Trong bản xu hướng của Google (Google Trends) vào ngày 1.11 cho thấy, người Việt ngoài sự quan tâm đến thể thao, xổ số kiến thiết, họ còn quan tâm đến các chính sách pháp luật được ban hành và có hiệu lực từ tháng 11, đồng thời là phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến lực lượng công an.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %, Một lần nữa khẳng định “đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng (?). Đáp lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đấu khẩu với Lưu Bình Nhưỡng, và yêu cầu ông Nhưỡng phải đính chính trở lại vì tính toán sai, gây phản ứng trong lực lượng công an.
Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, có tài liệu mật nên báo cáo theo con số mật, còn Giám Đốc CA Nghệ An cho điều này không đúng,.. Cả hai người đều có cái lý, nhưng phản ứng liên quan đến sự vụ này là hợp lý, và nên được khuyến khích, ít nhất đảm bảo tính dân chủ và tranh tụng trên nghị trường. Tránh cái tình trạng ‘quyết sai thì dân chịu, phát ngôn sai thì dân gánh’ như hàng trăm trường hợp của các vị đại biểu trong nhiều năm trở lại đây.
Vấn đề mà bài viết đặt trọng tâm chính là việc, người dân có sự quan tâm rất lớn đối với lực lượng công an và đặc biệt quan tâm đến những sai phạm liên quan đến lực lượng này nhất là sự lưu tâm của người dân đối với ý của ông ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề ra: tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ cơ quan điều tra trong việc này.
Việc kiểm soát thái độ phục vụ và cách hành xử của lực lượng công an là một trong những nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Điều này phần nào được thể hiện rõ nét qua việc, bức xúc của người dân đối với những cái chết vô cớ trong đồn hay tình trạng nhũng nhiễu của lực lượng công an trong một số lĩnh vực nhất định.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân vào cuối ngày 3.11, đã nhấn mạnh rằng: Điều đó làm cho người dân không còn yên tâm, thiếu sự tin cậy với lực lượng chấp pháp từng được dân tin yêu, với 6 lời thề như khắc vào đá; lực lượng được quan tâm, ủng hộ, trang bị… để giữ cho dân yên, giờ lại là nỗi ám ảnh của người dân?
Thực tế cho thấy, xã hội Việt Nam đang hình thành những đặc trưng rất riêng liên quan đến vị trí đẳng cấp, trong đó, có những ngành nghề tạo nên đẳng cấp cao trong xã hội, và những đẳng cấp còn lại là đẳng cấp chịu thiệt trong xã hội, những đẳng cấp hoàn toàn không hề có một tiếng nói hoặc tiếng nói mang tính yếu ớt. Cũng chính vì lý do đó mà, khi ông Nguyễn Phú Trọng cải tổ bộ máy công an, trong đó đưa một số lãnh đạo cấp cao của lực lượng này ra trước vành móng ngựa, thì người dân đã đón nhận một cách hồ hởi. Nói cách khác, uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng lên nhanh, là chính vì nhờ ông Trọng đặt tay vào trong bộ máy công an và chấn chỉnh nó.
Một lãnh đạo, hay một vị ĐBQH, hoặc thậm chí một vị luật sư nhân quyền có thể thu hút ‘phiếu cử tri’ (nhân tâm) khi họ dám đặt sinh mạng hoặc sinh mạng chính trị của mình để đối diện với lực lượng công an. Đây không phải là một hình thức nói quá, mà nó đã đang và vẫn diễn ra ở những nước mà công an trở thành nòng cốt trong bảo vệ thể chế, chế độ. Và cũng chính trong bối cảnh này, mới sản sinh ra cụm từ ‘kiêu binh nổi loạn’ dùng để đặc tả sự lạm quyền lực trong lực lượng công chính tại những nước chỉ 1 đảng lãnh đạo nhà nước.
Quay lại với xu hướng quan tâm của người dân, không phải đến tháng 11 này người dân mới thực sự quan tâm đến công an, mà khi Mẹ Nấm – người từng đưa ra bản báo cáo liên quan đến những cái chết trong đồn bị bắt, cũng nhận được sự quan tâm rất lớn, một trong số đó có lẽ xuất phát từ chính việc Mẹ Nấm đã chạm vào cái quyền lực tưởng chừng như bất khả xâm phạm của đội ngũ công an nhân dân. Một đoạn miêu tả ngắn được cho là của Mẹ Nấm được lưu giữ lại trên mạng internet như sau: ‘năm của các anh’ đi từ bấm huyệt, khiêng người, lùa dân, đá thúng, đạp mặt, tạt mắm tôm, dầu nhớt, sơn đỏ, và cả a-xít… Còn blogger Phạm Đoan Trang khái quát bằng cụm từ: công an trị.
Người dân sẽ tiếp tục quan tâm và vẫn tồn tại nhu cầu chế ngự quyền lực của lực lượng công an, chừng nào lực lượng này vẫn ‘còn đảng, còn mình’. Bởi khi quyền được nói và thông tin được mở rộng cùng với công cụ mạng xã hội, thì đồng lúc ấy, người dân mong muốn quyền được sống và quyền được tôn trọng những quyền cá nhân của mình sẽ hiện diện nhiều trong đời sống thường nhật thay vì bị tước đoạt một cách vô cớ. Mặc khác, nhu cầu kiểm soát quyền lực đối với lực lượng công an cũng hàm ý mong muốn ngăn chặn sự ‘hoen ố hình ảnh đẹp của CAND’ trong mắt họ, trong đó, kỳ vọng mỗi công an viên phải ‘nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật pháp luật của Nhà nước; Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.’.
Trở lại với phát biểu nêu trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục gây cảm tình với người dân. Và không ít quan điểm cho rằng, điều này là cần thiết, mặc khác, họ bày tỏ sự không đồng tình với việc Bộ Công an yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính và xin lỗi, vì điều này là không hợp lí. Theo Facebooker Phạm Việt Thắng, ‘vì đây là ý kiến chất vấn, nôm na là nêu câu hỏi để bộ trưởng trả lời. Nếu số liệu đại biểu Nhưỡng đưa ra mà sai, thì Bộ trưởng Tô Lâm có quyền “cải chính”, nói rõ cho Quốc hội và cử tri được biết.’
Rõ ràng, một ý kiến chất vấn tưởng chừng như đơn giản, phổ dụng tại các nước văn minh, nhưng tại Việt Nam – lại trở thành một câu chuyện nóng và có phần dị đoản.
Trong một diễn biến có liên quan, trong chia sẻ cuối ngày 3.11 tại Facebook cá nhân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng tái khẳng định: Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa.
Ý chỉ, những gì ông đề cập đến sai phạm trong ngành công an là không sai!
Leave a Comment