Trân Văn – VOA
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt kế hoạch cử 80 viên chức trong hệ thống công quyền của thành phố này đi tu nghiệp tại University of California – Riverside (UCR) (1).
Theo kế hoạch vừa kể, 80 viên chức được chọn sẽ chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm sẽ đến UCR học trong hai tuần để “nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ”. Tổng chi phí cho kế hoạch cử viên chức đi tu nghiệp ngắn hạn này là 10,3 tỉ đồng.
Ý tưởng cử 80 viên chức sang Mỹ tu nghiệp ngắn hạn tại UCR đã được giới thiệu rộng rãi từ tháng 7 và bất chấp chỉ trích từ công chúng, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ – nơi đại diện cho nguyện vọng, ý chí của dân chúng thành phố Cần Thơ – vẫn nhất trí.
***
Hiếu học, ham hỏi, nghiên cứu để đối chiếu – phân tích – điều chỉnh không chỉ rất tốt mà còn rất cần nhưng ở Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã biến “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” nước ngoài thành một vấn nạn và dân chúng hễ nghe là nổi giận.
Cách nay vài tháng, Thanh tra của chính phủ Việt Nam công bố kết quả một cuộc khảo sát về chuyện viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đi ngoại quốc để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm”…
Chỉ tính từ 2012 đến 2016, công khố đã xuất ra 1.004 tỉ đồng cho 42.000 lượt viên chức một số bộ, ngành (Tài chính, Công Thương, Thông tin – Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước) và 206 tỉ đồng cho 10.900 lượt viên chức một số tỉnh (Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang) đi ngoại quốc để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm”. Tuy ngân sách eo hẹp, năm nào cũng phải vay thêm tiền để chi tiêu nhưng viên chức đi ngoại quốc “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” luôn được bao trọn gói (đi lại, ăn ở, phiên dịch, điện thoại), kể cả chu cấp tiền… tiêu vặt (2).
Có một điểm cần lưu ý là những số liệu vừa nêu tuy lớn nhưng chỉ mới tính trong phạm vi bốn bộ, ngành và sáu tỉnh của bốn năm. Nếu tính đủ 22 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trực thuộc chính quyền trung ương, tính thêm chi phí đi “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” của hệ thống chính trị (Đảng CSVN, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS, Liên đoàn Lao động, các hội như Liên hiệp phụ nữ,…) từ trung ương tới địa phương ở nước ngoài trong mười năm gần đây, chắc chắn tổng chi phí sẽ vượt mức đã biết, tối thiểu cũng phải mười lần.
Hàng chục ngàn tỉ, thậm chí có thể là hàng trăm ngàn tỉ đã chi cho đủ loại viên chức thuộc đủ mọi ngành, cấp để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài có đem lại lợi ích nào không? Cứ nhìn thực trạng kinh tế – xã hội ở Việt Nam thì rõ.
Làm sao “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài có thể đem lại hiệu quả tích cực khi càng “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài nhiều thì phá càng tợn? Chẳng hạn như ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, trong hai năm 2013 và 2014, mỗi năm, ông Hoàng dùng hơn một nửa thời gian để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài và gần như “đại dự án” nào của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty dưới quyền của ông cũng thành “đại án.
Làm sao dân chúng Việt Nam có thể có thiện cảm với chuyện viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lũ lượt dắt díu nhau đi nghiên cứu – học hỏi ở nước ngoài khi gần như đoàn công tác nào cũng có những thành viên kiểu như tài xế lãnh đạo (4), vợ lãnh đạo (5), thậm chí toàn là viên chức chờ về hưu (6), hoặc mới nghỉ hưu (6)?
Chưa kể “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài đã trở thành vỏ để bọc hối lộ, che tham nhũng. Chuyện một số tập đoàn ngoại quốc, tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tài trợ cho các viên chức thuộc đủ mọi ngành, cấp đi “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài, theo sau đó là những quyết định bán rẻ công thổ, công sản, lợi ích quốc gia, dân tộc đã trở thành phong trào. Tuy đạo đức công vụ bị biến thành trò hề nhưng đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn xem đó như một hình thức “đãi ngộ” nên chẳng làm gì cả.
