Tân Phong – Web Việt Tân
Cuối cùng, sau những màn hài kịch nâng lên đặt xuống, giới thiệu, đề cử, ứng cử, bầu cử… của một nhóm những kẻ tiếm danh và mạo danh là “đại biểu nhân dân”, “bậc nhân kiệt” Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành tân chủ tịch nước thay thế người tiền nhiệm vắn số Trần Đại Quang. Chẳng phải đợi mồ ông Quang xanh cỏ, qua 100 ngày như truyền thống tâm linh của người Việt, và dù cho cuộc đua tranh vào cái ghế chủ tịch nước chẳng có ai khác ngoài ông Trọng, nhưng việc “chính danh” cho ông Đảng trưởng trở thành tân chủ tịch nước, nắm trọn quyền lực quân đội, ngoại giao và chỉ đạo toàn diện “đường lối”… vẫn vô cùng cấp bách.
Quốc hội nhà nước CSVN khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã khẩn trương tiến hành những qui trình để hợp thức hóa cho một sự lựa chọn duy nhất. Dàn hợp xướng của hơn 800 tờ báo cách mạng và đội ngũ DLV đông đảo, sau gần 1 tháng “định hướng dư luận” với những bài “bốc thơm, bốc thối” không thể trơ trẽn hơn, ca ngợi ông Trọng như một sự “lựa chọn của lịch sử, lựa chọn của nhân dân” và quá trình nhất thể hóa chức danh chủ tịch nước với tổng bí thư đảng cộng sản như một phương án chính trị tối ưu… Lý do được nhắc lại nhiều lần về tính “chính danh” cho vai trò người đại diện quốc gia và vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản dường như là một “yêu cầu cấp bách”. Nhưng vấn đề thực chất việc Nhất thể hóa và “chính danh” cho cái gì và tại sao lại diễn ra ở thời điểm hiện tại thì cần phải làm rõ.
Câu chuyện bầu bán ghế bàn ở xứ cộng sản vừa bi, vừa hài, vừa kỳ lạ như chuyện “ông vua cởi truồng” của Andersen nhưng không kém phần tàn bạo, đẫm máu với những cuộc sát phạt chết chóc âm thầm đằng sau tấm phông nền Đoàn Kết và “tình đồng chí anh em”. Những chính trị gia cộng sản quyền uy một tay che trời một thủa như Nguyễn Bá Thanh, Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh và cả ông chủ tịch quá cố Trần Đại Quang… bỗng nhiên bệnh nặng, biến mất, hoặc tù tội cứ như những vai diễn trong một vở tuồng.
Việc các vị xuất hiện, hò hét ra sao, khóc cười thế nào, đóng vai Ác hay Thiện, sống chết ra làm sao… tuyệt nhiên do một tay “ông đạo diễn” bí ẩn quyền uy tối thượng sắp đặt. Sân khấu chính trị ở xứ Việt vừa chứng kiến một loạt những biến chuyển to lớn, sau 2 cuộc “hạnh phúc của một tang gia” đủ mọi cung bậc ái, ố, hỉ, nộ.
Những bố già khuynh đảo nền chính trị suốt nhiều thập kỷ phía sau hậu trường như Đỗ Mười, Lê Đức Anh lần lượt kẻ thì về Diêm phủ, kẻ thì chờ ngày công bố tang điếu và cả ông cố chủ tịch “lá xanh rụng trước lá vàng”, làm cho “cơ cấu quyền lực” một phen “lộn tùng phèo”. Giờ đây, không hề còn tồn tại bất cứ kháng lực hay bất đồng quan điểm nào hết, một sự đồng thuận đến 99,79% – con số tỷ lệ “nhất trí rất cao” ưa thích của các nhà độc tài – những “ông vua cởi truồng” trong một thời đại mà những giá trị Dân chủ, Nhân quyền, Tự do và khai phóng… ngày một trở thành phổ quát.
Không hề có cuộc bầu cử công khai cho đại đa số người dân có quyền lựa chọn những tinh hoa thực sự được tự do ứng cử hoặc được đề cử bởi các đảng phái chính trị như ở các quốc gia dân chủ theo mô hình Tam quyền phân lập.
Sau vài chiêu trò PR báo chí, truyền thông theo kiểu “cưỡng hiếp ngôn luận”, Lịch sử và Nhân Dân bị đảng cộng sản đè nghiến ra “nhét chữ vào mồm”, để tiếp tục tiếm danh và mạo danh như họ vẫn làm suốt 73 năm qua. Một cuộc bỏ phiếu kín như băng đảng mafia được thực hiện trong bối cảnh “cưới chạy tang” khi liên tiếp những “Lão đại” đi gặp Mao, Hồ… để rồi sau nhiều “qui trình làm việc dân chủ, nghiêm túc, công khai” như luận điệu thường nghe, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành nguyên thủ nắm giữ song trùng hai chức vụ đảng trưởng và chủ tịch nước.
