Quảng Cáo

Tranh chấp ngôi vị ở đại hội 13

Quảng Cáo

Blogger Người Buôn Gió|

Cuộc chiến tranh giành những chiếc ghế quyền lực trong bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam khoá 13 diễn ra rất sớm, có thể nói là sớm nhất trong mọi nhiệm kỳ của đảng cộng sản trong vòng 70 năm qua.

Ngay khi kết thúc đại hội 12 và vài tháng sau khi quốc hội Việt Nam thông qua các chức vụ trong bộ máy chính phủ, cuộc chiến đã được bắt đầu. Các uỷ viên Bộ Chính Trị như Đinh La Thăng, Trần Đại Quang là hai đối tượng được đưa vào tầm tiêu diệt đầu tiên.

Vì sao lại là hai người này, quan sát thực sự thì đây là 2 nhân vật khá nổi bật trong hàng ngũ các uỷ viên BCT khoá 12, khác với số còn lại mờ nhạt về phong thái cũng như phong cách, uỷ viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng nổi lên như một hiện tượng đầy hưng phấn cho dư luận, bằng những phát ngôn và những hành động quyết liệt như tuyên bố doạ đuổi nhà thầu Trung Quốc, tuyên bố đầy tính thân thiện với Hoa Kỳ…Các lực lượng của phe bảo thủ nhét vào đầu dư luận rằng đó là những trò mị dân hay chiêu trò chính trị của Đinh La Thăng, tuy nhiên không vì thế mà dư luận ủng hộ Đinh La Thăng giảm đi.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thang

Khi Đinh La Thăng đang gây hưng phấn dư luận, bất ngờ vào dịp lễ cách mạng tháng 8, năm 2016. Cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết cần phải uốn nắn và chấn chỉnh những kẻ đi lạc hướng.

Kẻ lạc hướng ở đây không ai khác, chính là uỷ viên BCT Đinh La Thăng, kẻ mà có những phát ngôn cho thấy khó lòng kiểm soát tư tưởng con người này.

Tiếp đến những bài viết trên Facebook của nhà báo Trương Huy San, tức Osin liên tục chĩa mũi dùi vào Đinh La Thăng. Bên trong các cuộc họp bộ chính trị, phó thủ tướng Trương Hoà Bình cũng liên tục yêu cầu đưa những sai phạm của Đinh La Thăng ra bàn thảo.

Cả Trương Huy San lẫn Trương Hoà Bình đều là đệ tử của Trương Tấn Sang, điều này tất cả những người thạo chính trị Việt Nam đều hiểu rõ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người háo danh, ông ta bằng nhiều thủ đoạn phối hợp đã ngồi lại chiếc ghế tổng bí thư. Trước đó ông đưa ra nghị quyết 244 quy định rất oái ăm là chỉ có ứng cử viên do bộ chính trị đưa ra mới được ứng cử khoá 12, những người do đại hội đưa ra phải làm đơn xin rút, nếu đại hội bỏ phiếu không cho đồng ý rút thì mới được phép ứng cử. Nhưng trước hết các ứng cử viên phải làm đơn xin rút khi đại hội chưa bắt đầu.

Theo lệ thì những ứng cử viên đến tuổi về hưu phải làm đơn xin rút, các lá đơn đều đưa đến tay tổng bí thư là người quản lý bộ chính trị. Đến lúc này thì bất ngờ Nguyễn Phú Trọng ý kiến rằng, nếu tất cả đều về như thế này, ảnh hưởng đến sự kế thừa, ổn định của đảng. Cần phải có người ở lại để duy trì, tôi không thể yên tâm về khi mà các đồng chí mới ở bộ chính trị còn thiếu kinh nghiệm. Ông Trọng đặt ra ”một trường hợp đặc biệt ở lại Bộ Chính Trị” và cho những đệ tử của mình tung hô ông vào chức vụ đó, ông đặc biệt ở chỗ ông là người duy nhất trong đám uỷ viên bộ chính trị về hưu không làm đơn xin nghỉ !!!

Trọng nắm ghế tổng bí thư, khao khát của ông ta là thể hiện mình là một bậc minh quân, mà muốn làm minh quân phải có những hành động lớn như xử tội đại thần.

Đinh La Thăng ngẫu nhiên hội đủ yếu tố làm vật tế thần cho Trọng. Những phát ngôn đầy kích động tinh thần dân tộc bài Trung của Thăng bây giờ lại là những lý do lớn mà Nguyễn Phú Trọng muốn loại bỏ Thăng. Trọng là người điên cuồng với CNXH và sự sùng bái Trung Quốc, một nhà nước cộng sản lớn sẵn sàng giúp đỡ cho chế độ CSVN tồn tại ở Việt Nam.

