Cuối cùng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định theo đề nghị của ông Bộ trưởng Tài chính, tăng thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu lên kịch khung 4000 đồng/lít (đối với xăng), có hiệu lực vào đầu năm tới.
Dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý nguồn thu này phải chi cho bảo vệ môi trường chứ không được chi cho việc khác, nhưng bà không thể không biết người ta đã và sẽ không làm theo ý của bà. Bằng chứng là, năm 2016, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu lên tới 42.300 tỉ đồng thì số thực chi cho môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng (theo số liệu của Bộ Tài chính, dẫn từ Báo Lao Động). Những năm trước, tỷ lệ chi cũng ở mức tương tự, dù thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh qua các năm. Có nghĩa là, thuế bảo vệ môi trường thu với lượng tiền khổng lồ phần lớn đã dùng để chi cho những việc khác. Điều đó cũng có nghĩa là, việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu là sự lừa dối trắng trợn.
Trong quân sự, và trong đấu tranh chính trị nữa, người ta có thể chấp nhận “binh bất yếm trá”. Nhưng từ thời cổ đại đến nay chẳng ai “dụng binh” trong các chính sách an dân mà không đưa đất nước vào con đường lụn bại.
Vào thời Chiến quốc bên Tàu, vua Ngụy Văn hầu một lần có hẹn với người gác rừng cùng đi săn. Đến ngày đó, dù trời mưa vua vẫn sửa soạn đi. Quần thần bảo trời mưa không đi săn được. Vua bảo đã hẹn rồi thì không thể lỡ hẹn, bèn đích thân đến gặp người gác rừng để nói rằng do trời mưa nên cuộc đi săn phải hủy. Chiến quốc sách ghi lại câu chuyện đó kèm theo câu kết luận “Từ đó nước Ngụy bắt đầu trở thành một nước mạnh”.
Ngày nay nước ta xây dựng Chính phủ liêm chính, mỗi một lời hứa mà quan chức nhà nước nói với dân cũng phải cẩn trọng, huống hồ là một chính sách. Một chính sách được ban hành trên cơ sở lừa dối là chính sách coi khinh nhân dân. Dung túng những chính sách như vậy có thể khiến người dân tin vào Chính phủ liêm chính được không ?
Stt liên quan :
Đề xuất tăng thuế xăng dầu phản ánh năng lực của ông Bộ trưởng tài chính
Leave a Comment