Khi công bố kết quả cuộc khảo sát về chuyện viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đi ngoại quốc để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” trong bốn năm từ 2012 đến 2016, Thanh tra của chính phủ Việt Nam chỉ ghi nhận, bốn bộ, ngành và sáu tỉnh mà cơ quan này ghé mắt nhìn vào “không có nơi nào theo dõi, tổng hợp số liệu tài chính ngoài ngân sách được dùng để chi trả cho các đoàn ‘nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm’ ở nước ngoài” chứ không đề nghị giải pháp xử lý nào hết!
***
Chắc chắn chẳng thái quá chút nào nếu khẳng định, “tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài” là biến tướng của “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài, sau khi “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” ở nước ngoài trở thành đáng hổ thẹn.
80 viên chức của thành phố Cần Thơ sẽ học được gì để “nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ” trong vỏn vẹn… hai tuần? Nếu hệ thống công quyền ở thành phố Cần Thơ thật sự cần những viên chức có “kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ” được đào tạo ở nước ngoài, tại sao không tuyển dụng và sử dụng những cá nhân đã từng được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách?
Các đề án phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo như Đề án 322 (từ 2000 đến 2010, lấy khoảng 2.500 tỉ từ công quỹ để trả chi phí đào tạo cho khoảng 4.600 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài) đã sử dụng được bao nhiêu người vào những việc “ích quốc, lợi dân”? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thể dung nạp những cá nhân mà chính họ tuyển chọn, cử đi nước ngoài học hành cho đúng bài bản (8), không thèm ngó tới những thạc sĩ, cử nhân tự túc du học ở nước ngoài và thất nghiệp từ lúc quay về Việt Nam tới nay thì chi thêm 10,3 tỉ cho 80 cá nhân tu nghiệp trong vỏn vẹn hai tuần có bình thường không?
Nếu “kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ” cần được nâng cao bằng cách học hỏi nước ngoài thì tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không mời những tiến sĩ, thạc sĩ đã đi học ở nước ngoài, hiện ở Việt Nam và trước nay “thiếu đất dụng võ”, phải bỏ các viện nghiên cứu, trường đại học để đi làm mướn – đến dạy dỗ (10)? Chẳng lẽ tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài trong hai tuần hiệu quả hơn ư?
Với tư duy theo kiểu “không có tượng đài, quảng trường là… thiệt thòi so với cảc tỉnh, thành khác”, Cần Thơ vừa mở ra một con đường mới, ít nhất là cho viên chức của hệ thống công quyền các tỉnh, thành tiếp tục đi ra nước ngoài với lý do mới – tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài để “nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ”, ít điều tiếng hơn “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm” nước ngoài.
Cần Thơ đã làm thì tội gì không theo!
Trong quá khứ, đã có một Tiền Giang cử Thanh tra, viên chức ngành công an, viên chức ngành y tế đi nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm tổ chức… xổ số ở Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (11)… thì tất nhiên phải có một Bình Thuận cử Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư một huyện miền núi đi… “tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng ven biển” ở Đức thôi (12)!
Với khả năng sáng tạo của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, không ai có thể dự đoán sau tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài để “nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ” kiểu Cần Thơ sẽ là gì, vì chỉ có họ mới… nghĩ ra được. Có lẽ đã tới lúc, dân chúng Việt Nam nên nói thẳng với những công bộc của mình: Ái quốc thì đừng… “học”, thương dân thì đừng… “nghiên cứu” để nước đỡ tàn, dân đỡ mạt.
Chú thích
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-10-ti-dong-di-hoc-phai-biet-quy-tien-dan-637268.ldo
(4) http://soha.vn/xa-hoi/vu-da-nang-cho-tai-xe-di-3-nuoc-sai-ro-rang-roi-20151104165333945.htm
(5) https://news.zing.vn/ca-mau-rut-ten-vo-chu-tich-tinh-khoi-doan-cong-tac-nuoc-ngoai-post875325.html
(8) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/doan-ket-buon-cua-de-an-322-72895.html
(9) https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thac-si-cu-nhan-o-nuoc-ngoai-ve-van-that-nghiep-nhu-thuong-543251.vov
(10) https://www.thesaigontimes.vn/68260/Nhung-van-de-dat-ra-tu-De-an-322.html
(11) https://nld.com.vn/thoi-su/can-bo-tien-giang-xuat-ngoai-nhu-di-cho-20170912222340174.htm
(12) http://plo.vn/do-thi/cho-bi-thu-binh-thuan-tri-can-bo-xuat-ngoai-bang-tien-dn-782782.html
Leave a Comment