Quảng Cáo

Tín hiệu cơn lốc sinh tử chính trị và vị thế Việt Nam qua một tấm hình

Quảng Cáo
Thiên Điểu (VNTB)
Nắm lại quyền lực và tạm thời giữ được thế ổn định chính trị ở vị trí kiểm soát quyền lực nhà nước.
Đám tang chủ tịch nước Trần Đại Quang.
“Cục diện chính trị Việt Nam những tháng cuối năm 2018 đã xuất hiện những tín hiệu đột phá mang tính đỉnh điểm điển hình. Báo hiệu cơn lốc xoáy dữ dội nhằm vào nền tảng của chế độ nhà nước cộng sản ở thượng tầng, đỉnh cao nhất của quyền lực”.
Những đồn đoán và tranh cãi xung quanh cái chết bất ngờ nhưng thực ra hoàn toàn không bất ngờ của đương kim chủ tịch nước Trần Đại Quang đang có chiều hướng suy diễn mang tính võ đoán. Có khá nhiều bài viết cho rằng ông Quang bị đầu độc, là kẻ thất bại trong cuộc chiến củng cố quyền lực phe nhóm do ông Nguyễn Phú Trọng đang phất cờ dẫn đầu. Tuy nhiên, ở góc độ chính trị thì đó chỉ là những tiểu tiết trong bối cảnh cục diện chính trị Việt Nam đang tiến dần đến những xung đột mang tính sinh tử.
Nói cái chết của ông Quang bất ngờ là bởi chỉ mới hai ngày trước đó, ông Quang vẫn xuất hiện trên truyền thông qua sự kiện gửi thư cho thiếu nhi nhân dịp tết Trung thu. Nói không bất ngờ vì đã gần hai năm qua, trên cương vị Chủ tịch nước ông Quang đã liên tục phải nghỉ đi chữa bệnh. Thậm chí có những khoảng thời gian “biến mất” lặng lẽ mà đâu đó đã dấy lên những ý kiến đặt vấn đề soi thẳng vào vị trí Chủ tịch nước của ông vì lý do sức khỏe. Sau Hồ Chí Minh, ông Quang là lãnh đạo thứ 2 trong lịch sử chế độ hiện nay chết khi đang tại vị và là người chết trẻ nhất trong bộ tứ chóp bu quyền lực của thể chế.
Nhìn trên góc độ chính trị nó càng không bất ngờ khi năm 2016, thời điểm mà ông Quang liên minh với ông Trọng để loại cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi ngai vàng quyền lực với bài toán “nửa nhiệm kỳ” ở vị trí Tổng bí thư. Diễn biến chính trị sau 2016 là chuỗi những biến động mang tính sinh tử đối với chính ông Quang chứ không phải là ai khác. Những vụ án như Trịnh Xuân Thanh; Đinh La Thăng; Vũ nhôm; trảm tướng công an… tốn khá nhiều giấy mực và rung động truyền thông thực ra không tách rời các yếu tử của ông Quang. Bởi chính ông là nhân vật nắm giữ quyền lực ở vị trí số 2 sau ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng còn giữ chức Thủ tướng. Bài toán mở “nhất thể hóa” với dữ liệu “nửa nhiệm kỳ; quá tuổi” từ nhân tố Nguyễn Phú Trọng là lý do để ông Quang quyết định bắt tay vào cuộc đua giấc mộng quyền lực mới. Tuy nhiên, ông Trọng đã nhanh chóng chỉ ra lối rẽ dẫn tới đáp án khác cho kết cục chính trị của ông Quang từ việc ông Trọng nhảy sang nắm giữ vai trò kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ công an khi cái ghế Bộ trưởng Bộ công an đổi chủ. Những vụ án đình đám trong 2 năm qua cũng là những dữ liệu quá rõ chỉ ra cuộc chơi quyền lực đã nằm trọn trong tay ông Trọng và bộ cánh của mình.
Người ta ít thấy sự nổi bật của ông Quang trong thời hoàng kim của Thủ tướng Dũng vì khi đó, cả bộ máy chính trị do ông Dũng dẫn đầu đều lao vào kinh tế. Vũ Huy Hoàng; Đinh La Thăng; Vũ nhôm; Út trọc hay các tướng công an bị trảm và cả Nguyễn Thanh Hải đang ngấp nghé cửa lò “chống tham nhũng” đều ít nhiểu liên quan hoặc ít nhất là được hậu thuẫn bởi quan hệ cánh hẩu của bộ đôi Dũng – Quang khi đang chi phối gần như toàn bộ quyền lực của chế độ. Nói cách khác: Số phận của ông Quang cũng không khác gì ông Dũng khi bởi sai lầm đã đặt cược sinh mạng của mình vào lời hứa – thứ không bao giờ có gì đảm bảo trong chính trị. Cái chết của ông Quang, dù vì lý do nào thì cũng là kết cục đương nhiên cần thiết về mặt chính trị khi đáp án của bài toán mở đã lộ rõ chỉ có 1 trong 2 kết quả: Hoặc là ông Nguyễn Phú Trọng “nhất thể hóa” hoặc là không nhất thể hóa nhưng ông Trọng dẫn dắt tất cả.
