Quảng Cáo

Từ Thủ Thiêm đến Sóc Sơn

Quảng Cáo

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Kể từ ngày đặt chân vào thời kỳ gọi là đổi mới, những người cộng sản cầm quyền chợt nhận ra rằng đất đai mặc dù thuộc “sở hữu toàn dân” nhưng là nguồn lợi vô tận dành riêng cho cán bộ đảng các cấp.

Họ “tâm đắc” với chân lý ấy nhờ vào câu thần chú “thống nhất do nhà nước quản lý” kèm theo, mà nhà nước ở đây không ai khác hơn là các bí thư đảng cộng sản và chính quyền từ tỉnh thành đến huyện xã.

Chính vì thế, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn được hình thành trên một diện tích đất 760 ha, bỏ qua ý kiến của các chuyên viên và quyền lợi dân cư. Dự án không đặt trên nền tảng phát triển đô thị bền vững, hợp lý cũng như không dự kiến được hậu quả của kế hoạch giải toả một vùng dân cư rộng lớn. Thế nhưng nó đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt từ năm 1996 vì mục đích tốt đẹp “quốc kế dân sinh” của đảng đề ra trên giấy.

Để làm được điều này, chính quyền cộng sản đã thực hiện việc giải toả gần như toàn bộ khu vực bán đảo Thủ Thiêm, nơi sinh cơ lập nghiệp ổn định của 14.600 gia đình với hơn 60.000 người. Cái “siêu dự án” ấy chưa biết phục vụ người dân Thủ Thiêm tốt đẹp tới mức nào nhưng trước mắt đã đẩy người dân ra khỏi nơi sinh sống lâu đời của họ với mớ tiền đền bù rẻ mạt.

Theo thời giá năm 2009 người dân bị giải toả được đền bù trên 18 triệu đồng/m² trong khi các chủ đầu tư có đất “đã bán lại với giá 350 triệu đồng/m².” Chuyện bất hợp lý này tồn tại dưới ánh sáng mặt trời, thách thức hàng trăm ngàn người dân bị cưỡng bách ra đi trong nước mắt.

Nhưng đó chưa phải là điều trớ trêu duy nhất khiến người dân mất đất, mất nhà biến thành hàng đoàn dân oan khiếu kiện suốt 20 năm từ Sài Gòn đến Hà Nội. Mà vì những lợi ích mờ ám nhưng to lớn khác của lãnh đạo thành phố, năm 2005 Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Đua lúc ấy đã ngang nhiên ký một quyết định khác “thay thế” quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thay đổi hầu hết những gì đã được phê duyệt trước đó.

Tại sao phải thay thế quyết định cũ bằng một quyết định mới? Mục đích gian trá của những “đày tớ dân” lúc ấy là lấy cho bằng được 160 ha đất tái định cư giao cho các chủ đầu tư, một cuộc trao đổi thật béo bở đã diễn ra giữa thành phố và hệ thống kinh doanh đất đai, mang về cho các quan tham hàng tỷ đô-la.

Đồng thời họ phù phép để kéo vào diện giải toả một số diện tích nằm ngoài khu quy hoạch ban đầu. Rồi hô hoán lên là mất bản đồ quy hoạch kèm theo quyết định của ông Võ Văn Kiệt để người dân bị hại không có bằng chứng khiếu nại đất của mình bị chiếm đoạt vô pháp luật.

Vụ án cướp đất kéo dài 20 năm mới có được một bản kết luận của thanh tra chính phủ vào tháng 9/2018. Nhưng thay vì tập trung giải quyết hợp tình hợp lý những mất mát của người dân và truy xét để xử tội những kẻ lạm dụng quy hoạch để chiếm đất dân thì chính quyền thành phố ít nhất 2 lần bày trò hề “lấy làm đau xót… xin lỗi” trong mục đích xoa dịu sự phẫn nộ để tiếp tục lừa gạt dân oan.

Một chiếc dép phẫn nộ bay lên giữa cuộc họp của HĐND ngày 20/10/2018 tuy không trúng vào ai trên bàn chủ toạ nhưng đã làm vỡ mặt một chế độ gian trá kéo dài quá lâu trên đất nước.

Trong khi vụ Thủ Thiêm chưa biết bao giờ giải quyết xong thì Miền Bắc bùng nổ vụ Sóc Sơn. Là một huyện ngoại thành mới thành lập phía Bắc Hà Nội, Sóc Sơn nổi lên như một vị trí lý tưởng với những khu rừng phòng hộ thuộc tỉnh Vĩnh Phú cũ. Nó nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của những tay nhà giàu mới phát lên nhờ cơn lốc kinh tế thị trường hoang dã.

