Ông John mất vào lúc chiều 25.8 theo giờ quê ông ấy, chứ nếu còn nằm ở Hỏa Lò thì tức là vào giờ mão Hà Nội sáng nay 26.8. Đi vào giờ mão, khi đã hết canh 5, đã qua đêm, bước sang ngày mới, cũng là điều tốt lành cho cả vong lẫn người thân còn sống. Nghe các cụ bảo vậy. Thôi thì tiễn ông đi về chốn cực lạc, nơi đó không có thứ chính trị phức tạp, không có cả ung thư.
Ngày xưa, ở miền Bắc, chúng tôi nghe đài nhà nước, đọc báo nhà nước, thấy gọi ông là Giôn Mắc Kên. Có đứa thắc mắc chắc “thằng” này cùng họ với thằng Giôn Xơn. Gọi là thằng bởi cụ Hồ từng điểm mặt chỉ tên “Giôn Xơn và bè lũ phải biết rằng…”, thằng là đúng rồi. Có đứa trong lớp 5 tôi học, khi Mỹ bỏ bom xuống trận địa tên lửa Mả Đò, mảnh bom phạt cành tre gần chỗ lớp học sơ tán rào rào, ngồi trong hầm, nó còn buột mồm chửi “địt mẹ thằng Giôn Xơn”.
Đúng thế thật, nó vào Hỏa Lò ít hôm, nhà nước tổ chức cho cụ Tuân vào “phỏng vấn” nó, một cuộc phỏng vấn có một không hai, không tiền khoáng hậu, kinh thiên động địa. Tôi còn nhớ đài hồi ấy có đọc bài phỏng vấn của cụ Tuân, phải hai đêm mới hết, sau này nó được in trong tập “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” năm 1972, nhớ mãi chi tiết cụ nhà văn kể khi “thằng” Giôn Mích Kên (cụ Tuân phiên âm kiểu riêng như vậy) hỏi xin điếu thuốc, cụ bèn hãnh diện mà “tôi cắm điếu thuốc vào mặt thằng Mích Kên”, thứ thuốc Thăng Long nổi tiếng lúc bấy giờ, mà Mích Kên lại rơi trên hồ Trúc Bạch của “Thăng Long phi chiến địa”. Ai cũng lắc đều lè lưỡi, phục cụ nhà văn này làm kiểu gì cũng đắt, cách viết cũng khiếp. Thầy giáo dạy văn của tôi bảo viết “cắm thuốc vào mặt” chỉ có cụ Tuân mới nghĩ ra và viết được. Thầy nói, đó là tư thế của người chiến thắng với kẻ bại trận. Đám chúng tôi phục lăn, mặt cứ nghệt ra, phục cụ nhà văn, phục thầy giáo, ghét “thằng” Giôn Mắc Kên ra mặt.
Lại chút kỷ niệm nữa. Tháng 3.1973, thầy trò khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội lục tục khăn gói quả mướp kéo nhau từ nơi sơ tán huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc ven sông Cầu hồi cư về thủ đô. Thời ấy làm gì có xe ô tô vận chuyển, chỉ rặt đi bộ, mấy chục cây số. Mỗi đứa sinh viên, ngoài hành trang riêng (thường chỉ có cái ba lô lép xẹp) còn phải gùi một bó sách giúp cho thư viện khoa của bác Trinh. Hôm ấy, chả còn nhớ hôm nào tháng 3.1973, vừa ăn tết âm lịch xong được ít ngày, thầy trò về qua ngã tư Sở thì phải dừng lại cho đoàn xe ca Karosa chở phi công Mỹ ra sân bay Gia Lâm. Nhìn nhau rõ lắm. Bọn Mỹ đều thò đầu ra cửa xe, mặc áo đồng phục màu xanh nhạt mới tinh, nhiều đứa vẫy vẫy chào người hai bên đường. Anh Huy Cờ cùng lớp tôi, sau này là nhà văn, nhà viết chèo, người Hà Bắc, cười bảo không biết trong đám kia có thằng Giôn Mắc Kên không nhỉ. Rất nhiều phi công Mỹ bị bắn rơi, bị bắt sống, không nhớ ai, chỉ nhớ “thằng” Giôn Mắc Kên.
Lần cuối nhớ về John McCain là tháng 7.2014 báo chí đưa tin ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Mỹ. Hồi ấy nghe thiên hạ xì xào đồn ông Nghị này sẽ lên Tổng bí thư, cơ cấu rồi, đi cho quen việc quốc gia, chứ cứ quanh quẩn mãi đất Thăng Long thì biết ngày nào khôn. Đi Mỹ thì nhớ ghé thăm Giôn Mắc Kên bởi ông Giôn này với một ông Giôn nữa, cựu binh tham chiến VN, là ông John Kerry, có công lớn lắm trong việc bắc cầu quan hệ Mỹ-Việt. Khổ nỗi, chả biết thằng bá vơ trợ lý nào tham mưu cho ông Nghị, thế là tới thăm Thượng nghị sĩ John McCain, bố Nghị nhà ta tặng ngay cho ông bạn quý của tình hữu nghị Việt-Mỹ một bức ảnh chụp cái đài kỷ niệm xây ven hồ Trúc Bạch tạc khắc chiếc máy bay của ông Giôn bị bắn rơi xuống hồ và ông Giôn đang bị bắt cầm tù. Không nghe báo chí nhà ta tường thuật thái độ của ông nghị sĩ Giôn thế nào, nhưng tôi nghĩ chắc ông ấy sầm mặt xuống. Lão hàng xóm Maddox nhà tôi bảo, tặng đéo gì lại không tặng, chùa Một Cột, tháp Rùa, lăng Bác… chẳng hạn, lại tặng ký ức bới nỗi đau nỗi nhục, ngu đéo gì ngu thế./.
Leave a Comment