Diệt Thăng tức Trọng được lòng Trung Cộng, được lòng cả đám Trương Tấn Sang, Trương Hoà Bình.

Trong các đời nguyên thủ về hưu, sau Đỗ Mười, Lê Đức Anh thì Trương Tấn Sang là kẻ hoạt động gây ảnh hưởng đến nội bộ cộng sản Việt Nam nhiều nhất, giấc mơ làm một thái thượng hoàng đầy quyền lực như Lê Đức Anh cháy bỏng trong con mắt lươn tí hí của Trương Tấn Sang. Sang liên tục gửi đơn thư, kiến nghị bay ra Hà Nội, đi khắp nơi để vận động tiêu diệt Đinh La Thăng.

Thăng nắm TP Hồ Chí Minh, nơi có tổng thu nhập nhiều nhất đất nước, một mình thành phố này nộp ngân sách cho nhà nước bằng 45 tỉnh thành khác, mỗi ngày thu ngân sách trung bình 1,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 1/3 ngân sách cả nước.

Một kẻ đang được lòng dân bằng những phát ngôn mạnh bạo, phản đối Trung Công, mong muốn thân Mỹ như Đinh La Thăng sẽ đe doạ quyền lực của giới bảo thủ trong đảng CSVN thế nào. Xa hơn nữa, nếu khi Trọng về hưu thì Thăng tất sẽ làm một thế lực lớn gây cản trở cho các đệ tử của Trương Tấn Sang, như thế giấc mơ làm thái thượng hoàng của Trương Tấn Sang khó thành.

Điều bất lợi ập đến với Thăng, đệ tử của Đinh La Thăng là Trịnh Xuân Thanh bất ngờ bỏ trốn sang Đức khi bị thanh tra vụ thất thoát 3200 tỷ ở tổng công ty PVC. Khi Thanh bỏ trốn sang Đức, đã đưa lá đơn tự ra khỏi đảng vì lý do không tin vào sự công tâm của Nguyễn Phú Trọng.

Câu hỏi đặt ra rằng, nếu như Trịnh Xuân Thanh không bỏ trốn, liệu bị bắt thì vụ án Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3200 tỷ ở PVC có liên luỵ đến Đinh La Thăng hay không.?

Không, chắc chắn là không.

Vụ thất thoát 3200 tỷ ở PVC chỉ là những điều hoang tưởng, không có thất thoát nào như vậy cả. Bằng chứng là khi bộ trưởng Tô Lâm đích thân chỉ huy chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về đưa ra toà xử tội, không có phiên toà hay báo chí, hay ai đó nhắc đến thất thoát 3200 tỷ này cả. Những thiệt hại 3200 tỷ đấy được tính theo giá chứng khoán và giá đất đai ví dụ như giá chứng khoán khi trước là 10 đồng, giờ còn 5 đồng. Những đất đai mà PVC mua trước 10 đồng giờ còn 5 đồng (tính theo giá tính của thanh tra tất khác xa giá trị thực). Cách tính như vậy không thể nào đưa nổi một người quản lý ra toà vì những biến động do thị trường tác động.

Ngay cả thượng tướng Lê Quý Vương, người giao phụ trách vụ thất thoát 3200 tỷ cũng chần chừ không tìm thấy yếu tố để kết tội bắt giam Trịnh Xuân Thanh lúc ấy. Ông Vương trả lời báo chí rằng vụ việc này cần nhiều thời gian, phải đến hàng năm vì hồ sơ nhiêu, không thể tuỳ tiện khởi tố hay bắt giam, 9 đoàn thanh tra các cấp đều không đưa được tội Trịnh Xuân Thanh ra toà trong vụ thất thoát 3200 tỷ.

Như tất cả đều thấy, cuối cùng phiên toà để kết tội Đinh La Thăng dính đến Trịnh Xuân Thanh là việc tạm ứng tiền thi công sớm khi chưa ký hợp đồng, người ta tính rằng nếu số tiền này mang đi gửi lãi ngân hàng theo lãi suất kinh doanh thì sẽ được hưởng 110 tỷ đồng. Từ cơ sở này toà án tuyên bố Thanh và Thăng làm thiệt hại đất nước 110 tỷ. Điều đáng nói là vụ án này hồ sơ được hoàn tất một cách nhanh chóng khủng khiếp, chỉ vỏn vẹn hơn một tháng.

Không có thất thoát 3,2 nghìn tỷ nào ở PVC, đó là những con số lừa đảo dư luận. Con số thất thoát thực liên quan đến Đinh La Thăng gấp 40 lần số đó, đó là 5 tỷ USD mà Đinh La Thăng cầm sang Venuezeula đầu tư mất trắng. Đấy là con số tính ra tiền Việt bây giờ theo tỷ giá sẽ là gần 120 nghìn tỷ.

Đinh La Thăng ra toà vì sai phạm tạm ứng thi công điện Thái Bình gây mất 110 tỷ kiểu tính lãi vịt trời. Lý giải việc này Thăng nói vì muốn doanh nghiêp trong nước có việc làm, PVC không đủ lực thì Thăng cáng tiền cho làm, Thăng không muốn để nhà thầu Trung Quốc thi công.

Một phiên toà nữa Thăng bị kết tội làm mất 800 tỷ ở Ocebank. Vụ án liên quan đến Hà Văn Thắm, đến giờ Thắm vẫn kêu oan, bởi bỗng nhiên một ngày nào đó thủ tướng chính phủ tịch thu ngân hàng của Thắm với giá 0 đồng, rồi kết luận 800 tỷ mà Thăng đại diện cho PVC góp vốn vào đó mất theo. Lạ nhất ngay sau đó chính phủ bãi bỏ kiểu thu mua ngân hàng 0 đồng !!!

Chính phủ là ai, là Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình.

Đinh La Thăng

Cả hai vụ án xử Thăng nói đúng ra là oan cho Thăng, xử ép vô luật. Những tội của Thăng phải xử là làm mất 5 tỷ USD ở Venezuela lại không xử, vì liên quan đến các uỷ viên bộ chính trị khoá 10,11 là người ra lệnh. Những tội mà Thăng đáng xử là chi tiền hào phóng qua cái gọi là tài trợ, hợp đồng truyền thông cho báo chí. Riêng nữ nhà báo đình đám Lê Bình đã được Thăng cấp cho cả trăm tỷ, còn hàng trăm phóng viên, nhà báo, tổng biên tập khác cũng cầm hàng chục tỷ tiền mà Thăng rút từ Dầu Khí ra cấp để ca ngợi Thăng.

Câu chuyện của Thăng đã rồi, nếu không phải những tội oan uổng kia, thì Đinh La Thăng cũng vướng vào những tội khác. Có điều là phiên xử Đinh La Thăng cũng giống như phiên xử những người bất đồng chính kiến, chả có toà án, pháp luật nào giá trị ở đó cả, chỉ là những lệnh từ những kẻ ”thắng cuộc”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhận tiếng minh quân với dân chúng và được sự nhìn nhận trung thành của Trung Nam Hải, còn đám đệ tử của Trương Tấn Sang loại trừ được đối thủ nguy hiểm trước nhiệm kỳ 13, chúng bắt đầu tính tiếp đến đối thủ thứ hai là Trần Đại Quang.

Sự tranh chấp của chóp bu cộng sản bắt đầu sớm như vậy là điều đáng mừng cho nhân dân, bởi sự đoàn kết trong nội bộ của đảng không hề có như người dân bấy lâu lầm tưởng, nó đã bộc lô sự thối nát về nhân cách giữa đám lãnh đạo chóp bu. Chúng sẵn sàng trở mặt giết nhau không đắn đo, người ta còn thấy hình ảnh tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng ôm nhau vào cái ngày liên hoan đưa tiễn Đinh La Thăng đi nhận chức bí thư thành uỷ tp HCM, vậy mà chỉ một năm rưỡi sau người ta thấy Nguyễn Phú Trọng hả hê trước việc bắt Đinh La Thăng phải ngồi tù nốt phần đời còn lại.

Cũng như thông lệ trước đó, bồi bút của nhóm Trương Tấn Sang là Trương Huy San lại nã phát đạn mở đường vào Trần Đại Quang như đã từng nã vào Đinh La Thăng.

Huy San chất vất về sức khoẻ của Trần Đại Quang, và đòi hỏi Quang phải từ chức vì sức khoẻ không đảm bảo.

Tiếp đến những chiêu trò thanh tra của Trương Hoà Bình, Nguyễn Xuân Phúc dồn dập nhằm vào những cấp dưới, tay chân của Trần Đại Quang, y hệt như kịch bản khi trước đã làm với Đinh La Thăng.

Cuộc tấn công vào Trần Đại Quang khá tốn công sức hơn nhiều với Đinh La Thăng. Phe của Trương Tấn Sang đã phải huy động toàn lực, cậy nhờ đến những túi tiền của các đại gia. Phúc phải thân chinh đi các tỉnh dưới chiêu bài hứa hẹn đầu tư để chiêu dụ các tỉnh đồng sức chống Quang. Trương Hoà Bình trên cương vị phó thủ tướng về pháp luật ra sức tìm mọi cách khép tội cho những tay chân của Quang. Các đại gia như Đặng Văn Thành, gia tộc Thân Đức Nam , đại gia ngành thép kiêm chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tung tiền khắp Nam Bắc để mua chuộc những cây bút phanh phui đám đệ tử Trần Đại Quang, đa phần đám bồi bút này đều xuất thân từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.

Về phần Trọng, đương nhiên Trọng không việc gì phải ngăn cản đám Trương Tấn Sang hạ bệ Trần Đại Quang, Trọng cũng sẵn sàng chiều theo như từng chiều đám này hạ Đinh La Thăng. Lý do cũng rất đời thường, Quang ở ngôi vị ngấp nghé thế chân cho Trọng.

Nói đến sự ngấp nghé thế chân, phải đảo qua về một nhân vật, đó là Đinh Thế Huynh.

Ông Huynh không phải bị triệt hạ hay âm mưu hạ bệ gì như thiên hạ lầm tưởng, ông Huynh bỗng nhiên mắc một căn bệnh đãng trí và lẫn thẩn. Huynh không phải là người nham hiểm, ông ta là người lý luận ba phải, cũng không thân hẳn phe phái nào. Ông Huynh là nhân vật dự bị cho tình huống tranh chấp gay cấn nội bộ, sẽ được đưa vào những vị trí như chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch quốc hội…còn không cứ để ông ta ngồi đó cũng chẳng hại ai, chẳng ảnh hưởng gì đến đường lối cộng sản kiên định của đảng. Chính vì thế khi lâm bệnh, ông bị mất chức thường trực ban bí thư, nhưng chẳng ai buồn đuổi ông ra khỏi danh sách bộ chính trị, dù ông vật vờ nghỉ dưỡng bao lâu, bởi suy cho cùng người ta tính cứ để ông đó cũng chẳng sao, bỏ đi lại phải đau đầu đấu đá đưa người khác vào khi còn bao nhiêu cái cần đấu đá gấp.

“Út” Trọc cũng chỉ mới là thượng tá.

Phe chủ mưu triệt hạ thượng tá Đinh Ngọc Hệ, tức Út Trọc, sếp công ty Thái Sơn chính là phe thủ tướng Phúc chứ không phải là Nguyễn Phú Trọng. Những nguồn tin ban đầu cho rằng Trọng là chủ tịch quân uỷ trung ương, nên việc phát động triệt Út Trọc là từ Trọng.

Hoàn toàn không phải vậy, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một tay chân thân cận, một người có thể gọi là Lã Bất Vi của Phúc, đó là phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội Thân Đức Nam, một đại gia, một tài phiệt lớn. Nam có quan hệ họ hàng đằng vợ với Phạm Ngọc Hùng, tức Hùng Tút , tổng cục trưởng tình báo quân đội, gọi tắt là tổng cục 2.

Khỏi nói thì tổng cục 2 khuynh đảo được chính trường nội bộ cộng sản thế nào, bởi không ai lạ gì đến đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nạn nhân của tổng cục này.

Trần Đại Quang bất lợi hơn nhiều so với Đinh La Thăng, các đối thủ nhằm triêt Quang đều có những vị thế mạnh và nhiều mưu lược. Một kẻ dày dạn chính trường, đầy thủ đoạn như Trương Tấn Sang dẫn theo một đám đàn em toàn loại mưu sâu, kế hiểm như Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình, Trương Quang Nghĩa. Võ Trọng Việt và đám Hà Tĩnh…cộng thêm sự e ngại tiếm ngôi của Nguyễn Phú Trọng. Thêm nữa đúng lúc quan trọng nhất thì Quang lâm bệnh về đường hô hấp.

Thế và thời đều không chiều Trần Đại Quang, đến giờ Trần Đại Quang chưa gục ngã vì bệnh hay bị ép từ chức là một điều đáng kinh ngạc.

Ngay đến bộ công an, bộ trưởng Tô Lâm vì muốn loại trừ ảnh hưởng của Quang tại bộ này, cũng câú kết với Trọng và Phúc để thanh trừng tay chân của Quang trong bộ công an.

Nhưng Quang vẫn còn đó, ốm yếu và chịu đòn.

