu của người dân về việc tổ chức một không gian chia sẻ của riêng họ, vận động, khuyến khích những “hạt nhân” tích cực làm nòng cốt.
Đồng nghiệp báo Đồng Tháp kể thêm hồi Canh Tân hội quán ra đời, mặc dù có Bí thư Lê Minh Hoan ‘chống lưng’, nhưng cũng lắm điều ra tiếng vào vì lâu nay đã quá quen thuộc với cung cách điều hành “từ trên xuống”, cấp dưới chỉ biết nghe “chỉ dụ” từ bên trên và triển khai thực hiện. Và hệ quả tất yếu là cấp dưới dần thụ động, trông chờ, ỷ lại.
Cũng vậy, người dân chịu sự quản lý của chính quyền, với lời tuyên truyền ra rả là mọi việc đã có “đảng và nhà nước” lo rồi, cả hệ thống chính trị hỗ trợ rồi. Với nếp nghĩ đã có người lo rồi thì mình cần gì mà lo nữa, phận dân thì làm sao đủ kiến thức, năng lực đâu mà lo…
Nói là nói vậy, nhưng người lo thì không hiểu rõ, biết hết, trong khi người tường tận thì không được quyền tự lo. Ai là người hiểu biết từng nếp nhà, biết rõ từng ngỏ ngách của xóm làng, đường phố nếu không phải là người dân? Ai là người va chạm với những rủi ro trong cuộc sống và công việc mần ăn bằng chính người dân? Ai là người thân quen, chòm xóm láng giềng, hiểu rõ tính tình của nhau, hàng ngày qua lại với nhau, “tối lửa tắt đèn có nhau” nếu không là bà con nông dân?
Người viết nghĩ rằng sở dĩ mô hình hội quán ở Đồng Tháp phát triển mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, vì ở đây có vai trò của người đứng đầu chính quyền trong việc tạo không gian cho người dân bày tỏ, để người dân được thực hiện quyền tự làm chủ trong cuộc sống của họ, trong cộng đồng của họ, mà không đặt bày những áp đặt mang tính duy ý chí từ các nghị quyết đảng như thường thấy ở nhiều địa phương khác. Đây cũng chính là mô hình cần được tham khảo cho việc xây dựng các nghiệp đoàn độc lập ở thời gian tới.
Mặt khác, mặc dù đảng cộng sản Việt Nam phủ nhận vị trí của xã hội dân sự [*], song chính mô hình hội quán là một mảnh ghép cần thiết vào bức tranh thay đổi thiết chế dân cư theo mô hình tự quản, tự nguyện, nơi những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau.
Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp là một mô hình mở, linh hoạt ra đời hướng đến sự thay đổi của người dân, là chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa các chủ trương đến tận nhà, tận ngõ xóm, và từ đó lan tỏa ra các cộng đồng dân cư. Đó chính là giá trị mà xã hội dân sự mang lại, song có lẽ ông Thường trực Ban Bí thư cùng ông Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam chưa có điều kiện thực tế tìm hiểu.
Bên lề…
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (tờ báo này bị đóng cửa vào cuối tháng 2-2014 [**] bằng hình thức chuyển giao manchette cho một tòa soạn khác; đòn đánh nguội của cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khi tờ báo này lên tiếng bênh vực người dân Thủ Thiêm), đã nói rằng nếu như chuyện hội quán có dấu ấn của Bí thư Lê Minh Hoan, thì xem ra việc “CPPP thông qua như chẻ tre” (từ dùng của nhà báo Tâm Chánh) cũng xuất phát từ người đứng đầu.
Trong chính trị Việt Nam, việc nước cũng gần giống việc làng, đôi khi rất phụ thuộc vào người nắm quyền quyết định việc ấy. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc được xúc tiến bởi Bộ Quốc phòng với sự chỉ đạo của tướng Lê Đức Anh. Từ chuyển biến này, trở thành Chủ tịch nước, theo phân công trong Bộ Chính trị, phụ trách đối ngoại, tướng Lê Đức Anh đã “nâng cấp” công tác đối ngoại của quân đội, để quân đội đóng vai trò khá lớn trong đối ngoại Việt Nam. Cục diện quan hệ với Mỹ hay với Trung Quốc sau thời kỳ tướng Anh về cơ bản vẫn được quyết định trên tương quan mà tướng Lê Đức Anh hình thành.
Cuộc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Tổng thống Obama không nhiều ý nghĩa ngoại giao giữa hai nước mà có ý nghĩa hơn ở chỗ, sau nhiều năm quyền lực đối ngoại đã trở về người đứng đầu nhà đỏ. Vị thế Chủ tịch nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ đã được xác định sau chuyển biến đó.
Giờ ở cương vị Chủ tịch nước, phụ trách trực tiếp công tác đối ngoại, Tổng Bí thư phải cọ xát với công việc đối ngoại bằng ứng xử quyền lực cụ thể, cân nhắc từ trách nhiệm cụ thể của mình. Một số tiến trình có thể vì vậy trở nên nhanh chóng hơn. “Việc thông qua CPPP như chẻ tre, khác với lúc chuẩn bị TPP, có thể là kết quả của một tương quan quyền lực đối ngoại mới đó!”. Nhà báo Đặng Tâm Chánh nhận xét.
Chú thích:
[*] Quyết định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành. Tại Điều 7.3.b cho biết sẽ bị khai trừ đảng nếu như đảng viên đó đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”. [http://bit.ly/2Q6fod4]
[**] Trong số báo cuối cùng chia tay độc giả, Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị viết: “Thừa hành quyết định ‘thu hồi giấy phép hoạt động báo chí’ từ cấp có thẩm quyền, Ban biên tập Báo SGTT trân trọng thông báo với quý bạn đọc là từ sau 28/2/2014, Báo SGTT trực thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ ngưng xuất bản. Tờ SGTT số 18 năm 2014 mà bạn đang cầm trên tay là số báo cuối cùng”.
“Một lần nữa, bằng lời xin lỗi chân thành vì chúng tôi không thể tiếp tục phục vụ các bạn được nữa. Chúng tôi xin cúi đầu cảm tạ những tình cảm mà bạn đọc đã dành cho chúng tôi suốt thời gian qua. Xin mượn tựa một cuốn sách với tựa đề ‘Nếu còn có ngày mai’ để thắp lên hy vọng rằng, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau ở đâu đó ở một ngày mai tươi sáng hơn”.
Leave a Comment