Nói tới cái tên Đỗ Mười, đối với người miền Nam, ông ấy là một hung thần, là một bạo chúa qua những chính sách hoang tưởng, ngu dốt và tàn bạo nhất ở thời bao cấp. Tại thời điểm đó, ông ta nắm chức vụ Phó Thủ Tướng và kiêm nhiệm Trưởng Ban Cải Tạo Công Thương Nghiệp XHCN Miền Nam với các chiến dịch đổi tiền hay đánh tư sản X1, X2 và X3 đầy nhớp nhúa và kinh hoàng.
Hàng triệu người dân miền Nam đã phải bỏ nhà, bỏ cửa ,bỏ mồ mả ông cha để bị ông đưa về những thiên đường Kinh Tế Mới “đầy hứa hẹn”. Nhà cửa để lại thành phố được ông chia đều cho cách mạng quân như một phần thưởng đền bù. Người dân miền Nam nhìn các cuộc cải tạo công thương nghiệp hay đổi mới kinh tế tầm vĩ mô kinh hoàng ấy thật chẳng khác gì một cuộc cướp bóc “vô tiền khoáng hậu” vậy.
Định mệnh đã gắn cái tên Đỗ Mười của ông với hai từ dung tục ĐM để người đời châm biếm rủa xả ông khi sống cũng như khi chết. Người thiện lương thường duy mỹ, duy tâm, duy linh…còn ông, với cái tên khai sanh Nguyễn Duy…Cống mà ít người biết đến, liệu cũng là một định mệnh chăng?
Định mệnh đã gắn cái nghề thiến heo núp đằng sau cái chức danh Tổng Bí Thư của ông để người đời dè bỉu khinh miệt cười chê khi ông nắm các chức vụ lèo lái kinh tế một cách ngu xuẩn đầy tính cách khủng bố ở miền Bắc 1955 và miền Nam sau 1975.
Ông ra đi là chuyện bình thường của kiếp nhân sinh “sinh lão bệnh tử”. Chỉ có điều, ông là một lãnh tụ trong nhiều thập niên, và người đời thì thường nhìn vào di sản của lãnh tụ để xem họ đã để lại được những gì cho đất nước và dân tộc này?
Một miền Nam trù mật, giàu có trước 75, ông đã biến nó thành hoang tàn, đói nghèo. Nó bị ông cào bằng tả tơi gần ngang ngửa với sự rách nát cùng cực của miền Bắc. Một miền Nam văn minh, nhân bản, nhân tài như nấm sau cơn mưa, bỗng ông biến nó trở thành lạc hậu, mù mịt tương lai. Ông chiêu hiền đãi sĩ bằng những cùm gông, biến họ thành những kẻ tù tội hay buộc họ phải lưu bạt xứ người. Ông triệt để xoá hết những tàn tích văn minh hay tính nhân văn của thể chế Cộng Hoà, điều mà đi ngược lại những gì ông và chế độ Hà Nội ra sức tuyên truyền mị dân suốt mấy chục năm chống Mỹ cứu nước.
Di sản của ông là một chuỗi những hệ lụy đầy thất bại về phát triển kinh tế; là mầm độc hại cho bao thế hệ khi họ buộc phải tiếp nối cái tư duy tre làng đầy ngu dốt của ông.
Giờ đây, trong cái thoi thóp của lẽ tử sinh, thừa biết những việc ông đã làm cho nước cho dân là những việc mang tội tày đình, “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”, nên dẫu là một người cộng sản chính chuyên, không tin thần thánh, nhưng cuối đời ông cũng đã lần về nguồn cội tâm linh. Ông tung tiền tu bổ ngôi chùa lớn nhất Hà Nội bây giờ. Ông móc ví lấy triệu đô cứu nạn bá tánh làm dân tình xôn xao một thời…Ông làm nhiều thứ lắm như là một thể hiện ăn năn, hồi lỗi. Đời là thế ông ạ! Đối diện với mộ chí thì bỗng dưng thấy ngại, thấy sợ, thấy mọi sự thừa thãi, chỉ muốn …đoái công!
Tôi chỉ mong, một lúc nào đó trong đời, dẫu ngay lúc mong manh sinh tử này, ông thều thào mở miệng thành tâm xin lỗi, ấy mới gọi là “nghĩa tận” với đời, với dân, bằng không, đời chẳng thể nào “ nghĩa tử” với ông đâu, công xây “chín bậc phù đồ” của ông sẽ trở thành công cốc và “hồn ma bóng quỷ” vất vưởng là điều khó tránh
Thêm nữa, phần tôi và riêng mẹ tôi, ông còn nợ một lời xin lỗi. Ông còn nhớ cái đêm hè oi bức năm 1978, ông xua quân đánh bọn tư sản Sài gòn, trong đó có gia đình tôi, đàn em của ông đã nặng tay đập vỡ nguyên hũ nước mắm nhĩ Phú Quốc.
Mẹ tôi vẫn còn tiếc đến giờ này đấy, ông liệu mà…!-:))
Leave a Comment