Một người đi đường, thấy người bán cua bên đường, ông này đặt một rổ cua to tướng chất đầy cua và không đậy nắp, ngồi ung dung uống trà, hút thuốc, mắt lơ đãng. Ông đi đường liếc thấy rổ cua không đậy nắp thì quay xe lại nhắc ông bán cua đậy rổ lại kẻo mất cua. Ông bán cua cười to, cảm ơn rồi nói rằng nếu cua chỉ có một con duy nhất trong rổ thì không đậy sẽ mất ngay, chứ rổ chứa rất nhiều cua sẽ không mất con nào bởi tự chúng sẽ kéo nhau xuống lại đáy rổ, con nào vừa lòm ngòm bò lên miệng rổ thì con khác, thậm chí hàng chục con khác sẽ lôi xuống…
Sở dĩ giữa lúc có hàng trăm chuyện để quan tâm, bài viết lại đề cập đến cái rổ cua và chuyện nhà buôn, nhà nông Việt Nam bởi lẽ, người Việt giết người Việt đã quá lâu và điều này đang thành thói quen; Dường như người Việt chưa bao giờ ngừng kéo nhau xuống hố, điều này chẳng khác nào những con cua tự níu càng với nhau để kéo vào rổ, không cho con nào thoát khỏi rổ, và kết quả là cả rổ cua vào nồi! Hiện tại, khi nhà nông Việt Nam đang quằn quại trên cánh đồng vì thanh long, khoai lang, rau, củ, quả ế ẩm, không có chỗ để bán tháo thì ngoài thị trường, nhà buôn vẫn hét giá trên trời để lấy lãi khủng. Nói cho cùng, đây là kiểu chơi rất ích kỉ và tự giết hại lẫn nhau của người Việt.
Tại sao? Tại qua rất nhiều năm quan sát và điều này cũng không cần quan sát mà nó hiển hiện trước mắt, dường như người ta phải lắc đầu ngao ngán cho mối quan hệ giữa nhà buôn và nhà nông Việt Nam. Trong khi Việt Nam là nước chưa thoát khỏi nông nghiệp và có vẻ như vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi nông nghiệp, nền kinh tế nông nghiệp là nền tảng kinh tế dựa trên thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của quốc gia hình chữ S, nhiệt đới gió mùa này. Và muốn giàu, muốn giữ hệ sinh thái tốt, không còn cách gì hơn là phải phát triển nông nghiệp sạch, nông sản cao cấp. Mà muốn vậy, phải có đầu ra cho nông nghiệp. Chưa cần bàn đến các chính sách vĩ mô cho nông nghiệp, ở đây, mối tương tác giữa nhà nông và nhà buôn có tính sống còn.
Không ai khác nhà buôn khi nói tới đầu ra cho nông sản nhà nông và cũng không ai khác nhà nông khi nói đầu vào cho nông sản nhà buôn. Thế nhưng dường như tại Việt Nam, nông nghiệp không phải là nền kinh tế hay thế mạnh, nền tảng kinh tế của gia đình, xã hội mà là sự bất đắc dĩ. Nghĩa là ‘chuột chạy cùng sào bâu vào đám ruộng”, nghĩa là không còn làm được việc gì nữa thì người ta chuyển sang làm nông để sống qua ngày.
Và trong cái sự “sống qua ngày” ấy, có cả thử vận và mưu cầu kinh tế mỗi khi có đầu ra cho nông sản. Chẳng hạn như thanh long có giá, cau non có giá, khoai lang có giá thì người nông dân chăm chuốt, nhân rộng vườn cau, vườn khoai, vườn thanh long với hi vọng cuối vụ khấm khá hơn. Nhưng cái sự “chăm chuốt” của nhà nông cũng ẩn chứa mối nguy không nhỏ, dùng thuốc hóa học kích thích tăng trưởng lá, củ, quả là sở trường của nhà nông Việt Nam, sản xuất dòng thuốc này thì phải nói tới người Trung Quốc.
