Trân Văn – VOA
Nhất thể hóa” (Giao cho một số cá nhân đảm nhận cùng lúc hai vai trò: Vừa lãnh đạo cơ quan của Đảng CSVN – nơi đề ra chủ trương, vừa lãnh đạo cơ quan công quyền, hoặc lãnh đạo các đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đồng cấp – nơi thực thi chính sách) giờ đã trở thành thuật ngữ thời thượng.
Sau khi được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 hồi đầu năm 2016, “nhất thể hóa” được xem như giải pháp nhằm “tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị” và là một trong những “mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2016 – 2020”.
***
Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đang nợ 3,1 triệu tỉ đồng. Trong “Báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018” vừa gửi Quốc hội Việt Nam hồi đầu tháng này, chính phủ Việt Nam ước đoán, đến hết năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ vào khoảng 3,5 triệu tỉ đồng.
Nếu đem khối nợ vừa kể chia cho tổng số công dân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi người sẽ mang khoản nợ khoảng 35 triệu đồng. So với năm ngoái, khoản nợ này đã tăng thêm chừng bốn triệu đồng/người. Các loại thuế, phí đã, đang và sẽ còn tăng khiến vật giá leo thang chủ yếu là để trả một số khoản nợ cũ để vay thêm những khoản mới.
Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng, nợ nần gia tăng không phải do đầu tư hay trả nợ mà vì không kềm giữ được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền).
Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, tính đến hết quý 1/2018, chi thường xuyên chiếm khoảng 76% tổng chi ngân sách.
Trong vòng bốn thập niên, từ 1975 đến nay, tại Việt Nam, số cán bộ, viên chức nhận lương hoặc trợ cấp như lương đã tăng khoảng 6,5 lần. Đáng nói là sau bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy, “tinh giản biên chế”, bộ máy lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ. Cách nay hai năm, Bộ Tài chính Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong mười năm vừa qua, cán bộ, viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không giảm mà còn tăng thêm 1,4 triệu người! Còn cán bộ, viên chức của Đảng CSVN và các tổ chức chính trị – xã hội khác thì tăng hơn ba lần.
Tháng 4 năm nay, Kiểm toán Nhà nước loan báo, tính đến hết 2017, riêng hệ thống công quyền (chính quyền các cấp) thừa 57.000 người. Cho dù nhân lực của hệ thống chính trị ra sao không được công bố song theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện cách nay hai năm thì mỗi năm các tổ chức chính trị – xã hội tại Việt Nam (Đoàn TNCS HCM, Tổng Liên đoàn Lao Động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ,…) ngốn của ngân sách khoảng 14.000 tỉ đồng để trả lương, gấp đôi ngân sách dành cho hai Bộ Y tế và Giáo dục. Nếu tính cả chi phí kinh tế – xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) thì theo VERP, các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập nhằm hỗ trợ Đảng CSVN duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, ngốn của ngân sách từ 45.600 – 68.100 tỷ đồng/năm.
Đó là chưa kể chi phí dành riêng cho việc trả lương cán bộ Đảng CSVN ở đủ mọi cấp và chi phí kinh tế – xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) mà Đảng CSVN đang hưởng dụng, chắc chắn phải gấp vài lần tổng chi dành cho các tổ chức chính trị – xã hội.
***
Trong bối cảnh kinh tế liên tục suy thoái, thu không đủ chi, dân chúng lầm than, rên xiết vì các loại thuế, phí tăng không ngừng khiến vật giá leo thang, “nhất thể hóa” được giới thiệu như một giải pháp để tinh giản số cán bộ, viên chức của hệ thống chính trị mà dân chúng đang phải trả cả lương lẫn đủ loại phụ cấp, giảm chi thường xuyên.
Chuyện Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN “nhất trí 100%” trong việc giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN để cuối tháng này, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu bầu ông Trọng làm Chủ tịch Nhà nước được xem như một bước đáng kể của tiến trình “nhất thể hóa”, đến giờ vẫn còn đang trong giai đoạn “thử nghiệm”.
Thế nhưng đó là tưởng vậy mà không phải vậy. Ông Trọng đã đính chính chuyện ông được các đại biểu Hội nghị lần thứ tám của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 chọn – giới thiệu với Quốc hội để làm Chủ tịch Nhà nước là “giải pháp tình thế” không liên quan tới “nhất thể hóa” (1).
Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Văn phòng BCH TƯ Đảng CSVN cũng đã đăng đàn “nói lại cho rõ”, dù ông Trọng trở thành Chủ tịch Nhà nước thì Văn phòng Chủ tịch Nhà nước và Văn phòng BCH TƯ Đảng CSVN vẫn là hai cơ quan qui mô, tầm vóc ngang bộ hoàn toàn riêng biệt, không có chuyện sáp nhập. Hai văn phòng vừa kể sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để “phục vụ công tác Đảng, Nhà nước” (2).
Nói cách khác “nhất thể hóa” sẽ tiếp tục được “thử nghiệm” và “nghiên cứu”. An sinh xã hội có thể chẳng đâu vào đâu, no ấm, thịnh vượng có thể càng ngày càng mờ nhạt, dân có thể mạt, quốc gia có thể lao đao vì nợ nần nhưng hệ thống công quyền, hệ thống chính trị chưa thể thay đổi.
Giới lãnh đạo Đảng CSVN chỉ mới… nghĩ tới “nhất thể hóa”. Tiến hóa như phần còn lại của thiên hạ – buộc tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, kể cả Đảng CSVN phải tự chủ, tự tìm các nguồn tài chính để duy trì hoạt động và tất nhiên chỉ có thể tồn tại nếu sự hiện hữu là một thứ nhu cầu của cộng đồng – sẽ còn lâu. Từ giờ đến đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn cần được nuôi ở mức hơn 2/3 tổng chi tiêu quốc gia và do vậy, sẽ tiếp tục nuốt trọng mọi thứ phúc lợi giáo dục, y tế, môi trường sống trong lành,… kể cả sữa cho trẻ con, sự an nhàn cho người gìa, mà lẽ ra ai cũng có quyền được hưởng.
Chú thích
Leave a Comment