Những người đứng đầu nhà nước Việt Nam là những người giàu mơ ước. Họ mơ ước Sài Gòn trở thành Paris, Hà Nội trở thành Singapore, Nha Trang trở thành Hawaii, Cần Thơ trở thành Venise… Và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mơ ước Việt Nam là bạn “của những người giỏi nhất”. Liệu ước mơ này có trở thành sự thật?
“Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 ngày 13/9( https://vnexpress.net/tin-tuc/wef-asean/phat-bieu/thu-tuong-viet-nam-muon-lam-ban-voi-nhung-nguoi-gioi-nhat-3808776.html). Thủ tướng Phúc đã không đưa ra tiêu chí thế nào là người giỏi nhất khi mà người giỏi trộm cắp, người giỏi lừa đảo, người giỏi cờ bạc, người giỏi đâm chém, người giỏi chém gió….đều được hiểu là người tài giỏi. Nếu xác định “người giỏi nhất” theo tiêu chí là người có tài kinh doanh, người có nhiều ý tưởng, nhà quản trị và điều hành giỏi, chuyên gia giỏi, người có khả năng sáng tạo và phát minh…., liệu nhà nước Việt Nam có trở thành người bạn tốt của “những người giỏi nhất”, hay nói cách khác, có thu hút được nhân tài của thế giới? Hãy ngược dòng lịch sử!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu”. |
Ngay sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã dùng nhiều giải pháp để lôi kéo đội ngũ trí thức đứng vào hàng ngũ của mình. Nhiều trí thức người Việt sống ở nước ngoài vốn không hiểu chủ nghĩa cộng sản đã nhanh chóng gia nhập, trong đó có những trí thức lừng danh như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo. Ngoại trừ kỹ sư chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa có phần nào phát huy được phẩm chất kỹ thuật, đa phần các trí thức khác đều bị thui chột tài năng, và sống một cuộc sống đầy u uẩn. Triết gia Trần Đức Thảo là một thí dụ điển hình. Nhiều trí thức tài hoa đi theo Việt Minh cũng nhanh chóng bỏ ngũ, mà sự “dinh tê”( về thành phố- về vùng Pháp đóng) của nhạc sĩ Phạm Duy là một ví dụ sinh động. Có thể nói trong giai đoạn 1946-1953, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không thất bại nhưng cũng chẳng thành công trong việc thu hút nhân tài.
Mọi chuyện bắt đầu khác đi, hay nói cách khác, chính quyền Hà Nội kể từ ngày trở thành ông chủ của Hà Nội vào năm 1954 đã nhận thất bại trong việc chiêu dụ và giữ chân nhân tài.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đã có khoảng 01 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có gần 310.000 người được đưa đến miền Nam bởi Hải quân Hoa Kỳ, và 500.000 dân được đưa đến miền Nam bởi quân đội Pháp. Trong khi đó 14.000–45.000 cư dân và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Sự chênh lệnh về số lượng người lựa chọn di cư chắc chắn phản ánh một điều rằng, có sự chênh lệch về sự lựa chọn di cư của tầng lớp tinh hoa. Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vào cuối năm 1954, cả miền Bắc có 1800 sinh viên nhưng đã có 1200 sinh viên lựa chọn di cư vào miền Nam. Đa phần các trí thức miền Bắc vốn yêu thích văn hóa Pháp cũng chọn con đường Nam tiến để tìm đến bến bờ mới. Có thể nói, kể từ năm 1955, miền Bắc chỉ có tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa có đặc tính tuân theo, thụ động, không phản biện và không có tư duy sáng tạo.
Cũng từ năm 1955 trở đi, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có hàng trăm trí thức và văn nghệ sĩ đã bị cầm tù, cải tạo không giam giữ do có những tiếng nói khác với tiếng nói của chính quyền. Trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền, giới trí thức và văn nghệ sĩ đành phải chôn mình vào sự cô đơn như những con ốc mượn hồn.
Không có tầng lớp trí thức đúng nghĩa, không có tầng lớp doanh nhân tinh hoa đúng nghĩa, trong suốt hàng chục năm trời miền Bắc đã không cho ra đời một sản phẩm có uy tín.
Còn ở miền Nam Việt Nam thì sao? Có thể nói đó là nơi hội tụ tinh hoa Việt để làm nên những giá trị và thành tựu khá rực rỡ. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là minh chứng rõ nét. Vị giáo sư không gian này sinh ra ở Yên Bái nhưng đã lựa chọn miền Nam tự do làm quê hương chính. Ông được cả thế giới khoa học không gian biết đến và ngưỡng mộ khi thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền Apollo của NASA. Những lý thuyết của GS Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền Con thoi trở về trái đất an toàn.
Có đội ngũ trí thức giỏi, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao dù ngập tràn binh lửa. Vào năm 1972, Sài Gòn chế tạo thành công máy bay huấn luyện quân sự hai chỗ ngồi mang tên Tiền Phong 001. Vào năm 1974, Sài Gòn cho xuất xưởng mẫu xe hơi La Dalat. Trước năm 1975, miền Nam có những thương hiệu và nhãn hàng nổi tiếng Châu Á như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos( sau đó đổi tên thành P/S và đã bán lại cho một hãng Mỹ), dầu gió Nhị Thiên Đường, sơn Đông Á, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gội Lan Hảo, kem đánh răng Dạ Lan….
Sau biến cố 30-4-1975, Việt Nam được thống nhất. Nhưng các chính sách tàn bạo và sai lầm của Hà Nội như chính sách cải tạo( thực chất là tù không án) đối với quân nhân và viên chức Việt Nam cộng hòa, chính sách cải tạo công thương nghiệp( thực chất là quốc hữu hóa), thay thế các chuyên gia giỏi bằng những người tầm thường trưởng thành từ rừng rú….đã nhanh chóng biến miền Nam thịnh vượng thành một miền Nam tan hoang. Từ năm 1976 đến năm 1989, có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam, trong đó có tầng lớp tinh hoa nhất, đã bỏ nước ra đi để tìm đến bến bờ mới dù biết có thể phải bỏ mạng trên biển cả. Cuộc di cư đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại đã làm nảy sinh một từ vựng mới đau lòng: thuyền nhân. Trong thời gian đó, ở Việt Nam xuất hiện hai câu thơ khuyết danh tác giả nhói lòng: “Người tài thì đã vượt biên- ở lại một lũ vừa điên vừa khùng”.
Sau khi Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam cũng thất bại trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài và giữ chân người giỏi trong nước. Cho dù được ưu đãi về các loại thuế và giá thuê đất, không có một hãng công nghệ nào đặt đại bản doanh hoặc cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hay khu công nghệ cao quận 9- Sài Gòn vẫn chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp trong nước, và những tay chơi nước ngoài có vị thế làng nhàng. Không có trường đại học danh tiếng nào của thế giới mở cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam, và dĩ nhiên là không có một đội ngũ giáo sư người nước ngoài ở sống, nghiên cứu và giảng dạy chuyên nghiệp ở Việt Nam. Các trí thức Việt kiều cũng không chọn Việt Nam là điểm đến để sống, lao động, sáng tạo và cống hiến.
Những giáo sư lừng danh như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn….cũng chọn con đường định cư ở nước ngoài để có điều kiện cống hiến cho khoa học và cho sự tiến bộ của nhân loại. Hiện tại, mỗi năm có hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam vẫn chọn con đường ở lại nước ngoài để có cơ hội tốt hơn. 100% người chiến thắng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở Úc đã ở lại Úc để làm việc. Họ hiểu, họ chỉ phát huy được năng lực và trí tuệ của mình ở một môi trường khác hẳn Việt Nam.
Việt Nam chưa bao giờ thu hút được người giỏi- người tài trong tất cả mọi lĩnh vực. Tại sao lại thế? Có thể người giỏi của thế giới sợ hãi một Việt Nam có giao thông lộn xộn? Có thể họ sợ Việt Nam có môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại? Có thể là thế, nhưng chưa đủ.
Điều quan trọng nhất, những người giỏi- người tài cần có tự do tuyệt đối để thể hiện, để khẳng định mình và để sáng tạo. Nhưng ở Việt Nam, tự do là một món hàng xa xỉ. Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sáng tạo, tự do học thuật, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do xuất bản, tự do biểu diễn….những tiền đề- nền móng cho sáng tạo. Không có sáng tạo, người giỏi- người tài không thể hiện được mình, và họ cùn mòn đi. Và dĩ nhiên, khi không có sáng tạo, đất nước sẽ không theo kịp bước tiến thần tốc của kỷ nguyên số, đất nước mãi mãi rơi vào bế tắc và đói nghèo.
Người tài giỏi bao giờ cũng tìm đến những xứ sở tự do, hay nói cách khác, môi trường tự do luôn có sức hấp dẫn với những người tài giỏi. Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Úc, New Zealand….luôn luôn là những đích đến của những người thông minh và tài giỏi.
Nếu “muốn làm bạn với những người giỏi nhất”, Việt Nam phải xây dựng bằng được một thiết chế xã hội thật sự tự do và các khung pháp lý để bảo vệ tự do. Chim bao giờ cũng đến đậu ở những mảnh đất hiền lành, không bao giờ đậu ở những mảnh đất đầy rẫy cạm bẫy và cấm đoán.
Leave a Comment