Ngày 31 tháng 8 vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin đã ra lệnh “thu hồi” cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” vừa mới phát hành vào đầu tháng 7 có nội dung kể lại việc tàu chiến Trung Cộng đã đánh chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 3 năm 1988.
Đây là tập sách mang tính chất lịch sử, được Tướng Lê Mã Lương cùng với một số người bắt đầu chuẩn bị biên soạn vào năm 2014 sau khi Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam. Có 68 người đã đóng góp và ghi lại những ký ức về cuộc thảm sát ở đảo Gạc Ma, khi 3 tàu chiến Trung Quốc đã bắn xối xả vào 64 binh sĩ lúc đó đứng thành một vòng tròn bảo vệ đảo, vì họ được lệnh “không được nổ súng.”
Lệnh thu hồi này xảy ra đúng vào thời điểm đánh dấu 60 năm ngày ông Phạm Văn Đồng ký bản công hàm bán nước. Ngày 14 tháng 9 năm 1958, ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đã gửi một công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai thông báo về việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “tán thành” và “tôn trọng” “bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.”
Sau này, Bắc Kinh luôn luôn dựa vào công hàm này như một trong những bằng chứng cho thấy chính quyền CSVN đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Hải quân Trung Cộng đã chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974 và năm 1988. Trong khi đó, CSVN thì phản bác rằng công hàm Phạm Văn Đồng không hề công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc vì trong công hàm không có chỗ nào nói tới hai quần đảo này.
60 năm đã trôi qua, những vấn đề của lịch sử dường như đã không lui về quá khứ mà vẫn luôn luôn ám ảnh đến tương lai Việt Nam. Tương lai đó chính là tiến trình Hán hóa đang diễn ra hàng ngày trên đất nước: Từ thiết lập 3 đặc khu Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc nằm trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình, cho sử dụng đồng Nhân Dân Tệ công khai tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc, cho đến việc cho người dân Trung Quốc được lái xe vào thẳng Lạng Sơn, đã báo hiệu nguy cơ mất nước trước mặt.
Thật vậy, sau chuyến đi thăm Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2017 của ông Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội và Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc “xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, nằm trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” gồm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, dự trù đến năm 2020 phải hoàn tất. Sau chuyến đi này, đầu tư Trung Quốc đã ào ạt đổ vào Việt Nam: Trong năm 2017, có hơn 480 dự án của Trung Quốc với tổng trị giá 2,2 tỷ Mỹ Kim được đăng ký, bằng một nửa ngân khoản đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong 10 năm trước đó. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018 có non 200 dự án mới của Trung Quốc, đặc biệt trong lãnh vực cộng nghiệp, đã đăng ký tại nhiều tỉnh thành.
Tờ báo VNExpress đã có một bài viết mô tả đầu tư Trung Quốc hiện nay là một nguy cơ sẽ “mang nhiều lụt lội” đến Việt Nam, trong khi các nước như Mã Lai, Phi Luật Tân thì lại đắn đo và từ chối dòng đầu tư ào ạt từ Trung Quốc.
Chính vì không muốn gây khó chịu cho Bắc Kinh trong lúc đang mở cửa thu hút đồng Nhân dân tệ và dòng người Trung Quốc đổ vào các tỉnh thành để cứu nền kinh tế Việt Nam đang thất thu trầm trọng, CSVN đã không chỉ thẳng tay đàn áp những người dân từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc qua các bản án nặng nề, mà còn ngăn chận cả những xung đột Việt-Trung trong quá khứ. Đó là lý do vì sao tập sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử đã bị thu hồi sau hàng trăm lần chỉnh sửa để làm hài lòng các quan kiểm duyệt ở Cục Xuất bản của Bộ 4T.
Trung Hoa Mộng của Tập Cận Bình qua sáng kiến “một vành đai – một con đường” chưa biết là có thể qua mặt được Hoa Kỳ vào năm 2035 để thống lãnh toàn cầu hay không, nhưng hệ quả của tham vọng nói trên, đang là nguy cơ Hán hóa của dân tộc chúng ta. Mặc dù CSVN đã cho lùi việc thông qua dự luật đơn vị hành chánh đặc khu vô hạn định, nhưng sự kiện âm thầm cho xây dựng phi trường, khu công nghiệp ở Vân Đồn, phân lô bán đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc để xây dựng resort, casino ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong đã biểu hiện quá rõ bản chất tay sai bán nước của tập đoàn CSVN.
Thái độ “bám Trung” của lãnh đạo đảng CSVN càng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc bị Tổng Thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, sẽ chuyển sàn sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế. Các đặc khu kinh tế do Trung Quốc làm chủ sẽ tiếp tục tràn lan tại Việt Nam!
Muốn nhanh chóng chấm dứt vấn nạn “Hán hóa”, dân tộc Việt Nam phải cùng nhau đứng lên làm nhiệm vụ lịch sử, trước khi quá trễ vì chính sách xâm lược mới của Bắc Kinh.
Leave a Comment