Quảng Cáo

Nguyên thủ (Trần Đại Quang) và nhân tâm

Trần Đại Quang

Quảng Cáo

Trân Văn – VOA

Ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đã chết. Phản ứng của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước cái chết của nguyên thủ có rất nhiều điều đáng phải bận tâm…

Bên cạnh những người chung một nhận xét – cuối cùng, ông Quang cũng chết và lần này là chết thật – một số facebooker như Thu Ngoc Dinh đã hệ thống những thông tin có liên quan đến tình trạng sức khỏe – hoạt động của ông Quang trong giai đoạn cuối đời để ai cũng thấy, tuy là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Quang vẫn không được yên thân cho tới lúc chết

… Tháng 7 năm ngoái, người sử dụng mạng xã hội Việt Nam chuyển cho nhau thông tin, sức khỏe ông Quang sa sút tới mức phải sang Nhật xin chữa trị. Tuy chỉ là tin đồn song nhiều người cho rằng tin đồn ấy khả tín vì ông Quang vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc gia.

Cho dù ông Quang là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Chủ tịch Nhà nước, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và cả hệ thống truyền thông chính thức cùng im lặng trước tin đồn ấy. Thế rồi ông Quang xuất hiện trở lại như một cách phủ nhận những đồn đoán không hay về sức khỏe của ông, đồng thời cũng là để chứng tỏ ông vẫn đủ khả năng đảm trách vai trò Chủ tịch Nhà nước.

Tin ông Quang phải sang Nhật xin chữa trị thêm vài lần nữa tiếp tục rộ lên trên mạng xã hội. Ông Quang lại tiếp tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc gia, rồi lại tái xuất hiện… Một số cá nhân, một số diễn đàn điện tử, kể cả một số cơ quan truyền thông chính thức bắt đầu phản pháo, xác định những thông tin về sức khỏe của ông Quang, những ý kiến về việc ông Quang nên nghỉ ngơi hoặc cần phải cắt đặt người khác thay ông Quang trong Bộ Chính trị Đảng CSVN, làm Chủ tịch Nhà nước,… là bịa đặt, ác ý, thậm chí là “luận điệu của các thế lực thù địch, phản động”…

Thế nhưng thiên hạ vẫn tin, tin đồn về sức khỏe của ông Quang chính xác. Lý do, rõ ràng ông Quang tiều tụy hơn nhiều so với trước, sắc diện càng lúc càng nhợt nhạt.

Đầu tháng 9, song song với tin đồn sức khỏe ông Quang đã đến giai đoạn nguy kịch là hình ảnh, thông tin ông Quang dự khai giảng năm học mới ở trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, tiếp ông Chu Cường – Chánh án Tòa Tối cao của Trung Quốc… Thậm chí, cuối ngày 20 tháng 9, hệ thống truyền thông chính thức còn đăng thư ông Quang gửi “các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước” nhân dịp Tết Trung thu 2018, dặn dò các cháu “thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy”.

Trưa ngày 21 tháng 9, chưa đầy một ngày sau khi thư ông Quang gửi “các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước” được hệ thống truyền thông chính thức công bố, cũng hệ thống truyền thông chính thức loan báo, ông Quang đã qua đời lúc 10 giờ 5 phút ngày 21 tháng 9, do “mắc bệnh hiểm nghèo”, dẫu được “các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng đã không qua khỏi”.

Một vài facebooker xem chuyện ông Quang, tuy “mắc bệnh hiểm nghèo” vẫn phải biểu diễn “còn đủ sức khỏe để phục vụ” là bằng chứng về sự táng tận lương tâm của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, song có lẽ cũng cần cân nhắc: Vài năm gần đây, qua Internet, người ta không chỉ thấy nhiều thông tin mà còn được xem nhiều hình ảnh được trưng ra như những bằng chứng, chứng minh, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an đã gian lận tuổi (xin xác nhận sinh năm 1956 chứ không phải sinh năm 1950 như đủ loại giấy tờ tùy thân đã ghi nhận) để không phải về hưu và được phân công làm Chủ tịch Nhà nước. Theo sau scandal loại này, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải ban hành hướng dẫn, trong tương lai sẽ xác định tuổi theo các giấy tờ tùy thân, không chấp nhận cách tính lại tuổi bằng văn bản của các cơ quan hành chính… Nếu thật sự ông Quang muốn nghỉ ngơi, Bộ Chính trị có thể giữ ông lại làm Ủy viên? Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể giữ ông lại làm Chủ tịch?

***

Dư luận râm ran về sức khỏe, về trách nhiệm của ông Quang đối với các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Công an thời ông còn làm Bộ trưởng bộ này đã tạo ra một tiền lệ mà một số facebooker như Nguyễn Thiện nhận định: Lần đầu tiên, một nhân vật quan trọng chết mà chỉ hơn một giờ sau là báo chí đưa tin. Tuy nhiên cả hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam, hệ thống truyền thông ngoại quốc lẫn dân chúng không ai biết ông Quang mắc bệnh gì, từ khi nào?

Dẫu “nghĩa tử là nghĩa tận”, ông Quang là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng có thể tìm thấy trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội rất nhiều những ý kiến, nhận định, đại loại như Nhật Tinh Ngao: Chết đúng quy trình, không thì đến Hội nghị Trung ương 8 sẽ bị kỷ luật, rồi khởi tố, nhục hơn con trùng trục. Nguyen Dan: Lâu rồi chưa có quốc tang, giờ làm cái quốc tang cho vui. Song nếu có quốc tang thì phải dẹp các hoạt động vui chơi giải trí trong khi hai ngày nữa đã là trung thu rồi. Bác ơi, bác đi chi giờ nghiệt vậy, cướp cả niềm vui của các cháu, phải chi bác sống ngoắc ngoải thêm chục năm nữa với đồng bào thì có phải các cháu vui hơn không. Tương tự, Nguyen Thanh Nha tâm sự: Chỉ đau bao tử thôi mà viết câu “Các em hãy đến bên anh” không nổi! Song có người bệnh nặng suốt một thời gian dài, sáng hôm sau chết mà ngày hôm trước vẫn viết xong lá thư chúc Tết Trung thu cho thiếu nhi.

Xu hướng đó của mạng xã hội, diễn đàn điện tử khiến Truong Thanh Le khuyến cáo theo kiểu bỡn cợt: Anh em chơi facebook, có ai tiếc thương ông gì mới chết thì lên tiếng đi, đừng để thiên hạ xem facebook rồi nghĩ dân Việt quái dị, nguyên thủ chết mà vỗ tay ăn mừng chớ. Cũng theo khynh hướng này, Nguyễn Đức Long nhận xét: Sống, cống hiến cho cách mạng. Chết, cống hiến cho nhân dân. Hôm nay nhiều người vui vẻ ghi nhận công trạng của anh. Tịnh Văn Võ thì “Chúc cả nước ba ngày quốc tang vui vẻ”. Không ít người hẹn nhau ăn nhậu nhân dịp quốc tang và mong có thêm thật nhiều quốc tang!

Từ những diễn biến như đã kể trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử, Pham Nguyen Truong nhắc nhở: Toàn đảng và từng đảng viên hãy nhìn phản ứng trước cái chết của Trần Đại Quang mà điều chỉnh ngay lập tức cách hành xử thì may ra mới kịp. Pham Doan Trang cảnh báo: Khi trở thành lãnh đạo cao cấp của chính thể cộng sản, hãy cố gắng ý thức, việc “lên” được ghế cao là do mình chọn phe đúng, chạy chọt giỏi, được cấp cao hơn nữa ưu ái, nói theo kiểu tâm linh thì do mồ mả gia tộc mình phát, chứ không phải do năng lực của mình và do dân có cơ hội lựa chọn mình trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan nhất thời, dân vạn đại. Đảng phái cũng chỉ là một tổ chức, không quang vinh muôn năm được. Thành ra hãy cố mà ăn ở cho phải đạo, sao cho tới lúc chết còn có người chạnh lòng, hay cao hơn là khen ngợi thành tựu, công trạng của mình khi còn sống. Đừng để bị bêu riếu như là kiến trúc sư của những chiến dịch “cải cách ruộng đất”, “cải tạo tư sản”, bịt miệng văn nghệ sĩ, đánh phá mạng Internet, hay là tác giả chính của những đạo luật như An ninh mạng.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux