Nghe tin Quốc Hội lùi thời gian xem xét thông qua Luật đặc khu, tôi coi đó là một hành động tích cực. Trong khi chưa đủ bản lĩnh và sự tử tế để coi việc THUA DÂN là phúc đức cho xã tắc, thì tạm rút lui cũng là một hành động đáng khích lệ. (Mong rằng đây là cái cớ để rút hẳn). Bởi như vậy sẽ có thêm thời gian để những vị đại biểu thực tâm lo cho vận mệnh đất nước, cùng các bậc sĩ phu, dân cày tiếp tục cùng tĩnh tâm suy nghĩ bàn bạc tiếp, lắng nghe ý nguyện của hàng chục triệu người. Thành thật thì tôi không tin triều đình Đại Việt ta lại đã mạt vận đến mức hết sạch hiền tài.
Chuyện thế này.
Năm 658 TCN, Tấn Hiến công sai người lấy ngựa tốt và xe đẹp tặng vua nước Ngu để mượn đường đánh Quắc. Vua nước Ngu tham và nghĩ ngắn bèn bằng lòng, lại còn hứa sẽ không cứu viện cho nước Quắc. Tấn Hiến công mang quân đánh Quắc, chiếm đất Dương Hạ.
Năm 654 TCN, Tấn lại mượn đường nước Ngu để đánh Quắc lần thứ hai. Lần này quan đại phu nước Quắc biết rõ mưu mô của nước Tấn, ra sức can ngăn, nhưng vua Ngu bỏ ngoài tai. Nước Quắc yếu, một mình không chống nổi, lại không có cứu viện của nước Ngu nên bị tiêu diệt.
Sau khi diệt Quắc, Tấn Hiến công rảnh tay mang quân quay lại đánh úp nước Ngu. Nước Ngu mất. Việc mượn đường Ngu diệt Quắc của Tấn Hiến công được đời sau gọi là Giả đạo(đồ) phạt Quắc (假道伐虢), một trong Tam thập lục kế của Trung Quốc cổ đại.
Tấn Hiến công xưa quả là kẻ thâm hiểm, nhiều mưu mô nhưng nếu đem so với kẻ hậu sinh của ông ta là Tập Cận Bình thì chả ăn thua gì. Bởi vì nếu họ Tập thành công trong việc gây sức ép để VN lập ba đặc khu, trong đó có vùng hiểm địa Vân Đồn-cái gai cắm sâu vào niềm hãnh diện của tổ tiên ông ta, thì coi như Tập Cận Bình mặc nhiên là tác giả của KẾ SÁCH THỨ BA MƯƠI BẢY (Tức là Tam thập lục kế phải đổi thành Tam thập thất kế), tạm gọi là: Giả Việt phạt Việt-mượn luôn đường Đại Việt để diệt xứ Đại Việt.
Xưa chỉ vì không nghe lời can gián của Quan đại phu mà Ngu công chết không có chỗ chôn?
Liệu có là bài học xương máu cho Nguyễn công của nước Đại Việt?
Leave a Comment