Phạm Chí Dũng – VOA
Lịch sử chính trị đã vô số lần chứng minh rằng ngay cả những người quen não trạng phát ngôn vô thưởng vô phạt hoặc ba phải nhất cũng không tránh được ít nhất một lần bị độc tài bịt miệng.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – người mà mới đây đã gián tiếp thừa nhận được hưởng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa “chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được“, nhưng lại đã góp công không ít cho một chế độ độc tài đang biến tiếng Việt thành một cái thùng rác của các dự án ‘cải cách’ ăn đậm ngân sách và tiến đóng thuế của dân – là một minh chứng mới nhất của lịch sử chính trị hiện đại ở Việt Nam.
Nguyễn Thị Kim Ngân ‘yêu nước’?
“Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại” – Nguyễn Thị Kim Ngân bất chợt ‘mở miệng’ trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội vào trung tuần tháng Chín năm 2018, để sau đó “Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) và anh Phùng Quốc Hiển (Phó chủ tịch Quốc hội) xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này” .
Đây là một lần hiếm hoi mà bà Ngân tỏ ra quan tâm đến ý kiến trái chiều của người dân và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau khi những phát ngôn của bà Ngân được báo Thanh Niên tường thuật nguyên văn, toàn bộ nội dung phát ngôn đó đã biến mất khỏi bài báo.
Chẳng có gì khó hiểu nếu liên hệ với thủ pháp ‘xóa gỡ thông tin xấu độc’ mà Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn thường yêu cầu các nhà mạng và báo điện tử nhà nước phải cắm mặt cung cúc làm theo từ trước tới nay.
Hiện tượng báo Thanh Niên phải ‘xóa thông tin xấu độc’ về phát ngôn của Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra trong bối cảnh hàng trăm nhân sĩ, trí thức gửi một kiến nghị thư cho giới chóp bu Việt Nam, yêu cầu xóa bỏ Thông tư số 19 của Ngân hàng nhà nước về việc cho phép 7 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam được dùng đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc để thanh toán.
Về thực chất, Thông tư 19 đã hợp thức hóa cho thực tế đồng CNY đã được lưu hành và thanh toán tràn lan ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong hàng chục năm qua, bất chấp những quy định của Hiến pháp về tiền tệ và Pháp lệnh Ngoại hối.
Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, Thông tư 19 bị xem là một thất bại lớn, một thất bại cố ý và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô – được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 – đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn ‘sáp nhập tiền tệ’ trước khi tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’.
‘Bịt miệng’ dày đặc chưa từng có!
Chỉ trong hai năm 2017 và 2018, số quan chức cao cấp bị ‘bịt miệng’ đã dày đặc hơn hẳn nhiều năm trước đây. Một vụ cho năm 2017 và ba vụ khi năm 218 chỉ mới qua 3 quý đầu.
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang, và giờ đây là Nguyễn Thị Kim Ngân.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng.
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – đăng trên báo Tuổi Trẻ – đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Trần Đại Quang Nguyễn Thị Kim Ngân – hai nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang và bà Ngân cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Xung đột ngầm?
Nguyễn Thị Kim Ngân, ‘trưởng thành cách mạng’ từ tỉnh Bến Tre, được dư luận chung đánh giá là một người đàn bà có trí tuệ rất khiêm tốn, ưa diện những chiếc áo dài giá hàng trăm triệu đồng và thuộc dạng ‘ngoan hiền dễ bảo’ trong chính trường – nền tảng vững chãi để ‘đi lên’.
Từ khi trở thành người đứng đầu cơ quan dân cử tối cao ở Việt Nam, bà Ngân thậm chí còn hiếm hoi phát ngôn mang tính ‘phản biện’ hơn cả người tiền nhiệm là Nguyễn Sinh Hùng, trong khi ấn tượng lớn mà bà đã tạo ra là triệt để tuân thủ quan điểm ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ của Nguyễn Phú Trọng khi tiếp tục nhét vào ngăn kéo hai dự luật về quyền biểu tình và về quyền lập hội của người dân – được hiến pháp công nhận từ năm 1992.
Vào tháng Năm năm 2016, khi nổ ra phong trào biểu tình quy mô lớn và trên diện rộng của nhân dân các tỉnh miền Trung phản đối thảm họa xả thải của nhà máy Formosa, Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ dùng từ ‘sự cố’ đối với thảm họa này mà còn quy kết ‘các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối’. Toàn bộ Quốc hội đã câm nín trước thảm họa này.
Hai năm sau đó, bà Ngân lại một lần nữa nổi tiếng với phát ngôn ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ trước một quốc hội ‘nghị gật’, như một cách nói nặng thói áp đặt hầu mong ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà người dân dùng để gọi Luật Đặc khu) được thông qua nhanh chóng với tỷ lệ ‘thống nhất cao’.
Nhưng hiện tượng ‘mở miệng’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về Thông tư 19 của Ngân hàng nhà nước lại cho thấy ít nhất một tấm màn hé mở: chủ trương ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc Việt Nam’ đã không nhận được sự đồng thuận cao của ‘tập thể Bộ Chính trị’, có thể bởi những lý do thuộc về lợi ích hay quyền hành cá nhân chứ không đặt trên căn bản lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Hiện tượng ‘phản biện’ của Nguyễn Thị Kim Ngân – người không có thói quen nói đến những vấn đề nhạy cảm chính trị – về Thông tư 19 cho thấy văn bản này có thể đang biến thành một tâm điểm tranh cãi và phát sinh mâu thuẫn nội bộ gay gắt, thậm chí còn có thể trở thành một trong những hạt nhân cho cuộc xung đột chính trị tương lai trong đảng.
Hiện tượng ‘mở miệng’ và sau đó bị ‘bịt miệng’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ Việt Trung ngày càng căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở quy mô vừa trong tương lai không xa, cùng lúc diễn ra những xung đột ngầm của một quan điểm – lực lượng tạm gọi là ‘giãn Trung – hướng Mỹ’ với thế lực ‘thân Trung’, và với một bộ phận quan chức bị dân xem là ‘bán nước’ trong nội bộ đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Leave a Comment