Vừa đứng đầu đảng vừa đứng đầu nhà nước, ông Trọng có thể dùng thẩm quyền của Tổng bí thư để trị nước, hay dùng luật nước để trị đảng. Hoặc là ông sử dụng một lúc cả hai quyền lực để tùy nghi sử dụng. Có cái hay, có cái dở, tùy theo mục đích sử dụng có vì lợi ích của dân và nước hay không ?.
“Quyền lực tuyệt đối đưa tới hủ bại tuyệt đối”. Điều này đúng từ xưa tới nay và đúng trong bất kỳ chế độ nào.
Hành động đầu tiên của ông Trọng sau khi nhậm chức Chủ tịch nước sẽ cho ta biết ông Trọng sẽ lãnh đạo đất nước bằng cái gì, bằng luật nước, bằng luật đảng hay tổng hợp cả hai.
Ai có đọc bản “dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng viên” mới được báo chí đăng tải thì ta thấy ông Trọng mặc nhiên được xem là “người có tư cách hoàn hảo”, theo kiểu vừa có tài năng vừa có đức độ.
Tức là ông Trọng có thể dùng “đức” để trị nước (và trị đảng), với sự yễm trợ của hai quyền lực đảng và nhà nước. Điều này cho ta thấy cái “phức tạp” của “nhà nước pháp quyền XHCN” của VN.
Suốt thời kỳ những năm ông Trọng làm Tổng bí thư, tù nhân chính trị nhiều chưa từng có. Nhiều người bị áp đặt những bản án nặng nề, phi lý. Vì vậy người ta sẽ chú ý từng bước những hành động đầu tiên của ông Trọng.
Nếu việc đầu tiên của ông Trọng là ân xá các tù nhân chính trị, hoặc cho xét lại các bản án phi lý mà tòa án (của đảng nhưng mệnh danh nhân dân) đã áp đặt lên các tù nhân chính trị… thì ta có thể hy vọng ông Trọng sẽ dùng cái “đức” để “cai trị” đất nước.
Cuộc “công du” ra nước ngoài đầu tiên với tư cách chủ tịch nước, đi Mỹ trước hay đi TQ trước, ta sẽ biết khuynh hướng đối ngoại của ông Trọng như thế nào.
Ngay đầu tháng 10 ông Trọng có những tuyên bố khá “nồng nhiệt” đối với chủ quyền biển đảo, xem đó là “không gian sinh tồn của người Việt”. Điều này chưa bao giờ nghe từ ông Trọng. Nếu khuynh hướng được khẳng định với nhiệm kỳ Chủ tịch nước, ta có thể nhìn nhận việc ông Trọng đặt quyền lợi của đất nước lên trên (quan hệ giữa VN và TQ).
Thực tế đã chứng minh không có một mô hình phát triển nào thành công mà không đặt lên nền tảng “thượng tôn pháp luật” (Rule of Law). Các nước tư bản Mỹ, Châu Âu, Nhật, Nam Hàn, Đài loan… đều là những nhà nước dân chủ pháp trị (Etat de Droit). Ngay cả Singapour với nền “dân chủ” nửa mùa, hay với TQ với nền kinh tế thị trường tư bản nhà nước. Hai nước này phát triển được là do pháp luật nghiêm minh.
VN nhứt cử nhứt động đều bắt chước TQ. Thời TBT Trọng việc áp dụng mô hình TQ còn sâu sắc hơn. Tập Cận Bình nói cái gì, làm cái gì thì ông Trọng rập khuôn làm lại cái đó, nói lại cái đó. TQ thành công mà VN thất bại vì VN có những đặc thù không thể áp dụng mô hình TQ.
Yếu tố cốt lõi để VN thành công là dứt khoát thoát khỏi “hấp lực” của mô hình TQ. Với quyền lực “tuyệt đối” trong tay, hy vọng ông Trọng sẽ khéo léo sử dụng, một lần cắt bỏ những thừa thải, những thứ vô dụng, những thứ “ký sinh trùng”… đã khiến VN không thể phát triển được.
Một dân tộc có một lãnh tụ “vừa có tài năng, vừa có đức độ” là điều may mắn hãn hữu. Người lãnh tụ này mất đi ngàn năm sau chưa chắc có lại. Nếu ông Trọng là người lãnh tụ này thì ông phải cấp bách phải xây dựng một mô hình phát triển, một chế chính trị lý tưởng cho Việt Nam. Mô hình “xã hội chủ nghĩa” đã phá sản từ ba thập niên. Càng níu kéo nó đất nước và dân tộc càng sa vào vũng bùn nghèo đói và hèn kém. Chỉ có một con đường: dân chủ hóa chế độ.
Mô hình chính trị lý tưởng sẽ sinh sản ra nhiều lãnh tụ chính trị ưu việt. Mô hình XHCN cho thấy chỉ sản sinh ra những lãnh tụ độc tài./.
Leave a Comment