Hôm đầu tháng tám tôi có viết bài “Việt Nam ở đâu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ?”. Câu trả lời có trong bài VN là “Nếu không có gì thay đổi, VN đứng cùng một “chiến tuyến” với TQ. Vì VN có cùng mô hình với TQ mà Mỹ đã cảnh cáo.”
Còn câu hỏi bên nào thắng ? Dĩ nhiên, chiến tranh nào cũng vậy, bên nào chịu đựng được dài lâu thì bên đó thắng.
Về kinh tế, phát triển của Mỹ dựa trên “tiêu thụ nội địa”, không sống nhờ vào xuất khẩu. Vì vậy nếu “chiến tranh tăng cường độ”, Mỹ có thể “đóng cửa” không “chơi” với ai. Như vậy về sức “chịu đựng”, phía Mỹ có thể nói là có khả năng “trường kỳ”. Mỹ còn có đòn tối hậu (trước khi bước vào chiến tranh nóng) là “cấm vận” TQ. Nhưng tâm lý “con nhà giàu” dân Mỹ không có sức chịu dựng sự cực khổ, thiếu thốn dài lâu. Trump có thể thất cử, hay vì áp lực trong dân chúng quá mạnh, chính trị của Mỹ phải thay đổi. Trường hợp này thì Mỹ thua.
Về phía TQ, kinh tế nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Khi Mỹ “bế quan” là “cả một vấn đề”. Không có chuyện “không mợ thì chợ cũng đông”. Các nước “nhỏ” trước đây “dưới cơ” TQ thừa dịp cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường (ngày càng hạn hẹp). TQ không thể phát triển “hướng nội” như Mỹ. Áp lực do kinh tế sa sút, thất nghiệp gia tăng, dân TQ đã quen lối sống dựa vào nhà nước. Khi mà nhà nước không làm tròn vai trò “nuôi” 1,4 tỉ dân số thì tính chính danh của đảng CS sẽ bị đặt lại.
TQ sẽ “chiến đấu tới cùng” với hệ quả chắc chắn thua và xã hội đầy bất trắc, hay chịu thua tuân thủ các “luật chơi” mà Mỹ yêu sách ?
Nếu lãnh đạo TQ “cao cờ” thì nên thua trước. Trước sau gì cũng thua, thì nên thua cách ít bị tổn thất nhứt.
Còn Việt Nam ?
Bài đọc hôm qua của TT Trump ở diễn đàn Đại hội đồng LHQ tuy nói về Venezuela, đả kích mạnh mẽ “xã hội chủ nghĩa” ở nước này, nhưng trực tiếp ám chỉ các nước XHCN như TQ và VN. Nội dung bài đọc dẫn lại từ BBC như sau:
“Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người”.
Phát ngôn nhân TQ tức thì lên tiếng phản đối. TQ cho rằng mỗi quốc gia có quyền lựa chọn con đường phát triển của riêng mình đồng thời việc (ông Trump) kích động đối đầu dựa trên sự khác biệt ý thức hệ là đặc trưng của thời kỳ chiến tranh lạnh.
Ý kiến của phía TQ dựa trên nền tảng “độc lập và bình đẳng về chủ quyền”. Quốc gia này không được can thiệp vào nội bộ của quốc gia kia.
Nhưng nguyên tắc “độc lập và bình đẳng về chủ quyền” chỉ có ý nghĩa khi việc hành sử chủ quyền của quốc gia này không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của quốc gia khác.
Việc áp dụng “xã hội chủ nghĩa” ở Venezuela đã khiến hàng triệu người dân ở đây bỏ xứ mà việc này làm thương tổn đến an ninh quốc gia của các nước láng giềng.
Việc “đội lốt” XHCN ở TQ (và VN), nhà nước đóng vai trò chủ đạo ở mọi sinh hoạt trong xã hội, từ kinh tế, tài chánh… cho tới truyền thông, giáo dục, phim ảnh… Với thế “độc tôn” của kinh tế nhà nước, TQ đã lần hồi chinh phục hầu hết các thị trường, làm thương tổn những nền kinh tế lành mạnh. Đây là một hình thức xâm lăng kinh tế tinh vi, làm tổn hại aninh và chủ quyền của các quốc gia khác mà ít ai thấy được.
Trong khi phía VN, có lẽ “tang gia bối rối”, nên chỉ có tờ tuổi Trẻ loan tin “lưng chừng” kiểu “ông Trump cô đơn trước diễn đàn LHQ”.
Thì cũng đúng thôi. Chính sách của Mỹ hiện thời là có khuynh hướng “biệt lập”. Nhưng Mỹ chưa dứt khoát vì các nước đồng minh còn dùng dằng níu áo. Cả khối Châu Âu, Nhật, Nam Hàn… đều đứng dưới cây dù quân sự của Mỹ. Không nước nào muốn Mỹ “phủi đít” nghỉ chơi như vậy hết.
Đừng ảo tưởng cái thế “cô đơn” của ông Trump là do bị “cô lập”. Khôn ngoan thì nên coi gió đang thổi chiều nào./.
Leave a Comment