Chính trị là gì? Là những gì liên đến quyền lực nhà nước. Đối tượng nó tác động là toàn dân, mà đối tượng để nó tồn tại cũng là toàn dân. Như vậy từ khi con người sống có tổ chức thì công tác chính trị đã hình thành. Phương pháp mưu cầu quyền lực nhà nước, người ta gọi là làm chính trị. Chỉ đơn giản là vậy. Thế mà ngày 04/07/2015 ông Nguyễn Phú Trọng ký quyết định số 09-QĐ quy định tiêu chuẩn cán bộ cấp uỷ viên TW là “tuyệt đối không tham vọng về quyền lực”. Nghe nực cười thế nào ấy. Ông Trọng chả hiểu gì về bản chất chính trị cả. Học cả đời với mớ lí luận Mác Lê chỉ hiểu đến đấy.
Thực chất, sự phát triển của một đất nước, sự hùng cường của một quốc gia, trí tuệ của một dân tộc nó phụ thuộc vào bản chất của nền chính trị. Khi nền chính trị kém, vạn chuyên gia kinh tế tế giỏi cũng đầu hàng, triệu bác học thông thái cũng chào thua. Đất nước vẫn ì ạch. Nước Nga là ví dụ, nguồn chất xám của nước Nga rất tuyệt, tuyệt trong mọi lĩnh vực, từ khoa học, âm nhạc, đến văn học vv…đều rất đỉnh. Nhưng nước Nga đã thua Hàn Quốc trong bài toán đưa đất nước đến thịnh vượng. Cơ bản, 2 nước này khác nhau về chất lượng nền chính trị. Chỉ thế thôi.
Trong giáo dục XHCN, những ông viết sách chính trị phân loại chính trị bằng cách dán mác vào các nền chính trị trên thế giới một cách vô cùng phiến diện. Họ phân thế giới thành XHCN và TBCN rồi sau đó tự vẽ rồng vẽ rắn những gì Mác nói, những gì Lê viết và mặc định XHCN tiến bộ hơn. Hàng loạt đầu óc sinh viên bị nhồi sọ cũng nhiễm theo cách phân loại của đám viết sách vô minh ấy nên cũng vô minh y hệt như mấy ông tiến sỹ Mác Lê đó vậy.
Trước 1975, miền Nam phân phía bắc vĩ tuyến 17 là CS và phía họ – phía nam vĩ tuyến 17 là tự do. Cách phân loại đó nó nói lên hiện trạng xã hội 2 phía. Phía bắc mất tự do, phía nam người dân có tự do hơn. Nhìn về xã hội, tôi thấy cách phân biệt này đúng. Nó nói lên bản chất của nền chính trị ấy, chứ không phải kiểu dán nhãn rồi tự huyễn hoặc như cách giáo dục chính trị của phía CS.
Thực chất, lịch sử các nền chính trị trên thế giới xét từ cổ chí kim theo tôi nhìn nhận nó chỉ có 2 loại. Loại chính trị hỗ trợ và loại chính trị loại trừ nhau.
Loại hình chính trị hỗ trợ là gì? Đó là những đảng phái đứng chung nhau trong cùng nhà nước. Giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập là sự bổ trợ. Đảng cầm quyền được đảng đối lập làm cho trong sạch hơn bằng những chỉ trích. Nhân dân có quyền chọn nguyên thủ và người đại diện cho mình trong nghị viện bằng lá phiếu. Có quyền truất phế bất kỳ cá nhân quyền lực nào bằng lá phiếu trưng cầu dân ý và quyền biểu tình. Rõ ràng nền chính trị này là tầng tầng lớp lớp bổ trợ nhau, đảng này bổ trợ đảng khác, nhân dân bổ trợ sự khiếm khuyết nhà nuớc và hiệu chỉnh nhà nước hoàn hảo hơn. Môi trường chính trị này nó sẽ phát huy sức mạnh dân tộc, nâng cao tiềm lực đất nước và tạo sự ổn đinh vững bền. Đó là bản chất của loại hình chính trị các nước tự do.
Loại hình chính trị loại trừ. Điển hình là loại phong kiến tập quyền, và Cộng Sản. Khi nó đến, mục đích là tiêu diệt khác biệt và tạo sự phục tùng. Lịch sử phong kiến là sự chiếm lĩnh một tập đoàn chính trị mới nổi và song song đó là ra tay làm cỏ những người của tập đoàn chính trị cũ. Nhà Trần khi chiếm ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ cho làm cỏ dòng dõi nhà Lý. Cộng Sản du nhập vào Việt Nam, nó làm cỏ mọi tổ chức chính trị khác. Bản chất của nền chính trị CS và Phong kiến tập quyền ngàn năm trước là một, chỉ khác nhau tên gọi. Giữa nhà nước và nhân dân cũng thế, nhân dân hoàn toàn không có một quyền nào để tương tác với nhà nước cả. CS xuất hiện, thì nó loại trừ mọi quyền mà người dân đáng ra phải được hưởng. Các quyền hiến định cho dân chỉ để lừa gạt. Cho nên, trước tư tưởng chính trị khác, CS diệt ngay. Trước đòi hỏi chính đáng của dân, CS đàn áp ngay. Đó là nguyên nhân đất nước không thể phát triển về mọi mặt. Bởi vì, CS chỉ có làm mỗi một việc, bóp nghẹt và tiêu diệt thì mầm móng tiến bộ nào phát triển được? Đó là lý đó vì sao, còn CS đất nước không thể phát triển.
Sự quan tâm đến chính trị của người dân có mạnh hay không nó sẽ quyết định tính sống còn của dân tộc đó. Với Việt Nam, trước mắt, sự quan tâm đến chính trị sẽ tạo cho dân tộc có đề kháng trước hiểm nguy. Formosa xả độc, biểu tình. Luật Đặc Khu đem ra quyết, dân biểu tình làm CS chùn tay. Luật Đặc Khu chưa bị dẹp bỏ hoàn toàn thì biểu tình đòi bỏ hẳn. Như cơ thể con người nhạy phản ứng trước độc tố xâm nhập. Chính sự quan tâm đến chính trị nó quyết đinh dân tộc này sẽ trường tồn hay biến mất. Chuyện thờ ơ chính trị không đơn giản. Nếu không cải thiện nó là tiếng chuông báo tử cho dân tộc đó.
Mọi hướng giải quyết cho đất nước đều bắt đầu từ sự đánh thức lòng dân. Khi dân biết quan tâm đến chính trị, thì dân tộc sẽ dẹp được rào cản đầu tiên đó là CS. Khi người dân biết quan tâm đến chính trị thì đất nước sẽ ngăn độc tài trở lại thời hậu CS. Khi người dân biết quan tâm đến chính trị, thì đó là nền tảng để xây dựng một nền chính trị dân chủ, tự do, công bằng, bác ái để cùng với những nước tự do tiến lên văn minh tiến bộ./.
Leave a Comment