Nhờ sự đồng loã tiếp tay của chính quyền thành phố Hà Nội, giới “tinh hoa đỏ” đã tung tiền ra và núi rừng Sóc Sơn bị công khai xẻ thịt, buôn bán như một món hàng không vốn. Không mấy chốc, đã có tổng cộng 229 biệt thự sang trọng xẻ từ đất rừng nhanh chóng mọc lên, được chính quyền cấp sổ đỏ một cách hợp pháp.

Rõ ràng đây là hành vi phi pháp, do sự cấu kết của các cán bộ chức quyền với các ông trùm kinh doanh địa ốc và giới nhà giàu mới. Chuyện sử dụng đất rừng bừa bãi để xây biệt thự ở Sóc Sơn đã có từ năm 2006 thế nhưng không ai dám đụng đến. Lý do các cấp chính quyền từ xã, huyện đến thành phố đều là những cán bộ nhà nước giỏi nghề ngậm miệng ăn tiền hơn bảo vệ của công.

Chuyện trớ trêu là trong khi tình hình Sóc Sơn đang im ắng thì trên mạng xã hội lại bùng nổ vụ 2 vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh-Anh Quân lên tiếng bênh vực chủ trương của TP.HCM xây nhà hát giao hưởng nằm trong dự án Thủ Thiêm. Chẳng những dư luận xã hội đồng loạt đả kích mà cô ca sĩ này còn bị chiếu tướng căn biệt thự sang trọng ở Sóc Sơn mà nhiều người nói nó được xây lên trong đợt xẻ núi phá rừng trước đó.

Từ đó câu chuyện xẻ thịt đất rừng ở hai xã Minh Phú và Minh Trí thuộc huyện Sóc Sơn dần dần được lôi ra ánh sáng với những chi tiết không ngờ. Ngoài 229 biệt thự đã được cấp sổ đỏ còn hàng trăm căn khác đang gấp rút hoàn thành như chạy đua với thời gian. Tuy nhiên chủ nhân của những biệt thự nguy nga tráng lệ ấy là một điều bí mật đối với dân địa phương.

Một ông thôn trưởng cho rằng “chỉ có chính quyền xã, huyện là nắm rõ chủ nhân thực sự của chúng là ai… còn người dân trong thôn thì chịu thôi”. Nói đúng ra dân chỉ biết những lâu đài ấy là của giới nhà giàu, có thể là của cán bộ đảng viên nhờ vợ nuôi heo, con chạy xe ôm, chồng buôn chổi đót nên tích góp được tài sản lớn lao. Bây giờ họ bỏ tiền ra về đây mua một ít đất rừng xây nhà làm nơi hưởng thụ sau hàng chục năm phục vụ đảng, làm đày tớ dân. Đất rừng là đất công, nhưng cán bộ dám xẻ thịt bán thì họ dám mua. Bằng chứng là lâu đài của họ nay đã được cấp sổ đỏ.

Khác với những người mới đến Sóc Sơn mang theo không khí hưởng thụ, từ lâu người dân nghèo ở địa phương hai xã Minh Tân và Minh Trí chỉ cần một sai phạm nhỏ về đất đai họ cũng bị chính quyền kiểm tra, xử phạt tới nơi tới chốn. Còn đối với những chủ nhân ông những lâu đài tráng lệ chiếm dụng đất rừng hiện nay thì luật pháp làm ngơ.

Lần này trước phản ảnh của dân chúng và báo chí, ngày 22/10 vừa qua Hà Nội quyết định mở cuộc thanh tra toàn diện việc sử dụng đất rừng trong phạm vi hai xã Minh Trí và Minh Phú thuộc huyện Sóc Sơn. Đây là cuộc thanh tra lần thứ hai nhưng người ta thấy rồi nó cũng giống như cuộc thanh tra lần trước của Thanh tra Chính phủ năm 2006. Sau 12 năm Sóc Sơn và Hà Nội sẽ còn họp bàn tìm giải pháp “xử lý”. Chuyện Sóc Sơn đề nghị đình chỉ chức vụ của chủ tịch xã Minh Phú Nguyễn Văn Hân xem ra chỉ là việc đem con dê tế thần nhỏ bé ra làm trò hề. Một mình chủ tịch xã Hân làm sao đủ quyền lực làm chuyện tày trời dời núi phá rừng nếu không có sự đồng lõa của hệ thống chính quyền cấp cao hơn.

Rõ ràng là xã hội Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều ngòi nổ có thể bộc phát bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Đó là cái giá của hơn 30 năm đổi mới và phát triển bừa bãi mà ngày hôm nay đảng CSVN phải trả.

Từ Thủ Thiêm đến Sóc Sơn và nhiều nơi khác, sự bùng nổ của những ngòi nổ này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phạm Nhật Bình

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux