Trúc Giang (VNTB)
Chiều 4-9, một nhà báo tự do ở quận 9, Sài Gòn đã bị đám đông tấn công. Sáng 5-9, tại quận Gò Vấp, Sài Gòn, cửa rào của một nhà báo quốc doanh bị ai đó treo một đầu của con chó bị cắt nham nhỡ, kèm tin nhắn qua điện thoại yêu cầu phải gỡ hết các bài viết tố cáo lãnh đạo tham nhũng…
Nhà báo tự do kể trên năm nay tuổi gần 70. Ông là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Ông bị ‘nhóm người lạ’ tấn công trực diện đến mức phải vào bệnh viện để băng bó vết thương, và phải nằm tịnh dưỡng.
Còn ông nhà báo thuộc cơ quan nhà nước thì tuổi chưa đến 40, không những bị hăm he ‘cắt đầu’, mà ‘nhóm người lạ’ còn đến tận nhà để đe dọa cha mẹ của ông. Lý do là nhà báo này đang có loạt bài khui lại một vụ chiếm đất kéo dài suốt 40 năm qua tại một huyện ngoại thành Sài Gòn.
Chứng cứ ghi nhận ban đầu từ đồng nghiệp của cả hai vị nhà báo nói trên, cho thấy ở đây vụ hành hung và đe dọa từ ‘nhóm người lạ’ đều có bóng dáng bảo kê của thế lực thuộc công quyền. Điều này cho thấy dường như sức mạnh của cơ bắp đang được cả chính những người trong bộ máy chính quyền, hoặc từng giữ vị trí trong bộ máy này, sử dụng để trừng trị bất kỳ nhà báo nào dám học đòi cụ Đồ Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
“Chúng tôi chờ cả 20 phút không thấy Công an đến, tôi gọi Cảnh sát 113 lần nữa, Cảnh sát 113 bảo tôi đọc số nhà gần đó, số 14D đường 990. Sau đó nhiều người xúm lại hỏi thăm và chờ Công an đến, mãi đến gần 18g30 Công an phường mới đến cùng một dân phòng…”. Ông nhà báo tự do kể, và nói thêm rằng chuyện bị hành hung như vầy với ông không mới mẻ, bởi có lần ông còn bị đánh tét đầu, phải nằm ở bệnh viện Sài Gòn đến 7 ngày. Mặc dù ông đã trình báo và làm các thủ tục hành chánh cho yêu cầu tố tụng của một vụ án, song mọi chuyện vẫn không được giải quyết rốt ráo, mà cứ dằn dai.
Ông nói mình tôn trọng pháp luật, sẳn sàng kiên nhẫn theo từng bước thủ tục để yêu cầu làm rõ ‘nhóm người lạ’ là ai, và pháp luật phải được thực thi đúng như tuyên bố “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Điều 2, Hiến pháp 2013); và “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20, Hiến pháp 2013)
Ngay cả việc ông có những ý kiến mang tính phản biện về các chính sách, thì đây cũng là quyền tự do chính trị của công dân đã Hiến pháp bảo hộ tại Điều 14, Hiến pháp 2013. Không phải vì lên tiếng như thế mà ‘nhóm người lạ’ có quyền hành hung ông.
Còn ở vụ việc của nhà báo quốc doanh, theo quy trình thì sự lên tiếng ngoài đương sự, còn có ở chính cơ quan báo chí nơi người ấy làm việc; ngoài ra còn thêm cơ quan chủ quản và Hội Nhà báo nơi nhà báo ấy đang sinh hoạt. Nói như vậy để thấy rằng mặc dù có hàng loạt cơ quan chức năng ít nhiều quyền lực, song dường như các ‘nhóm người lạ’ không hề e dè, không hề kiêng nể.
Một vụ việc gần nhất có lẽ đang đi vào ngõ cụt là vụ phóng viên Hải Đường, tức Đặng Thị Tuyền, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM (Văn phòng đại diện tại Hà Nội). Ngày 10 tháng sáu, 2018 Tuyền mất liên lạc với gia đình. Khoảng 17 giờ ngày 12 tháng sáu, thi thể Tuyền được phát hiện trôi xa hơn 2 cây số mắc vào bãi giữa sông Hồng, ở khu bến đò Vạn Phúc.
Theo nhiều đồng nghiệp vào cuộc vụ này, thì rất có thể đây là đòn răn đe khi nữ ký giả này tiếp tục lăn xả điều tra và thực hiện loạt bài viết về thu hồi đất trái quy định của chính quyền Hà Nội.
“Nhóm người lạ’ công khai đánh người dân đang thực hiện quyền biểu tình. ‘Nhóm người lạ’ sẳn sàng ra đòn trực diện một nhà báo lớn tuổi, cô thế. ‘Nhóm người lạ’ cũng chẳng ngại gì các nhà báo quốc doanh, không những hăm he, mà còn có thể lấy luôn cả tính mạng.
Những ‘nhóm người lạ’ ấy là ai?
Leave a Comment