Tôi sinh ra ở miền bắc trong một gia đình mà những người thân đều đi theo cách mạng, tôi lớn lên trong mái trường XHCN và tuổi thơ chẳng biết bao cấp hay cải cách ruộng đất là gì.
Lâu lắm rồi, ngày tôi ngồi trong giảng đường đại học, hôm đó là môn Chủ nghĩa Mác – Lê hay Kinh tế chính trị ( hoặc tư tưởng HCM ) gì đó, tôi không nhớ rõ lắm. Tôi nhớ giảng viên dạy chúng tôi là một cô mập mạp tóc xoăn tít, khi cô nói về sự tàn ác và bóc lột của giới tư bản tôi có hỏi cô rằng thế tại sao tư sản là tàn ác vậy mà ngày nay lại cho mở các công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn …
Cô và cả lớp nhìn tôi như thể tôi là sinh vật lạ ngoài trái đất, rồi cô trả lời tôi rằng đó là những vấn đề lịch sử, là vì đại cục… Tôi nghĩ rằng câu trả lời trên là không hợp lý và rõ ràng cho một câu hỏi đơn giản, và tôi tự đi tìm cho mình câu trả lời.
Sau này tôi hiểu rằng những môn tôi học đó là những môn mà thế giới chẳng mấy ai dậy sinh viên và cứ nước nào dậy môn đó thì hầu như rằng là nước thường xuyên nằm trong diện lên án của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Đặc biệt hơn, người dân nước đó không bao giờ biết hỏi ” Tại sao ”
Tìm hiểu nhiều hơn tôi thấy rùng rợn nghi nghĩ về những lần cải tạo công thương. Đơn giản thôi, bạn thử tưởng tượng bạn là một người dân bình thường, bạn buôn bán làm ăn, và một ngày có người đến tịch thu gia tài của bạn, họ chiếm đất đai nhà cửa của bạn, họ tống bạn đi các trại cải tạo hoặc các vùng kinh tế mới… Tôi thử đặt địa vị của mình vào đó và cho rằng dù dưới bất kỳ lý do gì thì đó cũng là tội ác. Vậy thôi!
Báo chí mấy năm nay đưa tin về hành trình bà phượng dành 40 năm đói khổ lang bạt để đi đòi 16.000m đất đắc địa của gia đình mình bị chính quyền tp Hồ Chí Minh lấy trắng trợn mà không hề có biên bản. Bà Phượng còn may, bởi đất gia đình bà bị thu không có biên bản, chứ nếu có một biên bản rằng tịch thu gia tài của tư sản thì giờ bà đã chả có cớ mà đòi. Bà còn may vì giờ người ta đề xuất bà lấy 200m đất trên mảnh 16.000 đó. Còn bao nhiêu người khác bị thu trắng, bị đày ải mà không nhận lại một xu nào thì ai là người trả lại sự công bằng cho họ ???
Tịch thu, cải tạo và ngăn sông cấm chợ…cũng phải có người chịu trách nhiệm cho biết bao nỗi thống khổ của dân tộc này chứ. Và dù ” bút máu ” có tô vẽ thế nào đi chăng nữa thì rồi cũng sẽ đến ngày lịch sử trả lại sự thật cho nhân dân, bởi lịch sử là công bằng, những giọt nước mắt của nhân dân là công bằng, và một dân tộc biết thương xót cảm thông trước cái chết của một con chó mà mừng vui trước một đám tang thì người nằm trong cỗ quan tài kia hẳn phải là một tên đồ tể.
Nguồn Thanh Mai FB
Leave a Comment