49 năm kể từ ngày ông Hồ chết, việc Nhất thể hóa hai chức vụ này tái hiện nhưng trong bối cảnh địa chính trị thế giới đã khác nhiều và chưa bao giờ cái “uy tín” của đảng cộng sản trước người dân cũng như trên trường quốc tế lại lung lay đến tận gốc rễ như lúc này kể từ 30/04//1975.
Nếu xét việc làm của ông Trọng trong suốt quá trình nắm giữ các vị trí quyền lực trong quốc hội, đảng trưởng thì ngoài việc sắp xếp nhân sự, “đốt lò”, “diệt hổ, diệt ruồi” trong cuộc thanh trừng phe phái dưới chiêu bài “chống tham nhũng” thì đích nhắm Nhất thể hóa quyền lực đảng với quyền lực Nhà nước là một nỗ lực không ngừng nghỉ và bất chấp mọi giá để đạt được mục tiêu.
Còn nhớ, việc Hà Nội chấp nhận chi đậm cho Podesta Group trong thời gian 2 năm (12/2013-12/2015) để lobby giới chức Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam và cuộc tiếp xúc giữa ông Trọng với tổng thống Obama vào tháng 7/2015 được CSVN coi là một “thành qủa ngoại giao to lớn” khi ông Trọng là tổng bí thư đảng cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà trắng dù với nghi thức ngoại giao hết sức khiêm tốn.
Nhà nước cộng sản Việt Nam đã chi nhiều tiền cho việc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 và coi đây là cơ hội để khuếch trương “vị thế”. Dù rằng, chỉ là một cuộc “mua pháo cho… Trung Quốc đốt”, nhưng việc mà ông Trọng chụp ảnh cùng với tổng thống Donald Trump khi vị tổng thống Mỹ mới đắc cử đến chào xã giao ông ta cũng được coi là “thắng lợi ngoại giao” rất đỗi tự hào?
Dù không có vai trò gì trong WEF ASEAN 2018 nhưng người ta thấy ông tổng bí thư chen chân chụp ảnh, bắt tay, tiếp đón các vị nguyên thủ trong hội nghị bên cạnh ông thủ tướng “cờ lờ mờ vờ” có bộ dạng giống như một anh hề mới thấy hết sự sốt sắng của ông Tổng mong muốn sớm tiếp quản vị trí nguyên thủ từ người tiền nhiệm xấu số Trần Đại Quang như thế nào.
Nếu các đời tổng bí thư trước đó chỉ loay quanh giao thiệp với các nước có cùng hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa như Trung Quốc, Triều Tiên, Venezuela, Cuba, thì ông Trọng lại nỗ lực chủ động tiếp xúc với các nguyên thủ các nước phương Tây như Obama, Macron, Donald Trump cho dù chỉ qua những kênh ngoại giao không chính thức và thậm chí bằng cả những chuyến đi kết hợp thương mại của doanh nghiệp như chuyến thăm Pháp hồi tháng 3/2018 với sự tài trợ của FLC trong thương vụ hợp đồng “hoành tráng” mua nhiều máy bay A321.
Có thể nói, ông Trọng đã chơi “pressing” trên mặt trận ngoại giao (lấn sân chủ tịch nước và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao) suốt nửa đầu nhiệm kỳ thứ 2, bất chấp mọi “chi phí” với những kết quả thu được rất hạn chế, mục đích chính là dành giật sự nhìn nhận vai trò nguyên thủ thay vì chỉ là một đảng trưởng. Việc giờ đây khi ông Trọng chiếm lĩnh cả hai chức vụ sẽ dễ dàng cho mục đích của ông ta. Rất có thể thời gian tới, sân khấu chính trị Việt Nam trở thành nơi diễn tuồng độc thoại.
Điều cần quan tâm rằng khi đã hợp nhất quyền lực đảng và quyền lực nhà nước vào làm một, thì ông Trọng sẽ sử dụng quyền năng to lớn đó cho mục đích gì, ngoài việc “đốt lò”? Đại đa số người dân chỉ nhìn thấy những kết quả chống tham nhũng của ông Trọng mà quên rằng chính ông ta là người ký kết một loạt các văn kiện “hợp tác toàn diện” trái luật và vi hiến nghiêm trọng với Trung cộng trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu từ tài chính, ngân hàng, ngoại giao, đào tạo cán bộ, biên phòng, hải quan, hiệp định can thiệp hỗ trợ an ninh… mà cụ thể nhất là 12 văn kiện và 7 văn bản ghi nhớ được ông ta ký với người đồng cấp Tập Cận Bình ngày 12/11/2017.
Trên cương vị đảng trưởng của đảng cầm quyền, ông Trọng đã chỉ đạo áp đặt gián tiếp rất nhiều các lĩnh vực không thuộc quyền quản lý chuyên môn, bất chấp hậu quả như việc cho phép sử dụng đồng NDT ở bảy tỉnh biên giới bằng thông tư 19 của NHNN…
So sánh với 4 đời tổng bí thư từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh thì thời kỳ Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư là thời kỳ mà Việt Nam lún nhanh và lún sâu, phụ thuộc Trung Quốc nhiều nhất.
Người ta có thể không mấy khó khăn nhìn nhận thấy sự nhân nhượng đớn hèn của đảng cộng sản Việt Nam với những tội đồ như Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu trong giai đoạn từ 1988 với sự kiện Gạc Ma kéo dài tới khi kí kết hiệp định phân định biên giới Việt Trung. Với quá trình nói trên đã dẫn đến việc Việt Nam mất tới 21.140 km2 trên đất liền (theo số liệu biểu đồ theo dõi về diện tích lãnh thổ các quốc gia của World Bank) và chủ quyền nhiều quần đảo ngoài Hoàng Trường Sa, hàng trăm ngàn km² biển ở cửa vịnh Bắc Bộ và thậm chí các mỏ dầu khí nằm ngay trên thềm lục địa Việt Nam như ở bãi Tư Chính, Vũng Tàu hay Cá Voi Xanh ở Quảng Ngãi…
Tuy nhiên, ít ai thấy những nhượng bộ to lớn hơn nhiều và sẽ gây hậu quả khôn lường từ các hiệp định kinh tế, văn hóa, chính trị, tài chính, quân sự dưới cái khung “16 chữ vàng, 4 tốt” được ông Trọng cụ thể hóa và đẩy nhanh tiến trình Hán hóa với tốc độ và mức độ bằng cả 4 đời tổng bí thư trước đó cộng lại.
Chẳng thế, mà trong cuộc gặp gỡ với Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung cộng Triệu Lạc Tế vào ngày 27/09/2018 tại Hà Nội, ông Trọng đã nhấn mạnh những “thành tựu” trong quan hệ ngoại giao hai nước Việt Trung và ca ngợi đây là “thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử bang giao giữa đôi bên” như một sự khẳng định “vai trò tích cực và cống hiến” của bản thân ông trên cương vị đảng trưởng trong việc “xây đắp tình hữu nghị Việt Trung”. Điều này, hẳn là một giá trị đảm bảo cho ông Trọng không những vững ngôi đảng trưởng mà tiếp tục kiêm nhiệm chiếc ghế Chủ tịch nước vào ngày 23/10/2018, tức sau đó 1 tháng.
Cho đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng có thể nói là nhà lãnh đạo cộng sản duy nhất dành được tất cả các danh hiệu, tước vị, chức vụ cao nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ điều mà ông ta quên mất việc chính danh cho một đảng phái hay chính danh cho một cá nhân không phụ thuộc vào những chức vụ, tước hiệu mà ông ta khoác lên mình.
Chẳng phải những Saddam Hussein, Nicolae Ceaușescu, Gaddafi… cũng đều là những lãnh tụ tối cao, “cha già dân tộc” đó sao? Câu hỏi là làm sao cả một thể chế chính trị tiếm danh và mạo danh Nhân dân có thể tạo ra những giá trị Chính Danh và chính danh cho cái gì?
Trong một bối cảnh địa chính trị thế giới hoàn toàn thay đổi, khi người Mỹ bừng tỉnh và một tổng thống Donald Trump đầy quyết đoán đã xác định rõ những tội ác và đau khổ cho con người là do thứ chủ thuyết Cộng sản gây nên, đồng thời kêu gọi toàn thế giới chống lại những chế độ độc tài vẫn tồn tại thứ chủ nghĩa dung dưỡng cho bất công, vô nhân tính, tham nhũng và chống lại những giá trị phổ quát của loài người. Việc tiếp tục gắn kết với một Trung cộng đang phân rã trong cuộc chiến toàn diện Mỹ Trung, có lẽ sẽ chính danh được điều duy nhất rằng ông ta là kẻ độc tài cộng sản cuối cùng đưa Việt Nam một lần nữa rơi vào vòng lầm than nô lệ.
Tân Phong, ngày 23/10/2018
Leave a Comment