Không có nhiều lý cớ để Tổng bí thư Trọng tiếp tục “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với liên bang Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả” trong chuyến công du Cộng hòa liên bang Nga từ ngày 5 đến 8 tháng Chín năm 2018, bởi chỉ mới hồi giữa năm ngoái, một quan chức khác trong ‘tứ trụ’ ở Việt Nam là Trần Đại Quang – Chủ tịch nước – cũng đã đi Nga với những mục đích có vẻ không khác Nguyễn Phú Trọng đến một dấu phẩy.
Mở rộng thị trường xuất khẩu?
Ngoài mối quan hệ truyền thống có đến hơn 90% vũ khí của quân đội Việt Nam đang sử dụng là của Nga theo chính sách mua rẻ hoặc mua chịu, từ nhiều năm qua giá trị thương mại song phương Việt – Nga vẫn giẫm chân tại chỗ. Hết năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Liên bang Nga vẫn chỉ đạt 3,5 tỷ USD, trong đó phần xuất khẩu của Việt Nam là 2,1 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Nga đạt 1,4 tỷ USD. Tuy Việt Nam được tiếng là xuất siêu nhưng về thực chất giá trị thương mại Việt – Nga chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam (hơn 400 tỷ USD), trong khi chỉ chiếm vài phần ngàn so với kim ngạch thương mại giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Nếu quả đúng là Nguyễn Phú Trọng đi Nga nhằm tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu thay cho tình trạng lẹt đẹt hiện thời, chuyến đi này là sự tiếp nối cho một chuyến đi khác vừa diễn ra vào tháng Tám năm 2018: Trần Đại Quang đi Phi châu để gặp ‘đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Phi’ là Ai Cập, và nền kinh tế lớn nhất của Đông và Trung Phi là Ethiopia.
Hiện tượng giới chóp bu Việt Nam phải đi tìm kiếm thị trường ở Ai Cập và Ethiopia – những quốc gia có giá trị song phương thương mại với Việt Nam chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu USD/năm – cho thấy hàng xuất khẩu Việt Nam ra thế giới đang ngày càng bế tắc.
Hiện tượng trên lại nằm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ – một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đang đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam.
Từ năm 2017 đến giữa năm 2018 đã mở đầu bằng hàng loạt “điềm xấu” dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ: Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn 25%. Cộng hưởng với việc bị Liên minh châu Âu “rút thẻ vàng” đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló “thẻ đỏ”, kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể so với doanh số năm 2017, càng khiến chân đứng của nền ngân sách Việt Nam nhanh chóng ruỗng mục.
Trong khi đó, EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) vẫn chưa đâu vào đâu. Sau khi đạt ‘thành tích’ kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý kéo dài đến hơn 2 năm thay vì thông thường chỉ mất 6 tháng, hiệp định này vẫn còn phải chờ đợi Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu ký kết và thông qua, nhưng với một điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền một cách có thể chứng minh được chứ không phải theo thói đầu môi chót lưỡi như trong vô số lần trước đây.
Vụ mỏ Lan Đỏ?
Trong hai năm 2017 và 2018, chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, đã lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở phía Nam và mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển miền Trung trước đe dọa của Trung Quốc, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau hai lần liên tiếp phải tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến đầu năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng ngay cả Rosneft của người Nga cũng rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Năm năm 2018, Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Giờ đây trong cơn túng quẫn ngân sách và bế tắc khai thác dầu, phải chăng Tổng bí thư Trọng đi Nga còn nhằm mục đích thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ?
Nhưng người bạn được xem là truyền thống ấy của Việt Nam lại đã không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm, đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga có thể được lý giải phần nào: Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ.
Và nếu Putin và Tập Cận Bình thỏa thuận được với nhau một lợi ích nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ mà Rosneft hợp tác với Việt Nam cùng khai thác, tương lai chắc chắn là Rosneft cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.
Nhưng ngoài hai mục tiêu thương mại song phương và mỏ Lan Đỏ, ông Trọng còn muốn nhắm đến mục đích nào khác ‘nhằm củng cố tin cậy chính trị’?
‘Bỏ nhỏ’ vụ Trịnh Xuân Thanh?
Từ sau vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào tháng Bảy năm 2017, Liên minh châu Âu đã thực sự ‘mở mắt’ trước một Việt Nam nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ‘vô số luật nhưng chỉ dùng Luật Rừng’, trong bối cảnh cơn khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt đã lan sang Slovakia và cả một phần khối châu Âu như Pháp và Ba Lan, kể cả một nước không thuộc EU là Nga.
Theo truyền thông Đức, sau khi bị bắt cóc ở Berlin và đưa tới Bratislava, Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa lên máy bay để bay thẳng từ Slovakia, qua không phận Ba Lan đến thủ đô Moscow của Nga.
Không thể cho rằng một bộ máy cơ quan an ninh và cảnh sát dày đặc ở Nga lại không thể nắm được chút manh mối nào về sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh ở Moscow. Hoặc nếu cảnh sát Nga chưa nắm được nhưng sẽ được các cơ quan tư pháp của Đức và Slovakia cung cấp đủ bằng chứng về vụ này, cộng thêm sức ép rất lớn từ rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới ồ ạt ‘tham chiến’ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, liệu người Nga có thể hay có dám bỏ lơ vụ mất mặt quốc tế này? Tổng thống Putin sẽ phải có chính kiến ra sao?
Khác nhiều với hai trường hợp Slovakia và ngay cả Cộng hòa Zcech có thể chẳng còn quá nồng nhiệt chào đón chuyến viếng thăm của ông Trọng trong lúc các đảng phái đối lập tại Slovakia đang chực chờ một chiến dịch biểu tình lớn nhằm phản đối vụ Bộ Nội vụ nước này có nhiều dấu hiệu tiếp tay cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nước Nga hẳn phải là địa chỉ mà Nguyễn Phú Trọng nhen nhóm hy vọng cuối cùng.
Giữa tháng Tám năm 2018, đã có tin cho biết Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ sang thăm ba quốc gia châu Âu vào đầu tháng 9/2018, có thể là để xoa dịu sự bực bội của các nước này sau vụ Trịnh Xuân Thanh’.
Nga chính là nước đầu tiên và ‘dễ ăn’ nhất và dễ cho Việt Nam ‘bỏ nhỏ’ hơn cả về vụ bắt cóc.
Putin sẽ đánh đổi thể diện nước lớn để khỏa lấp vụ mật vụ Việt Nam ‘trung chuyển’ Trịnh Xuân Thanh qua Moscow?
Khó mà biết được, cũng như đã chỉ hiếm hoi số người đoán được Putin sẽ hành động ra sao từ trước đến nay.
Nhưng thái độ im lặng của Nga suốt từ khi nổ ra vụ Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cho tới nay có lẽ đang gieo vào tâm trí Nguyễn Phú Trọng một hy vọng chấp chới: tinh thần ‘đồng chí’ thời xô viết./.
Leave a Comment