Tân Phong – Web Việt Tân
Năm 1840, xung đột giữa triều đình Mãn Thanh với người Anh trong vấn đề thương quyền buôn bán thuốc phiện từ Ấn Độ vào Trung Quốc đã dẫn đến cuộc Chiến Tranh Nha Phiến kéo dài 7 năm (1840-1843) và (1856- 1860). Khi đó, đế quốc Mãn Thanh là một triều đại phong kiến hùng mạnh nhất phương Đông, sở hữu một lực lượng quân sự đông đảo và thiện chiến. Tuy nhiên, đội “binh hùng tướng mạnh” này đã bị một đội quân viễn chinh người Anh, dù ít hơn nhiều về quân số và hạn chế về hậu cần, đánh bại dễ dàng.
Trung Quốc lần đầu tiên có một “trải nghiệm” tồi tệ khi đối đầu quân sự với sức mạnh Phương Tây. Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến cho thấy sự khác biệt quá lớn về tư duy quân sự, vũ khí và nghệ thuật tác chiến, hành quân của hai trường phái phương Tây và phương Đông. Kết cục thảm bại trong cuộc chiến tranh Nha phiến, đã khiến cho triều đình Mãn Thanh phải chấp nhận đền bù các khoản chiến phí, những thỏa hiệp bất bình đẳng, cắt nhượng đất đai và hải cảng quan trọng Hong Kong cho người Anh… Đế quốc Mãn nhanh chóng suy yếu và sụp đổ chỉ ít lâu sau đó.
Người Trung Quốc luôn ghi nhắc về giai đoạn lịch sử này và gọi đó là “thế kỷ ô nhục”, đồng thời chủ ý quên đi những điều tích cực từ các di sản to lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý… mà các quốc gia “ngoại bạng” để lại trên những vùng đất nhượng địa, đã góp phần quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển của Trung Quốc hiện đại.
Trong tiềm thức, người Trung Quốc luôn quan niệm đất nước của họ là “cái rốn của vũ trụ”. Trung Quốc, có nghĩa quốc gia trung tâm. Việc bị các nước nhỏ bé hơn như Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến 2, hay phải nhượng địa cho người Anh, người Bồ Đào Nha… đối với người Trung Quốc là mối hận không thể quên. Tuy vậy, nếu nhìn suốt 5000 năm lịch sử của Trung Quốc, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy quốc gia khổng lồ này lại luôn bị các quốc gia nhỏ bé hơn xâm lược và cai trị.
Những kẻ xâm lược, cai trị lâu tới mức, dần dần bị “đồng hóa” bởi cộng đồng người Hán đông đúc qua quá trình “hòa huyết” và hấp lực về văn hóa, chứ không bị lật đổ do sự phản kháng của các tộc người bản địa. Triều đại nhà Nguyên và triều đại Mãn Thanh là hai triều đại ngoại bang như vậy. Thậm chí, nếu không có người Mỹ và người Nga trong thế chiến 2, chắc hẳn, phần lớn lãnh thổ Trung Quốc vẫn còn do người Nhật thống trị.
Để kiến giải cho điều kỳ lạ đó, Lưu Á Châu, Phó chính ủy không quân, đồng thời là nhà văn, một think-tank có ảnh hưởng trong quân đội Trung Quốc, có lẽ đã tìm được câu trả lời, ông ta nói “Trung Quốc, đối nội thì tàn nhẫn, đối ngoại thì nhu nhược… người Trung Quốc đứng trước kẻ thù xâm lược thì là những con dê, nhưng đứng trước đồng bào mình thì là những con sói”.
Trung Quốc luôn tự hào với 5000 năm văn hiến nhưng là một dân tộc không có tư tưởng, không có triết học. Một xã hội chỉ suy tôn lợi ích và mưu lược chứ không hướng đến những giá trị phổ quát… lịch sử phát triển của Trung Quốc đang là một bộ lịch sử đảo ngược từ Thiện sang Ác. Từ cổ đại cho đến hiện đại, “truyền thống” này chưa bao giờ thay đổi.
Khi lý tưởng Cộng sản đã ở giai đoạn suy tàn, lý thuyết đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa Mác Lê Mao “vĩ đại” đã trở thành lỗi thời. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc cần tìm một thứ “lý tưởng” mới làm chất kết dính phù hợp hơn cho cấu trúc thể chế hiện thời. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan được chính quyền Trung cộng cổ xúy một cách có hệ thống. Người ta thấy dấu ấn rõ nét qua điện ảnh, truyền thông, văn học, thậm chí cả những “nghiên cứu lịch sử” đã được “định hướng chính trị”… Những nhà biên kịch, đạo diễn lừng danh như Trương Nghệ Mưu… được chính quyền Trung Quốc hết sức chiều chuộng để “tạo hình” lại “lịch sử” trong trí óc của người dân bằng các tác phẩm điện ảnh hoành tráng, khôi phục các giá trị “trung quân, ái quốc” và tư tưởng Khổng giáo.
