Năm 2013, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến Pháp, ông Nguyễn Phú Trọng có lên truyền hình phát biểu kiểu răn đe rằng “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?”
Ngày đó lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp cũng chẳng ra được bản hiến pháp mới, nó vẫn như bản cũ. Đây là một trò dân chủ giả hiệu. Mọi sự đóng góp ý kiến theo hướng văn minh tiến bộ đều bị chụp mũ. Như ta biết, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập và phi chính trị hoá quân đội là điều kiện cơ bản để có một nhà nước dân chủ. Đây là những kiến thức thuộc phạm trù khoa học chính trị, nó không thuộc phạm trù đạo đức. Thế nhưng Nguyễn Phú Trọng cho những ai có tư tưởng như thế là “suy thoái đạo đức”. Có lẽ theo quan điểm của ông ta thì đó là một thứ đạo đức nào đấy, có thể là thứ “đạo đức cách mạng” của người CS.
Một khi nhân dân chịu chấp nhận sự áp đặt của ĐCS, thì mọi hệ lụy phát sinh từ nó cũng liên tục đổ lên đầu thì dân phải chịu. Như ta biết, không tam quyền phân lập thì không thể có tư pháp độc lập, mà không có tư pháp độc lập thì không thể có công lý. Vậy tư pháp XHCN được sinh ra để làm gì? Xin nói thẳng, tư pháp XHCN trước hết để bảo vệ đảng, sau đó nó được dùng để làm nơi mua bán công lý cho lãnh đạo ngành tư pháp làm giàu.
Trong thang tội phạm mà chính quyền CS cho là nguy hiểm nhất không phải là cướp của giết người, không phải xã hội đen đầu gấu, không phải là cướp gật lừa đảo. Những loại tội phạm đó hoàn toàn có thể hợp tác với công an để xử những người đấu tranh dân chủ. Cho nên có vô số đầu gấu đâm thuê chém mướn sẵn sàng đầu quân cho công an để nghe sai bảo. Những thành phần nguy hiểm cho xã hội khi ở tù, nếu biết chạy chọt đều có thể được giảm án. Vậy thành phần mà Đảng liệt vài thứ nguy hiểm nhất là tội phạm nào? Đó là tội phạm chính trị – những tù nhân lương tâm. Tù nhân lương tâm sẽ không được giảm án. Những tù nhân này được chính quyền CS dùng làm công cụ để ngã giá với nước nước lớn trong các ký kết thương mại. Dính đến chính trị là bị kết tội rất nặng, mặc dù việc làm của họ là đáng ca ngợi chứ hoàn toàn không đáng tội.
Tựa như ngành công an, Đảng cho kiếm tiền để đổi lấy lòng trung thành “còn đảng còn mình”, thì ngành tư pháp cũng thế. Đảng buông cho cán bộ tư pháp tự do buôn bán công lý để đổi lấy lòng trung thành tận tụy của họ trong các vụ án chính trị. Lấy ví dụ như vụ án buôn thuốc ung thư giả có dính líu đến em chồng bà bộ trưởng Y tế. Vụ án này bị cáo phạm 2 tội: tội nhẹ là tội buôn lậu, tội nặng là buôn thuốc tân dược giả có thể bị chung thân hoặc tử hình. Thế nhưng, tòa án đã bỏ quên tội nặng và chỉ kết án tội buôn lậu. Đằng sau bản án nhẹ như lông hồng này là một đường dây mua bán công lý. Bỏ đi tội có khung hình phạt tử hình là cả một cái giá được quy ra tiền cả. Thế nên cán bộ tư pháp mới giàu, cán bộ viện kiểm sát mới giàu, và công an điều tra mới giàu. Kẻ buôn tân dược giả hại hàng ngàn hàng vạn nạn nhân ung thư tiền mất tật mang, nhưng không bằng tội của kẻ có tư tưởng dân chủ hoá đất nước. Bản chất của Đảng này là vậy.
Vụ án xe Inova chạy lùi trên cao tốc Thăng Long – Thái Nguyên, người tài xế thì đầy rượu bia, chở quá người và ủi ngược vào đầu container. Một đống tội thế nhưng được xử thắng kiện. Đấy là một minh chứng cho loại tư pháp XHCN. Đây là vụ án hình sự không có yếu tố chính trị, cho nên Đảng sẽ để cho cán bộ tư pháp buôn bán công lý để kiếm tiền. Đằng sau vụ án bất công này là đàn giòi bọ thi nhau chia chác khoản tiền chạy chọt. Cả một hệ thống gồm công an điều tra, cán bộ viện kiểm sát, cán bộ tòa án và luật sư chạy án hình thành nên một cái bè chắc chắn. Dư luận không đủ mạnh thì không thể nào buộc cả một hệ thống này phải ói tiền ra để trả lại công lý cho nạn nhân đâu.
Bản chất tư pháp XHCN là vậy. Nó bắt đầu từ loại chính trị tập quyền CS. Một khi nhân dân chấp nhận nó thì tất nhiên phải chấp nhận hệ lụy của nó. Hãy hỏi xem, cán bộ tiền đâu xây nhà lầu và mua xe hơi? Tiền đâu cho con du học chỉ với đồng lương công chức? Nói thế cũng là trả lời. Mạng xã hội nay lại sôi lên vì vụ án bất công này, rồi mai sôi lên vì vụ án bất công khác. Và cuối cùng chẳng thể giật lại công lý cho ai được, vì đơn giản, nó là thuộc tính cố hữu của tư pháp XHCN./.
Leave a Comment