Thế rồi, đùng một cái, nhà buôn bên ngoài (tức Trung Quốc) không tới mua hàng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không tới mua hàng, bỏ lơ nhà nông. Nhà nông chết đứng bên cạnh đồng hi vọng. Và người ta cũng thường hay nói với nhau, na ná kiểu Bùi Giáng thi sĩ là “anh những tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau”, điều này ám chỉ mối tương đồng cảnh ngộ, trong cõi đau đớn người ta dễ thương nhau, chia sẻ nhau và hiểu thấu nhau hơn. Nhưng nghe ra cái đạo lý này chỉ có trên lý thuyết, trên bàn rượu hoặc trong các cuộc ngâm ngợi trà dư… Trong thực tế, sự tàn nhẫn của người Việt dành cho nhau khốc liệt đến độ khó tin!
Lấy một ví dụ nhỏ về mối tương tác giữa nhà nông với nhà buôn. Trong hai tháng vừa qua, tỏi Lý Sơn rớt giá thê thảm, thanh long mang ra đường để đổ, khoai lang chất núi trên đồng, nhà nông chỉ mong có chỗ để bán tháo cho dù bán mỗi ký lô lấy hai ngàn đồng, ba ngàn đồng cũng đỡ được đôi chút. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ khoai lang, thanh long, tỏi tại Việt Nam là thị trường khá mạnh. Nhưng cái thị trường này bị chính nhà buôn bóp chặt, khóa mất sức mua của người dân.
Cụ thể, mặc dù giá khoai rớt xuống còn 500 đồng mỗi ký, thanh long bán tháo cũng 500 đồng mỗi ký, tỏi Lý Sơn thì còn 50,000 đồng mỗi ký. Nhưng thị trường lại rất quái lạ, khoai lang vẫn dao động từ 15 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng, tùy vào loại, thanh long cũng vậy, về chuyện tỏi, tỏi Trung Quốc tràn ngập thị trường với giá tương đương tỏi Lý Sơn!
Rõ ràng, ở đây, thay vì hạ giá các mặt hàng nông sản để kích thích sức mua, giả sử như người ta mua 15 ngàn đồng khoai lang, trước đây được 1 ký lô, giờ được ba ký lô, không chừng người ta sẽ mua thêm 3 ký nữa để mang về thái nhỏ, phơi khô cho mùa mưa. Ở đây, với giá 5 ngàn đồng thì nhà buôn đã lãi được chừng 3 ngàn đồng mỗi ký, nông dân vẫn có thể bán được 2 ngàn đồng mỗi ký chứ không đến nỗi ọp ẹp 500 đồng rồi mang chất thành núi trên đồng. Nhà buôn đã không nghĩ đến nỗi khổ của nhà nông và chỉ nghĩ đến mức lãi. Và khi mọi sự đều qui ra tiền, nó sẽ có thế giới ngầm của nó. Mặc dù nông dân rên xiết nhưng nhà buôn lại mặc định với nhau về mức giá trên thị trường, cho dù nhà nước có can thiệp chăng nữa thì bất quá nhà buôn tạm nghỉ vài ngày không bán mặt hàng nhà nước qui định giá. Như vậy, vô hình trung nhà buôn vì ham lãi mà hại đồng loại, đồng thời cũng hại chính mình.
Bởi một khi nông sản không ổn định, tâm lý nhà nông không ổn định và nguồn cung không ổn định, nhà buôn Việt buộc phải tìm một đầu vào khác, ở đây, hàng nông sản Trung Quốc sẽ là cái trạm đầu tiên của nhà buôn Việt. Và cái giá phải trả khi buôn hàng Trung Quốc không hề nhỏ chút nào, nó không những là nguy cơ cho mỗi nhóm ngành nghề mà nó còn là nguy cơ dân tộc, nguy cơ đến sức khỏe, sinh mệnh quốc gia. Hệ lụy của nó thì khỏi phải nói thêm. Như vậy, suy cho cùng thì cách hành xử của người Việt bấy lâu nay chẳng khác nào những con cua trong cái rổ. Mà cách hành xử này không riêng gì nhà nông với nhà buôn hay ngược lại, hầu như bất kì lĩnh vực nào, người ta cũng sẵn sàng kéo nhau vào nồi để chết!
Leave a Comment