Mao Trạch Đông có câu “không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi của dân tộc Trung Hoa là vĩnh viễn”. Thực ra, “quyền lợi của dân tộc Trung Hoa” ở đây, phải được hiểu là “quyền lợi của Đảng cộng sản Trung quốc là vĩnh viễn”. Trong chiến lược “giấc mơ Trung Hoa” hay “Made in China 2025” của Tập Cận Bình, cần chú ý đến “học thuyết mới” trong lý luận của Đảng CS Trung Quốc “Thành công nhỏ cần tới bạn bè, thành công lớn cần tới kẻ thù”. Vậy “thành công lớn nhất” làm bá chủ thế giới, hẳn nhiên, cần tới “kẻ thù lớn nhất”?
“Lý luận mới” này thực ra hoàn toàn không mới đối với những người cộng sản theo chủ thuyết Tam Vô, mà chỉ thay đổi về mức độ, được nâng lên ở mức độ “toàn cầu hóa”. Mục tiêu của Quyền lực là Quyền lực lớn hơn và động lực nó là lòng Thù hận.
Bạn sẽ không thể nào bác bỏ lý lẽ này nếu như vào sự kiện 11.9, bạn được chứng kiến những người Trung Quốc đã ăn mừng trước cái chết của 3000 người trong cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi như thế nào. Hoặc sau đó, sự kiện Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp ở hòn đảo Điếu Ngư đã có rất nhiều vụ đốt phá tài sản, tấn công các công xưởng của người Nhật, hay đơn giản là đem những chiếc xe hơi Made in Japan ra đốt để thể hiện sự Căm Thù đã thẩm thấu vào xương tủy của chủng tộc.
Phải chăng, cái thứ “lý tưởng mới” làm “chất kết dính” cho cấu trúc xã hội Trung Quốc đương đại được nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng chính là sự hòa trộn giữa những tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lòng trung thành với đảng cộng sản Trung Quốc và sự thù hận với các quốc gia và chủng tộc khác?
Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc kể từ khi Đặng Tiểu Bình lấy người anh em cộng sản “đồng sàng dị mộng” lúc đó là Việt Nam làm “gạch lót đường” để “bình thường hóa quan hệ” với “đế quốc Mỹ”. Khác với chủ trương của Mao Trạch Đông “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, Đặng Tiểu Bình chủ trương “sát Việt Cộng” để “cầu hòa” với người Mỹ.
Họ Đặng đã thành công mỹ mãn khi thuyết phục được Nixon rằng Trung Quốc có thể trở thành đối trọng với Liên Xô nếu được người Mỹ giúp đỡ và việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc sẽ làm cho quốc gia to lớn ở Châu Á này dịch chuyển dần về mô hình dân chủ, gần gũi với phương Tây, thay vì chủ nghĩa Cộng sản. Mỹ dành cho Bắc Kinh “tối huệ quốc” và hàng trăm tỷ dollar đầu tư, kỹ nghệ và cả vũ khí… Trung Quốc đã “cất cánh” kể từ cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung đẫm máu 1979 với sự hỗ trợ của người Mỹ.
Sau 4 thập kỷ, “thao quang dưỡng hối”, “mèo trắng, mèo đen”, “giấu sức chờ thời”, triệt để thi hành chính sách phát triển kinh tế, quân sự bằng mọi thủ đoạn của binh pháp Tôn Tử. Từ một quốc gia đói nghèo, rách nát tơi tả bởi “thành tựu vĩ đại” của những cuộc Đại Nhảy vọt và cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 1 thế giới về qui mô và sở hữu một lực lượng quân sự lớn nhất Châu Á bằng tiền, khoa học, kỹ thuật… của nước Mỹ.
Người Mỹ không thể ngờ rằng họ đã mở “cái hộp Pandora” chết chóc với thứ dịch bệnh tràn lan khắp thế giới, mang tên “chết bởi Trung Quốc”. Một cú lừa thế kỷ. Có lẽ, nhiều chính khách từng ủng hộ cho Trung Quốc đã phải đấm ngực kêu trời. Họ, những chính khách salon được sinh ra trong một xã hội dân chủ và văn minh, hoàn toàn không bao giờ hiểu được thế nào là người Trung Quốc và một thể chế cộng sản “mang màu sắc Trung Hoa” là gì?
