“Chúng tôi cùng đồng hành với Trần Huỳnh Duy Thức để yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải thượng tôn pháp luật”

Giáo xứ Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
- Quảng Cáo -
Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-09-06
Tính đến ngày 6/9, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 24 ngày, và ông tuyên bố vẫn tiếp tục tuyệt thực để phản đối đòi hỏi từ phía công an rằng ông sẽ được đặc xá nếu như ông nhận tội, cũng như trại giam hạn chế đối với thư tín của ông gửi ra ngoài.
Đài RFA có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức; cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, là người cũng đã bị bắt và bị tuyên án tù trong cùng vụ án với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức; và tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già để biết thêm thông tin về sự sống còn của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, mà không ít người ưu ái gọi ông là “Nelson Mandela Việt Nam”.
Trước hết, bà Trần Thị Diệu Liên chia sẻ về chuyến thăm gặp mới nhất vào ngày 31 tháng 8 vừa qua.
Gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức
Bà Trần Thị Diệu Liên: Chuyến đi thăm vào ngày 31 tháng 8 là chuyến đi ngoài tiêu chuẩn của gia đình. Trong tháng 8 thì gia đình đã đi thăm vào ngày 18/8 rồi. Và tại thời điểm đó, Thức tuyên bố tuyệt thực từ ngày 14/8. Chúng tôi muốn thực hiện chuyến đi ngoài tiêu chuẩn là vì gia đình rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của Thức. Gia đình đã nhiều lần gọi điện thoại liên tục đến trại giam để hỏi về tình hình sức khỏe của em mình, nhưng chúng tôi hoàn toàn không có một thông tin nào từ trại giam, và chúng tôi quyết định đi. Chúng tôi cũng muốn cần có một gặp giữa gia đình với ban lãnh đạo của trại giam là để tìm hiểu và yêu cầu họ hãy ngưng đàn áp Thức, để dẫn đến tình trạng Thức phải tuyệt thực.
Trước khi lên đường thì chúng tôi vẫn trên tinh thần là sẽ động viên Thức để Thức ngừng tuyệt thực. Thật sự, khi chúng tôi gặp Thức, chúng tôi thấy Thức tuyệt thực là không phải đòi hỏi tự do cho riêng mình, mà Thức đòi hỏi công lý ở Việt Nam phải được thực thi. Điều đó, chúng tôi đã biết suốt bao nhiêu năm Thức dấn thân, cho nên mặc dù là rất xót xa và rất thương em của mình, nhưng mà chúng tôi đành quyết định và phải đồng hành hỗ trợ cùng với Thức trên con đường đấu tranh này. Từ hôm đó đến nay thì gia đình không nhận được thông tin gì về Thức hết.
Hòa Ái: Và bây giờ, một câu hỏi dành cho Blogger Nguyễn Ngọc Già, ông nhận định như thế nào về tình trạng các tù nhân lương tâm, trong thời gian gần đây phải tuyệt tực để phản đối cách hành xử hà khắc của trại giam, qua trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?
Blogger Nguyễn Ngọc Già

Blogger Nguyễn Ngọc Già: Theo ý kiến của tôi thì chúng ta phải thấy nhà tù là nơi thực thi pháp luật. Nhưng tình trạng hiện nay tại các nhà tù làm người dân hình dung về một hang ổ dùng để tra tấn, đày đọa, và ghê sợ nhất đó là sự trả thù được thực hiện tại các nhà tù. Tôi cho đó là tín hiệu SOS mà nhà cầm quyền Việt Nam phải lưu tâm. Bởi vì, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm thuộc Liên Hiệp Quốc, được hàng trăm quốc gia công nhận, không thể để tình trạng vô pháp như vậy được.

Bên cạnh đó, còn có Thông tư 27 của Bộ Công An, có hiệu lực từ ngày 06/10/17, tức là còn rất mới, do ông Tô Lâm ký, quy định về quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân. Trong đó, điều 4 và điều 7 quy định rất rõ, nhưng thực tế thì giới công an không thi hành; do đó, trại tù Nghệ An đặt ra luật lệ riêng. Với tư cách là người đã từng ở tù, tôi khẳng định toàn bộ tất cả trại tù trên toàn quốc hiện nay, mỗi giám thị là một lãnh chúa; họ tự đặt ra luật riêng. Điều đó, chính là họ đang làm xói mòn lòng tin của dân chúng dành cho nhà cầm quyền, chứ không phải do thế lực thù địch nào cả.
Còn riêng về chị Quỳnh và anh Thức thì hình thức tuyệt thực giống nhau, nhưng nội dung khác nhau. Chị Quỳnh tuyệt thực để phản đối trại tù dùng “tù trị tù” để sỉ nhục nhân phẩm và đe dọa sinh mạng của mình. Trong khi anh Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật. Anh Thức nhấn mạnh rằng dù có đặc xá thì anh ấy cũng không chấp nhận, bởi đơn giản là anh Thức không có tội. Do đó, đặc xá dù ở gốc độ nào chăng nữa thì vẫn đồng nghĩa là có tội; trong khi những chứng cớ trước đây, mà mọi người thấy để kết tội anh Thức, thì đó là những quan điểm khác biệt không trái lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong tất cả các bộ luật hiện hành, không có một bộ luật nào mà có bất kỳ điều, khoản nào buộc người tù phải nhận tội thì mới được thả. Do đó, ép anh Thức nhận tội thì không chỉ vô pháp, vô lý mà còn là tư duy quá lạc hậu.
Tóm lại, việc anh Thức tuyệt thực là anh ấy đang đòi hỏi chung, chứ không phải cho cá nhân anh ấy. Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng tuyệt thực là phương pháp cuối cùng của những người đấu tranh ôn hòa, nhưng nó chỉ có giá trị đối với những xứ sở tồn tại quyền con người. Rất tiếc, ở Việt Nam thì chúng ta vẫn đang phải đấu tranh cho điều đó.
Hòa Ái: Xin được trở lại vớibà Trần Thị Diệu LiênThưa bà, sau chuyến thăm của gia đình đến gặp ông Trần Huỳnh Duy Thức vào ngày 31/8 thì gia đình đã kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông Trần Huỳnh Duy Thức để đấu tranh cho tự do nhân quyền của Việt Nam. Bà cảm nhận thế nào khi có rất nhiều người ủng hộ việc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực và bà có nghĩ rằng phong trào đồng hành này sẽ có tác động hiệu quả đến Chính quyền Việt Nam trong việc trả tự do cho em trai của bà?
 Trần Thị Diệu Liên: Gia đình chúng tôi rất ấm lòng khi biết rằng có rất nhiều người đang đồng hành cùng đi trên con đường với Thức. Và tôi cũng tin rằng Thức rất là vui và vững tin khi biết được rằng bên ngoài có những người bạn cũ, những người bạn mới và có những người chưa từng quen biết và họ đang tiếp sức và tiếp lửa để cùng đi trên con đường với Thức.
Còn về việc có nghĩ được rằng động thái của Chính quyền Việt Nam như thế nào, thì tôi có suy nghĩ như thế này: Về việc Thức được tự do thì tôi nghĩ rằng ai cũng mong muốn điều đó hết. Việc Thức có tội hay không thì tôi nghĩ cũng đã có câu trả lời. Việc mà gia đình đang quan tâm lúc này không phải là Thức được thả ra như thế nào, thả ra làm sao mà việc gia đình chúng tôi quan tâm là về sức khỏe của Thức, và chúng tôi làm sao để Thức có thể tiếp tục thực hiện được những ước mơ, hoài bão mà Thức luôn dành cho Việt Nam. Và, tôi cũng rất tin tưởng vào sức mạnh của người dân, khi chúng ta biết kết hợp cùng nhau lên tiếng đòi hỏi một điều chính đáng bằng cách thức ôn hòa, thì lúc đó chính quyền phải biết lắng nghe và đối thoại.
Hòa Ái: Xin thưa với ông Lê Thăng Long, theo như phân tích pháp lý của Luật sư Ngô Ngọc Trai, là luật sư tư vấn cho gia đình của ông Thức, thì ông Trần Huỳnh Duy Thức phải được trả tự do. Nhưng, có một mấu chốt ở chỗ, như Luật sư Lê Công Định cho rằng Chính quyền Hà Nội không muốn làm việc này, bởi vì như thế thì sẽ buộc phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với những người đang bị bắt giam vì tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông dự đoán như thế nào về sự tự do của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, thưa ông?
Anh Lê Thăng Long

Ông Lê Thăng Long: Thật sự, mọi người đều mong anh Thức được về sớm nhất, và điều đó chỉ xảy ra khi nhà cầm quyền nhận thấy được: thứ nhất là người ta cũng hiểu ra, thứ hai là người ta cảm thấy yên tâm khi anh Thức ra thì anh Thức không gây nguy hại gì cho họ.

Theo tôi, vụ án của anh Thức và chúng tôi thì có những nhận định sai và dẫn đến kết án sai. Thứ hai, anh Thức từ khi thụ án đến giờ luôn thể hiện là một người rất nghiêm túc, không có tội thì không nhận. Thứ ba, theo Bộ luật Hình sự mới thì cần phải trả tự do cho anh Thức đúng luật, Nhà nước Việt Nam cần phải thực hiện điều đó. Thứ tư là từ cả một quá trình trước giờ những phản hồi của anh Thức ra bên ngoài nhà tù; bao gồm thư từ, tất cả mọi thứ đều hết sức ôn hòa và hết sức vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc và của tất cả mọi người; cho nên không có việc gì phải giữ anh Thức nữa.
Tôi mong rằng và tôi nghĩ rằng việc trả tự do cho anh Thức sẽ sớm xảy ra. Có thể có một bước tiến ban đầu, vì giữ thể diện hay gì đó, thì sẽ thả anh Thức ra với hình thức chẳng hạn như chữa bệnh. Đó cũng là một bước tiến để chúng ta đạt tới một giải pháp tổng thể hơn, không những cho anh Thức mà cho tất cả mọi tù nhân lương tâm, cũng như cho đất nước của chúng ta để hướng tới dân chủ, văn minh thật sự tốt đẹp hơn.
Hòa Ái: Xin được chân thành cảm ơn bà Trần Thị Diệu Liên, ông Lê Thăng Long và Blogger Nguyễn Ngọc Già dành thời gian tham gia buổi hội luận này.
Tham khảo toàn bộ cuộc hội luận:
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here