Cuộc đấu đá quyền lực xung quanh ngọn cờ “chống tham nhũng” của ông Trọng về đối nội đem lại cho phe Đảng một số thành quả nhất định: Nắm lại quyền lực và tạm thời giữ được thế ổn định chính trị ở vị trí kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhưng yếu huyệt sinh tử của chế độ không hề được cải thiện mà trái lại càng trầm trọng hơn khi sự yếu kém trong hệ thống nhân sự đã bộc lộ năng lực tệ hại nhất kể từ khi chế độ cộng sản giành được quyền lực tới nay. Có thể nói: Những chính sách, đặc biệt là những phát ngôn của các quan chức chóp bu trong bộ máy lãnh đạo cấp cao trong 2 năm qua đã khiến sự khinh thường và chán ghét của người dân đạt đến bão hòa.
Về đối ngoại, hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn tại diễn đàn Liên hiệp quốc cùng bức ảnh một cán bộ trong phái đoàn Việt Nam nằm ngủ ngon lành đang gây bão trên mạng mấy ngày qua là minh chứng rõ nét vị trí lẫn uy tín của Việt Nam trước quốc tế. Đa số dư luận tập trung châm biếm, phản biện lại việc truyền thông nhà nước công kích ông Trum “đơn độc” giữa hội trường kín đặc dự khán của các nước trên thế giới, trái ngược với hình ảnh ông Phúc độc thoại với khán phòng gần như trống rỗng (!)
Sự thật phía sau đó chính là kết quả đối ngoại mà bộ máy quyền lực “có lý luận” của ông Trọng đã tạo ra chỉ trong 2 năm vừa qua. Trong đó, vụ án Trịnh Xuân Thanh là lý do chính khiến khán phòng Liên hiệp quốc trống vắng hoàn toàn các đoàn châu Âu và nhiều nước khác không chấp nhận hành động coi thường luật pháp của nước khác phản ứng qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức. Thái độ ngày càng lệ thuộc và ngả về hướng Trung quốc là yếu tố thứ 2 khiến nhiều nước – liên quan khối liên minh với Mỹ – cũng vắng mặt khi ông Phúc đăng đàn vì bất đồng bởi yếu tố luật pháp quốc tế và lợi ích liên quan Biển Đông. Hình ảnh này không chỉ là bẽ bàng, nó là tối hậu thư, là câu trả lời dứt khoát cho việc lựa chọn khuynh hướng chính trị của chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Qua 73 lần tổ chức diễn đàn toàn cầu, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đại diện chính quyền Mỹ đã có bài phát biểu công khai chỉ mặt điểm tên đến cả từng cá nhân lãnh đạo các chế độ “phải xóa bỏ”, trong đó chế độ cộng sản bị coi là “thất bại; tàn ác; tệ hại; vô nhân đạo..”. Việt Nam tuy không nằm trong danh sách bị điểm danh của Tổng thống Mỹ Donal Trump, nhưng thông điệp tuyên chiến với Trung quốc và các chế độ cộng sản – trong đó có Việt Nam – là rất rõ ràng. Khán phòng trống hay không thì vị thế, uy tín của Việt Nam ra sao trước quốc tế đã quá rõ.
Sau cái chết của ông Quang, sự xuất hiện vai trò “quyền Chủ tịch nước” của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – nhân vật không nằm trong Bộ chính trị – thực chất là động thái tung ra dữ liệu ảo cho một bài toán mở mới nhằm có thời gian chọn giải pháp và nhân tố phù hợp cho quyết định hướng cải tổ chính trị trong chính trường Việt Nam của chế độ. Dữ liệu mở kiểu lập lờ này sẽ tiếp tục tạo ra một cuộc đua quyền lực ở cấu trúc nhận sự cấp 2, đồng thời giúp các khái niệm “dân chủ; đoàn kết; ổn định..” tiếp tục có lý do để biện minh cho các bước đi tiếp theo. Những bước đi chưa bắt đầu nhưng bóng dáng Trung Quốc đã phủ bóng qua chuyến “viếng tang” của Lật Chiến Thư – Nhân vật số 2 trong bộ máy quyền lực của Trung quốc đương nhiệm. Mức độ và diễn biến cụ thể ra sao có nhiều kịch bản, nhưng điều chắc chắn rằng: Qua những sự kiện trên, cuộc chiến đi đến nút thắt sinh tồn của chế độ và vận mạng của đất nước Việt Nam dưới chế độ hiện nay sẽ bùng nổ trong thời gian rất gần đang tới.
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux