Phạm Chí Dũng – Người Việt |
Vẫn giấu biệt số kiều hối
Khi Tháng Chín năm 2018 đã qua, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được công bố về kết quả kiều hối trên bình diện tổng thể quốc gia mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “hút” được từ gần 4 triệu “khúc ruột ngàn dặm” ở hải ngoại.
Năm 2017 cũng chẳng có con số tổng hợp nào của Tổng Cục Thống Kê về “tình hình kiều hối trên cả nước,” thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn – một thị trường được xem là “truyền thống.”
Tâm thế im ắng quá bất thường như thế là hoàn toàn trái ngược với những năm trước.
Trái ngược với hiện tượng “trùm mền” trên là năm 2015. Vào năm đó, lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục $13,5 tỷ, Tổng Cục Thống Kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng Cục Thống Kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu Tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc Tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về “thành công của Nghị Quyết 36,” tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình “cống hiến cho quê hương.”
Thay cho sự vắng bóng của những con số thống kê về kiều hối quốc gia, đến Tháng Chín năm 2018 chỉ hiện ra trên mặt báo nhà nước một báo cáo quý 3 năm 2018 của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết Việt Nam là quốc gia thuộc trong Top 10 nước có lượng tiếp nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Kiều hối quan trọng đến thế nào đối với chế độ cộng sản?
Theo đánh giá của UNDP, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bức tranh tài chính tổng thể của một số nước ASEAN. Ở Philippines, kiều hối chiếm tới 17% tổng nguồn tài chính của quốc gia này, trong khi ở Myanmar chiếm 13% và Việt Nam là 12% tổng nguồn tài chính.
Tỷ trọng đóng góp của kiều hối trong GDP của Việt Nam ở mức 6-8% GDP trong giai đoạn 2006-2017, cao hơn nhiều so với các nước phát triển, bình quân chỉ chiếm 1-2% GDP.
Trong đó, dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 55% tổng lượng kiều hối, kế đến là các quốc gia: Úc, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc.
Phần lớn kiều hối được gửi về nước là xuất phát từ Việt kiều (chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp) chiếm 80-90% tổng lượng kiều hối về nước, trong khi đó, kiều hối từ nhóm xuất khẩu lao động chỉ chiếm một phần nhỏ (6-7%).
Theo UNDP, quy mô kiều hối về Việt Nam nhiều hơn gấp 4 lần nguồn vốn ODA trong năm 2016 và tương đương với lượng FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2017.
Nhưng ngay cả ODA cũng là một bi kịch cho Việt Nam.
Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu “ăn đủ, ăn dày” nguồn tiền ODA – viện trợ phát triển chính thức – của thế giới “tư bản giãy chết,” đến Tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu: ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch.
2018, sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay “cấm cửa” vay mượn ODA.
Trong bối cảnh ODA đang cạn kiệt, kiều hối lại càng có giá.
Nhưng vì sao các cơ quan Việt Nam cố giấu diếm công bố về kiều hối của vào năm 2017 và 2018? Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ “kiều bào ta?” Liệu đã xảy ra một “sự cố” đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối năm 2017 và trong 9 tháng đầu năm 2018?
Thống kê và “biến hóa”
Vào năm ngoái, dư luận còn nghi ngờ về cách tính của Tổng Cục Thống Kê đã chuyển từ việc thống kê kiều hối trong năm dương lịch sang… năm âm lịch, tức “tính gộp” lượng kiều hối trong cả năm 2017 với kiều hối trong tháng Giêng năm 2018 với nhau.
Ứng với nghi ngờ trên, việc Tổng Cục Thống Kê và Ngân Hàng Nhà Nước cố ý không công bố giá trị kiều hối 2017 trong năm và cả trong Tháng Giêng năm 2018 là do các cơ quan này nhận thấy nếu công bố, giá trị kiều hối 2017 là quá ít ỏi và sẽ khiến ảnh hưởng tiêu cực đến “thành tích của chính phủ kiến tạo,” do vậy các cơ quan này buộc phải chờ đến thời gian gần tết khi dòng ngại tệ đổ về thì mới “tính gộp” vào kết quả của năm 2017 để số kiều hối 2017 tăng vọt và do đó “đạt thành tích lớn.”
Tất nhiên, Tổng Cục Thống Kê và Ngân Hàng Nhà Nước hoàn toàn có thể “biến hóa” số liệu kiều hối tăng vọt so với thực tế – theo cách mà nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã nghi ngờ “thành tích GDP tăng trưởng 6.7% trong năm 2017” là “giả số liệu.” Tuy nhiên nếu số liệu kiều hối 2017 bị “ma,” Tổng Cục Thống Kê và Ngân Hàng Nhà Nước sẽ phải lý giải thế nào nếu bị công luận và ngay trong giới đại biểu quốc hội đòi hỏi làm rõ từ những nguồn nào, thị trường nào và theo phương cách nào để có được “thành tích kiều hối” như thế.
Cho tới nay, con số chính thức duy nhất về kiều hối của năm 2017 chỉ là Sài Gòn thu hút lượng kiều hối $5,2 tỷ, và khoảng một nửa con số đó cho nửa đầu năm 2018.
Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018: nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 – 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018 sẽ vào khoảng $9 – $9,5 tỷ, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối $9 tỷ về Việt Nam trong năm 2016.
Nhưng nếu tỷ lệ 55 – 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107 va năm 2018, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao?
Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào Tháng Bảy năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ.
Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng $3,6 tỷ. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng $5,4 tỷ, giảm 39,7% so với năm 2016.
Sẽ cạn ngoại tệ cuối 2019?
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 – 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi đô la ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều: trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân Hàng Nhà Nước, Kho Bạc Nhà Nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng đô la dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.
Vỡ nợ chăng?
Leave a Comment