Lan man về một cái tên

- Quảng Cáo -

Mặc Lâm – VOA

Xưởng đẻ, Cửa hàng thịt Thanh Niên và bây giờ là Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam

Câu chữ làm cho điều nó chuyển tải có ý nghĩa thế nào tùy thuộc rất lớn vào những gì hiện ra trên bề mặt của chữ. Một bảng hiệu đưa thông tin cho người đọc hiểu cặn kẽ phải đi với nguyên tắc rõ nghĩa và trong sáng. Xưởng đẻ là một danh từ không thể chấp nhận vì vậy nó bị đào thải trong một thời gian rất ngắn. “Thanh Niên” là danh từ riêng không thể lắp vào cửa hàng thịt, vì không những nó gây hiểu lầm là cửa hàng bán thịt người mà thịt của thanh niên là chính, nó còn cho thấy sự duy lý đến mù quáng của những cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực có liên quan đến chữ nghĩa.

Và mới đây, một Hiệp hội bề thế do nhà nước chủ đạo có cái tên không thể nào không gây bàn cãi: Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Chỉ trong vòng vài giờ, mạng xã hội tràn ngập ý kiến phản bác, đa số ngạc nhiên vì cách dùng từ “nhà vệ sinh” và không ít lời thóa mạ cái tên rất phản cảm này. Người ta chứng minh rằng ngay cái tên đã nói lên sự thấp kém của những người vận hành cái hội này và nếu chỉ đọc cái tên có vẻ thô thiển, không ai hiểu rõ Hiệp hội này hoạt động ra sao, có dính dấp gì đến những căn nhà vệ sinh của Việt Nam, và liệu những nhà vệ sinh ấy có cần đến một hiệp hội để điều hành hay không.

Nhưng khi đọc bản tin về ngày thành lập hiệp hội, câu chuyện đã lộ dần ra mục đích mà nó được thành lập: “Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam ra đời sẽ từng bước tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Tiếp đến sẽ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hiện đại, phù hợp cho từng khu vực và từng vùng miền tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng.”

Thông tin cũng cho biết Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, và dĩ nhiên những người trong Hiệp hội là công chức có lương và Hiệp hội sẽ nhận ngân sách hoạt động hàng năm như những hội khác trên khắp nước.

Nếu Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam muốn thuyết phục người dân hơn thì không cần phải đem chữ “nhà vệ sinh” vào làm cái tên chính thức của Hiệp hội, mặc dù nó là một thực thể không thể tránh né khi mục tiêu của hội được thành lập là vì cái “nhà vệ sinh” chứ không vì cái gì khác.

Tuy nhiên cũng giống như chuyện sinh nở, một bệnh viện hộ sản hay hộ sinh nghe vẫn hay và lịch thiệp hơn nhiều cái tên “xưởng đẻ”. “Xưởng” không thể chấp nhận đã đành, nhưng “đẻ” cũng thô kệch không kém. Dù sao thì tiếng Việt còn nhiều cách để miêu tả những hoạt động mà người dân bình thường tránh nói tới một cách thô lậu.

Người ta dạy con cái mình “đi tiểu” “đi cầu” hay “đi ngoài” “đi đồng” những từ khác cùng miêu tả cho sinh hoạt này nhưng được tránh đi, vì nó mang hơi hướng nhớp nhúa, chỉ những kẻ thất học mới dùng tới.

Nhà vệ sinh tuy lịch sự hơn, nhưng nếu dùng nó làm tên chính thức của một hiệp hội thì ngay lập tức chạm vào cái “taboo” liên quan tới hành động bài tiết, mà chuyện bài tiết thì ở đâu cũng vậy, ngay cả ở các nước phương Tây người ta cũng tránh nói tới. Những từ ngữ như toilett, restroom, hay washroom mang đậm nét văn hóa của một nền văn minh tuy thực dụng nhưng không dẫm lên những giá trị cốt lõi của ngôn ngữ, thứ hình thành nên văn hóa

Mục tiêu của Hiệp hội là xây dụng những căn nhà vệ sinh nhưng Hiệp hội có thể chọn một cái tên làm cho người ta liên tưởng đến hoạt động của nó. Nhà vệ sinh có thể thay bằng “Ô vuông xanh” hay “Đường dây xanh” hay hàng trăm gợi ý khác. Ô vuông là ước lệ của một căn phòng nhỏ nơi ấy người dùng ý thức tới môi trường và gìn giữ nó. Đường dây xanh là biểu tượng cho một loạt nhà vệ sinh trên khắp nước, nó hoàn toàn dễ chia sẻ và gây cho người đọc cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.

Ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam cho báo chí biết lý do khiến ông tiến hành thành lập hiệp hội và theo đuổi mục đích này là do con ông một hôm đi học về cho ông biết rằng cháu không dám đi vệ sinh vì dơ bẩn quá. Ông cũng khẳng định sẽ xây dựng những căn nhà vệ sinh hiện đại và tân tiến nhất, tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng nhằm phục vụ người dân và đặc biệt là các nhà vệ sinh tương lai do hiệp hội của ông thành lập sẽ không lấy tiền của dân chúng.

Từ câu chuyện ông trả lời trên báo chí về lời than của con ông người ta có cảm giác như ông đang sống ở nước ngoài chứ không phải tại đất nước mà nhà vệ sinh hầu như vắng bóng tại tất cả các nơi công cộng, nếu có cũng chỉ là nơi chứa chất thải như ngày xưa các hợp tác xã nông nghiệp tập hợp phân bắc để bón cho ruộng. “Tạo bước đột phá về văn minh” có phải là tiếng than của cả nước hay chăng khi gần một thế kỷ đã qua mà cái nhà vệ sinh vẫn đang nằm chờ…đột phá?

Từ chỗ thiếu thốn lưu cữu, ông cho rằng nhà vệ sinh phải thật hiện đại. Thực ra nhà vệ sinh hiện đại lắm cũng chỉ là cái bồn cầu tráng men tốt, nước giật đủ mạnh để tống chất thải ra ngoài, khử mùi hôi tốt và giữ sạch sẽ tuyệt đối. Một vài nơi gắn censor nơi bồn tiểu để khi người dùng quên xả nước thì thiết bị sẽ tự động làm….là những tiêu chuẩn …hiện đại của hầu hết các nước phát thát triển. Nếu chỉ như thế thì không nhất thiết phải gọi là hiện đại để cộng vào dự toán khi xin ngân sách xây dựng những căn nhà vệ sinh như ông Hiệp nhắm tới.

Nhà vệ sinh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi người. Xây dựng nhà vệ sinh phục vụ cho dân chúng là bổn phận của chính phủ, hay nói đúng hơn là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Nhà vệ sinh làm cho bộ mặt thành phố tươm tất hơn và người dân sẽ tự động từ bỏ thói quen bài tiết nơi công cộng, một thói quen làm hình ảnh một thành phố có hàng ngàn nhà cao tầng phải hỗ thẹn.

Tuy nhiên đừng vì sự cần thiết không thể phủ nhận này để bày vẽ ra những hiệp hội to tát. Chính quyền phải trực tiếp thực hiện các nhà vệ sinh ngay tại nơi mình quản lý bằng ngân sách nhà nước. Theo dõi đôn đốc người dân tôn trọng quy luật giữ vệ sinh chung nơi công cộng nếu cần phải có biện pháp phạt vạ thật mạnh để họ nhớ tới mỗi khi vi phạm. Không ai dám than phiền sự phạt vạ này vì nó làm cho cộng đồng sạch sẽ và đáng sống hơn.

Không một Hiệp hội nào có thể thực hành thay cho nhà nước bởi họ không phải là lực lượng an ninh trật tự. Một hiệp hội không có khả năng bằng cả hệ thống cầm quyền. Giao khoán cho họ mà không kiểm soát sẽ xuất hiện những căn nhà vệ sinh hiện đại, tầm cỡ nhưng… không ma nào léo hánh là thất bại dễ thấy nhất như hằng hà sa số công trình đắp chiếu trên khắp nước hiện nay.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here