Ngô Đồng – Web Việt Tân
Công đoàn độc lập là đề tài nhạy cảm tại Việt Nam. Nhiều năm qua, nhà cầm quyền CSVN luôn trấn áp, bắt bớ những tổ chức, cá nhân cổ súy cho việc hình thành tổ chức như vậy. Tuy nhiên, trước cơn khủng hoảng kinh tế, để cứu chế độ, nhà cầm quyền CSVN buộc phải giao thương và tìm cách qua mặt quốc tế trong việc cho phép thành lập công đoàn độc lập.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp Định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên 11 quốc gia còn lại tiếp tục hợp tác nhưng lại đổi tên thành Hiệp Định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là hiệp định có chất lượng cao nhất mà Việt Nam từng tham gia. Hiệp định này không chỉ góp phần tăng GDP, mà còn giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và phát triển thương hiệu… Tuy nhiên, Hiệp định này có một điều khoản “khó nuốt” cho chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, đó là buộc các nước ký kết phải chấp nhận cho người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập.
Công đoàn độc lập đe dọa vị trí độc tôn quyền lực đảng trị
Hôm Thứ Hai, ngày 5/11 vừa qua, Quốc Hội CSVN công khai họp bàn cách “đối phó” với quy định phải cho phép người lao động tự do thành lập công đoàn trong Hiệp định CPTPP.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa, nói rằng trong dự thảo Luật Công đoàn, chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động cạnh tổ chức công đoàn, nhưng đây cũng chỉ là “hình thức phái sinh” của công đoàn nhà nước. Ông Lợi còn nhấn mạnh: “Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị”.
Bên cạnh đó, theo cổng thông tin Công Đoàn Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN sẽ không để các tổ chức khác ra đời “vì động cơ chính trị, chống phá đất nước” mà lãnh đạo cộng sản gọi là “công đoàn vàng”.
Rõ ràng, CSVN hết sức lo sợ tương lai Công đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ “Diễn biến hòa bình”, hoặc lập ra một đảng đối lập nhằm cạnh tranh với chính quyền hiện tại. Đảng Cộng sản luôn sống chết bảo vệ vị trí độc tôn quyền lực, nên một công đoàn độc lập được cấp phép sẽ là điều vô cùng khó. Thực tế, tại Việt Nam đã có một tổ chức độc lập đại diện cho tiếng nói của công nhân là Lao Động Việt. Nhưng nhiều năm qua luôn bị chính quyền đàn áp, thậm chí các thành viên nòng cốt bị kết án nhiều năm tù như: Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình…
Việt Nam hiện chỉ có tổ chức công đoàn duy nhất là Tổng Liên Đoàn Lao Động. Tổ chức này do đảng Cộng sản lập ra và phục vụ nhu cầu chính trị của đảng. Nếu được thành lập tổ chức công đoàn khác bằng những khung pháp lý rõ ràng hơn, thì lúc đó sự kiểm soát của đảng Cộng sản sẽ suy yếu. Cho nên, để đối phó với điều khoản trong Hiệp định CPTPP, dù cho tổ chức công đoàn nào đó khác với Tổng Liên Đoàn Lao Động được ra đời, thì cũng chỉ là “cánh tay nối dài” của nhà cầm quyền và sẽ luôn nằm trong sự toan tính, lèo lái của đảng.