Bá quyền Trung Quốc đã không cần che giấu ở Biển Đông với “đường lưỡi bò” chiếm trọn vùng biển náo nhiệt, giàu tài nguyên nhất thế giới. Sự thao túng kinh tế chính trị trên qui mô châu lục ở Châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á và cả Úc châu bằng con đường đầu tư, phá hoại kinh tế bản địa bằng nạn tham nhũng, đầu cơ, ăn cắp kỹ nghệ, hàng hóa giả và gian lận thương mại… là những gì Bắc Kinh đã và đang thực hiện như một chính sách quốc gia nhất quán.
Giờ đây, giới lãnh đạo của đất nước “đèn lồng đỏ treo cao” cảm thấy tràn đầy phấn khích về sức mạnh của một “Trung Quốc kỳ diệu” – tên gọi đoạn video dài nhiều giờ đồng hồ ca ngợi các thành tựu kinh tế, khoa học, quân sự lớn lao, đang phổ biến trên các kênh truyền hình quốc gia – một Trung Quốc đã “quá lớn mạnh” để có thể “thu mình” nhỏ lại, như lời một tờ báo Nhà nước bình luận. Sự tự tin đó là cơ sở cho một tham vọng toàn cầu có tên: “Nhất đới, nhất lộ” hay “con đường tơ lụa trên biển”…
“Giấc mơ Trung Hoa” có thể đã trở thành hiện thực khá dễ dàng nếu như người Mỹ sau 4 thập kỷ vẫn tiếp tục ngủ say trên vinh quang, sự giàu có, tự mãn bởi những lời phỉnh phờ của cả đồng minh và kẻ thù. Ba thập kỷ Đảng Dân chủ nắm quyền Nhà Trắng cũng là giai đoạn mà Trung Quốc tha hồ “múa gậy vườn hoang”.
Trung Quốc quân sự hóa và biến biển Đông trở thành ao nhà, biến các nước Châu Phi thành nơi di dân và thuộc địa kiểu mới, biến Venezuela từ một quốc gia giàu có trở thành địa ngục trần gian bởi thể chế độc tài Maduro để Bắc Kinh tha hồ cướp bóc nguồn dầu khí dồi dào… Tuy nhiên, mọi thứ đang bị đảo lộn kể từ khi Donald Trump đắc cử và vị tổng thống xuất thân từ giới tài phiệt này đang sắp đặt lại luật chơi trên bình diện toàn cầu, từ kinh tế, tài chính, thương mại đến việc hình thành các cơ cấu địa chính trị quân sự liên lục địa hoàn toàn mới với mục đích: Chặn đứng tham vọng bá quyền Trung Quốc và MAKE AMERICA GREAT AGAIN.
Kể từ tháng 3.2018, những “đòn Jab” thuế quan đầu tiên của võ sĩ Donald Trump nhằm vào lô hàng hóa Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD mới chỉ là bước khởi động cho kế hoạch đánh thuế toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung cộng. Ngay lập tức, tác động của chính sách thuế quan này đã làm cho thị trường chứng khoán Thượng Hải, Bắc Kinh chứng kiến cơn hoảng loạn và các dòng vốn đảo chiều.
Màu đỏ chết chóc bao trùm các sàn giao dịch mặc cho nhà cầm quyền Trung Quốc đã bơm vào ngót 1000 tỷ USD để cứu vớt và chặn đà rút vốn ồ ạt của giới đầu tư. Tuy vậy, thị trường này đã rơi xuống đáy thấp nhất trong 4 năm qua và không có gì đảm bảo hiệu ứng “hòn tuyết lăn” sẽ dừng lại, phá vỡ mức suy thoái kỷ lục năm 2008. Thêm vào đó, FED chuẩn bị nâng mức lãi suất lần thứ 4 trong năm nay để hạ nhiệt nền kinh tế trong nước đang nóng bỏng vì đầu tư nội địa tăng vọt. Sự điều chỉnh này của FED đương nhiên sẽ bồi thêm cơn hoảng loạn tài chính đang ngấm ngầm diễn ra khốc liệt ở Trung Quốc. Đồng Nhân Dân Tệ đã mất hơn 9% so với đồng Dollar Mỹ, kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu.
