‘Nuôi’ nhà hát giao hưởng bằng tiền thuế của dân chúng?

Bên trong nhà hát giao hưởng Elbphilharmonie tại Hamburg, khán phòng chính 2100 chỗ. Nhà hát có thể định giá một cách cụ thể nhưng môi trường Văn hóa - Nghệ thuật thì có thể là vô giá. Ảnh: md-mag.com
Bên trong nhà hát giao hưởng Elbphilharmonie tại Hamburg, khán phòng chính 2100 chỗ. Nhà hát có thể định giá một cách cụ thể nhưng môi trường Văn hóa - Nghệ thuật thì có thể là vô giá. Ảnh: md-mag.com
- Quảng Cáo -
Trúc Giang – Xuân Sơn (VNTB) 
Chi phí để ‘nuôi’ một nhà hát giao hưởng rất lớn. Bạc ngàn tỷ để xây, và cũng chừng ấy tiền để có thể giúp nhà hát sáng đèn, giúp duy tu bảo dưỡng khối kiến trúc nghệ thuật hàn lâm đó.

Nhìn từ Paris

“Từ trước tới nay, dòng nhạc giao hưởng cổ điển nổi tiếng là kén chọn khán giả, khép kín trong tháp ngà. Đã đến lúc dòng nhạc này mở rộng cánh cửa để đón tiếp công chúng. Chính cũng vì thế mà nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris ngoài việc tiếp đón các dàn nhạc giao hưởng, còn đưa vào trong chương trình các buổi biểu diễn nhạc jazz, nhạc rap, nhạc phổ thông… qua nỗ lực bắt nhịp cầu nối giữa các thể loại âm nhạc khác nhau, ban giám đốc hy vọng thu hút thêm lớp khán giả trẻ tuổi, chứ không phải chỉ có giới sành điệu biết thưởng thức”.
Bài báo trên trang web của đài phát thanh thời sự của Pháp RFI cho biết như vậy [http://bit.ly/2RcauFN]. Theo đó, công trình xây dựng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris từ 263 triệu dự tính ban đầu, đã lên tới 385 triệu euro khi hoàn thành. Dự án Philharmonie de Paris được cho là ra đời vào một thời điểm không thích hợp: lạm phát ngân sách đồng nghĩa với phí phạm công quỹ. Có nhiều ý kiến không chấp nhận vì không hiểu tại sao chính phủ lại chịu tài trợ một công trình quá tốn kém, trong khi ‘túi tiền’ của nhà nước lại rỗng tuếch.
Điều này là bài học nhãn tiền cảnh báo cho những vị đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM vừa giơ tay biểu quyết chấp thuận xây dựng Nhà hát Giao hưởng ở Thủ Thiêm, với vốn xây dựng trên 1.500 tỷ đồng.
Trước đây, từng có thời gian dự án Philharmonie de Paris cũng vấp sự phản đối mạnh mẽ. Các quan chức Paris đã ra sức bảo vệ dự án, khi cho rằng đó không chỉ là nơi hòa nhạc mà là một nỗ lực táo bạo và cần thiết để mang lại cảm xúc mới cho các khán thính giả nhạc cổ điển. Chính phủ của Tổng thống Pháp Francois Hollande dùng khẩu hiệu để bảo vệ các nguồn tài trợ nhà nước và phản bác chỉ trích khi đưa ra câu hỏi: “Ai có thể lập luận rằng trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta không cần âm nhạc?”.
Kết quả ở hôm nay cho thấy những ý kiến phản đối dự án là chính xác. Theo một nhà báo chuyên mảng âm nhạc, thì Philharmonie de Paris lịch diễn trong cả tháng 10 này cũng chỉ có đúng 2 buổi nhạc cổ điển. Tháng 11 còn không có buổi nào, tháng 12 cũng chỉ có 1 buổi. Tổng cộng trong cả 3 tháng cuối năm có… 3 đêm diễn nhạc cổ điển. Giá vé cho một buổi nhạc cổ điển cũng chỉ bằng 1/4 những buổi diễn các loại hình khác, cũng tổ chức tại đây. Và đó là Paris.
Tiền đâu để nuôi nhà hát và giàn nhạc giao hưởng?
Thành lập theo Quyết định số 955/QĐ-UB của UBND TP.HCM, ký ngày 21-6-1993 với tên gọi ban đầu là “Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng”. Ngày 09-9-2006, Nhà hát được đổi tên thành “Nhà Hát Giao Hưởng – Nhạc, Vũ Kịch TP.HCM” (HBSO).
HBSO có biên chế 51 nhạc công, thiếu 20 người như quy định mức tối thiểu 70 nhạc công dành cho dàn dựng những vở nhạc kịch, vũ kịch lớn như “Cây sáo thần”, “Kẹp hạt dẻ”, “Cô bé Lọ Lem”, “Cuộc sống Paris”, “Con dơi”…
Tổng số cán bộ, nhân viên của HBSO là 142 người, trong đó đoàn giao hưởng là: 51, đoàn nhạc kịch: 30, đoàn vũ kịch: 21, có 7 cộng tác viên, nhân sự khối văn phòng. Trụ sở của HBSO đặt tại Nhà hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, quận 1.
Hàng năm ngân sách cấp cho HBSO kinh phí 12 tỷ đồng, trong đó hơn 6 tỷ đồng là trả lương. Nay nếu có một nhà hát giao hưởng, chắc chắn số tiền mà ngân sách phải chi thường xuyên để ‘nuôi dưỡng’ sẽ lớn gấp nhiều lần con số 12 tỷ đồng hàng năm. Bởi với thực trạng ‘da beo’ hiện tại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, đó là chưa kể số diện tích quy hoạch trái pháp luật do chính quyền TP.HCM gây ra vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết, thì việc xây dựng và khai thác một nhà hát giao hưởng là cầm chắc thất bại.
Lý thuyết về kiến trúc mà sinh viên được học ở trường Đại học Kiến Trúc và cả Đại học Xây dựng, là thông thường việc xây dựng nhà hát được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ về cơ sở hạ tầng nơi đó đã ổn định. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center ở New York chỉ được xây khi đô thị này đã ổn về mặt hạ tầng, bệnh viện, trường học đầy đủ. Tương tự là nhà hát mới Opera Bastille được xây dựng khi Paris đã ổn định về nhu cầu hạ tầng xã hội, chứ trước đây họ tận dụng những gì đang có, bao gồm Nhà hát Opera Garnier cũ.
Phải chăng tư duy nhiệm kỳ là nguyên nhân của chuyện Thành ủy TP.HCM ủng hộ việc khởi công vào cuối năm nay dự án Nhà hát Giao hưởng 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm?
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here