Công đoàn độc lập sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh với công đoàn quốc doanh
Chiếu theo những quy định trong CPTPP, công nhân Việt Nam sẽ được thành lập công đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các công đoàn này còn được quyền kết nối với nhau. Tổng Liên Đoàn Lao Động khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, nên việc cạnh tranh là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “thách thức lớn, chưa có tiền lệ.” Bởi vì theo ông Hiểu, Tổng Liên Đoàn Lao Động sẽ phải cạnh tranh với Công đoàn độc lập về thu hút, tập hợp, kết nạp thành viên, xây dựng cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính…
Thực tế, mô hình tổ chức công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Trong nhiều năm qua, vai trò lớn nhất của nó là thu các loại phí bảo hiểm, hoạt động nặng về hiếu, hỉ, tư tưởng nặng bao cấp, hành chính hóa, làm phong trào, chậm thích ứng với tình hình mới và không bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Trường Đại học Khoa Học Huế và viện Rosa Luxemburg Stiftung của Cộng Hoà Liên bang Đức, công đoàn ở Việt Nam chỉ là tổ chức bù nhìn. Công nhân Việt Nam từ lâu đã bị bóc lột thậm tệ, làm việc vất vả với đồng lương rẻ mạt, trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Trong khi đó, vai trò của công đoàn hầu như không được nhắc đến trong các xung đột giữa chủ doanh nghiệp và công nhân. Và trong tất cả các cuộc đình công của công nhân, chưa có cuộc đình công nào do công đoàn lãnh đạo.
Nói tóm lại, cán bộ công đoàn ở Việt Nam bênh vực chủ, chứ không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân. Vì vậy, nếu cho phép tự do thành lập các tổ chức đại diện cho công nhân sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu công đoàn, vì khi đó người lao động không còn nhu cầu gia nhập công đoàn nhà nước nữa, họ sẽ đứng về phía công đoàn độc lập, nơi đại diện một cách thực chất cho quyền lợi của họ.
Công đoàn độc lập sẽ tạo áp lực lên chính sách của chính quyền
Tại các quốc gia dân chủ, công đoàn của người lao động được xem là lực lượng dân sự mạnh nhất trong đời sống xã hội. Tổ chức này có quyền tập hợp người lao động và dùng sức mạnh tập thể đó thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp lẫn chính phủ một cách bình đẳng, nhằm xác lập các yêu sách, điều kiện lao động, hoặc đại diện trong xử lý tranh chấp lao động; trong tố tụng lao động…
Bên cạnh đó, vai trò của công đoàn khi đó là bảo đảm cho lợi ích xã hội được phân bổ công bằng. Vì vậy, họ còn buộc chính phủ phải công khai minh bạch tất cả những chính sách tài chính. Hoặc giải trình về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động một cách thuyết phục rõ ràng. Khi đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, không còn cách nào khác, Chính phủ cần phải luôn nâng cao năng lực quản trị và chấp nhận những nguyên tắc chuẩn mực cao để đáp ứng với đòi hỏi của xã hội.
Đó là viễn cảnh sẽ diễn ra trong tương lai nếu Việt Nam có một công đoàn độc lập thật sự. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đảng Cộng sản sau nhiều năm độc chiếm quyền lãnh đạo cho thấy sự già nua và lạc hậu trong quản trị quốc gia. Nếu có một công đoàn độc lập, sự trì trệ, tham nhũng trong vận hành bộ máy nhà nước sẽ bị phơi bày trước công chúng. Đến lúc đó, mong muốn thay đổi sang thể chế dân chủ hơn sẽ là nhu cầu tự nhiên của công chúng, đây chính là hồi kết cho một chế độ độc tài toàn trị. Và tất nhiên, đảng Cộng sản sẽ nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh đó.
Tóm lại, với bản chất lưu manh, lọc lõi, tuy cam kết tuân thủ các điều khoản trong Hiệp định CPTPP, nhưng chắc chắn nhà cầm quyền CSVN sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn việc hình thành công đoàn độc lập. Có thể khi ban hành luật, họ sẽ vẽ ra những điều kiện ngặt nghèo để tiếp tục tạo ảnh hưởng đối với các công đoàn ấy, như quy định người đứng ra lập công đoàn phải bao nhiêu tuổi, trình độ ra sao, làm việc trong doanh nghiệp bao nhiêu năm, được bao nhiêu phần trăm tín nhiệm của công nhân… Với những thủ đoạn như vậy, dù tổ chức sắp được hình thành có tên là gì, hoạt động ra sao cũng nằm trong sự toan tính, sắp xếp của nhà cầm quyền CSVN mà thôi.
Ngô Đồng
Leave a Comment