Song song với việc đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến hết năm 2018, là đòn trừng phạt vô tiền khoáng hậu đúng kiểu cowboy “hạ đo ván” các công ty khổng lồ như ZTE, Huawei… bằng cả “phạt nguội” bằng tiền và ngừng cung cấp chip điện tử cho những công ty sản xuất điện thoại thông minh này, đồng thời thi hành chính sách ngăn chặn Trung Quốc tiếp diễn trò trộm cắp tháu cáy, thâu tóm các công ty sở hữu các phát minh công nghệ quan trọng của Mỹ và đồng minh.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% và cắt giảm chi phí hành chính công, loại bỏ hệ thống Obamacare đầy tốn kém, các khoản viện trợ cho các tổ chức quốc tế “vô thưởng vô phạt”… kêu gọi các đại gia công nghệ Mỹ trở về nước đầu tư đã làm cho nền kinh tế Mỹ sau nhiều thập kỷ ì ạch và “thiếu máu” đã “hồi xuân” như một gã trai mới lớn.
Chiều hướng này mới thực sự làm cho Trung Quốc điên đầu, vì nguồn vốn đầu tư FDI đối với nền kinh tế lớn thứ nhất về qui mô và dân số không chỉ đơn thuần là vốn, công nghệ cao, mà còn là áp lực công ăn việc làm đang cực kỳ căng thẳng tại đại lục. Nếu không có gì thay đổi, lễ Phục sinh năm nay của nước Mỹ cũng sẽ là ngày Tận thế của kinh tế Trung Quốc vì khi tất cả hàng hóa Trung Cộng bị áp thuế ở mức 10-25%, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn cơ hội tồn tại ở thị trường Mỹ.
Không chỉ có vậy, những ngày cuối cùng của tháng 9.2018, việc hình thành liên minh Mỹ – EU – Nhật Bản ở mặt trận kinh tế chống lại sự thao túng, lũng đoạn thị trường thế giới của Bắc Kinh sẽ làm con rồng Trung Hoa nhanh chóng kiệt quệ vì cả thiếu hụt đầu tư, suy thoái kinh tế và khủng hoảng dân sinh.
Nếu như Tập Cận Bình nghĩ rằng một “Chí phèo” Triều Tiên có thể làm khó cho Donald Trump như 4 đời tổng thống Mỹ trước đây, gây áp lực cho hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản thì quả đã nhầm. Thực tế, sự xoay chuyển tình thế nhanh chóng ở mặt trận Đông Bắc Á và Syria đã cho thấy một Donald Trump cực kỳ quyền biến. Ngược lại, đòn “gậy ông đập lưng ông” một khi con bài Đài Loan và Tân Cương được người Mỹ sử dụng, Bắc Kinh sẽ phải học lại bài học lịch sử của cuộc chiến tranh Nha Phiến 1840 như thế nào.
Cuộc chiến tranh thương mại mà Donald Trump phát động không phải là để thu thêm thuế và giảm thâm hụt thương mại đơn thuần. Đó là một cuộc chiến tranh tổng hợp toàn diện cả kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa… không hề có sự khoan nhượng.
Cuộc chiến để bảo vệ các giá trị công chính, bảo vệ nước Mỹ và khôi phục vị thế siêu cường số 1 thế giới. MAGA không đơn thuần là một khẩu hiệu dân túy của riêng Donald Trump và vị thế số 1 của nước Mỹ cũng đảm bảo cho các giá trị về Nhân quyền, Dân chủ, Tự do trên toàn thế giới được khôi phục chứ không phải chỉ bằng những lời hứa suông và vài đồng tiền lẻ để mua thêm lá phiếu ủng hộ cho đảng phái.
Đối với Trung Quốc, những ngày tháng “củ mật” của trò trộm cắp đã hết, những người trẻ Trung Quốc hãy gội đầu cho tỉnh ngủ và chuẩn bị tâm thế cho “con đường đau khổ” sắp tới. Còn với Việt Nam, những thế hệ hôm nay hãy chuẩn bị cho một cuộc tồn vong đang hiện hữu ngay trước mắt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt ở biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự lựa chọn giữa “Thịnh vượng và Tự Do hay Nô lệ và Đói nghèo” hoàn toàn phụ thuộc vào sự thức tỉnh và quyết định của thế hệ trẻ Việt Nam nhưng trước hết hãy học lại bài học lịch sử và đừng bao giờ một lần nữa, trở thành con tốt thí trong tay người bạn vàng “16 chữ vàng và 4 tốt” năm xưa.
Tân Phong, 29.09.2018
Leave a Comment