Sở dĩ Quang còn vậy, bởi đòn quyết định kết liều số phận Quang không nằm trong tay đám Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình. Đòn đó nằm trong tay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến lúc này Trọng lại đi nước cờ bất ngờ nhưng đầy mưu lược. Trọng chỉ để bọn Sang, Phúc đánh Quang đến độ ấy. Nếu Quang về hưu, đám sói khao khát quyền lực như Phúc, Trương Hoà Bình do Trương Tấn Sang chỉ đạo liệu có để cho Trọng yên.

Toan tính của Trọng không nhầm, đã đôi lần Nguyễn Xuân Phúc khơi lại chuyện thất thoát 4500 tỷ ở thành phố Hà Nội thời Trọng làm tổng bí thư. Mới gần đây các bài viết về thất thoát ấy lại được dẫn lại trên các trang mạng. Quan hệ của Trọng với đám Phúc không còn sự tin tưởng như xưa, nhưng những con sói khát quyền lực như Phúc, Bình Trương đã lớn mạnh và chúng không còn e ngại tổng bí thư nữa. Các đối thủ có thể làm chúng e ngại như Đinh La Thăng, Trần Đại Quang đã bị dẹp bỏ. Những đàn em của Trọng như Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ, Tòng Thị Phóng lại quá đỗi hiền lành. Đám còn lại thì ngóng chờ cơ hội, bên nào mạnh thì theo, duy chỉ có Nguyễn Thiện Nhân là đáng ngại bởi không mất lòng ai, nhưng trước sau Nguyễn Thiện Nhân cũng bị đám này sờ đến.

Cuộc chiến tranh đoạt quyền lực giữa Trọng và đám sói do Trương Tấn Sang bắt đầu, thật ngoạn mục và kỳ thú, nó không giống như cuộc tấn công vào Đinh La Thăng hay Trần Đại Quang về pháp lý, mà nó diễn ra bằng tư tưởng và đường lối. Cuộc chiến như vậy rất cần đến những tay bút tầm cỡ định hướng dư luận.

Bây giờ người ta mới hiểu rằng, những cây bút tung hô Nguyễn Phú Trọng lên mây xanh chống tham nhũng, không phải chúng tử tế gì, chúng được chỉ đạo dùng kế mượn dao giết người, chúng cũng không phải là người theo phe Nguyễn Phú Trọng. Chúng là những kẻ được Trương Tấn Sang nuôi dưỡng bấy lâu, chúng là những nhân sĩ, trí thức mà người ta trước kia lầm tưởng chúng là những người cấp tiến.

Ngày nào đó, sớm thôi, chúng sẽ trở mặt với Nguyễn Phú Trọng. Điển hình như Osin Huy Đức từng ca ngợi Nông Đức Mạnh bằng bài báo Từ Người Gánh Củi Trở Thành Tổng Bí Thư, rồi đến khi thấy cần lôi Mạnh vào cuộc chiến, chính Huy Đức lại vạch tội Mạnh đã từng bao che cho vợ bé thoát nợ và trúng thầu BOT để có tiền trả nợ.

Chắc khi cuộc chiến đến hồi gay cấn, những bồi bút mà Sang nuôi sẽ hạ bệ Cậu Học Trò Nghèo Thành Tổng Bí Thư biến sang một tên tham nhũng hàng ngàn tỷ ở Hà Nội.

Cuộc chiến quyền lực giữa đám đầu đảng đã dân đến một nguy hiểm lớn cho nhân dân và đất nước, đó là Trung Cộng tranh thủ nội bộ Việt Nam đấu đá để gia tăng hoạt động củng cố chiếm lĩnh biển đảo của Việt Nam, gia tăng áp lực để giành những vị trí đắc địa trong nội địa Việt Nam dưới chiêu bài đặc khu kinh tế. Chúng kiểm soát nội lực của đất nước này một cách dễ dàng.

Nhưng cuộc chiến nội bộ tranh đoạt quyền lực này nếu thua là thân bại, danh liệt, tù tội. Trong khi căng thẳng đấu mưu với các đồng chí của mình, nếu không được lòng Trung Cộng thì mất đi lợi thế lớn, việc thua cuộc là điều trông thấy.

Bởi thế chúng đều im lặng, lảng tránh những mưu đồ thôn tính đất nước ta.

Một số trong đám chúng còn nghĩ cách lấy lòng Trung Cộng để được sự ủng hộ cho chiếc ghế của mình.

Chẳng hạn ví dụ như Nguyễn Phú Trọng nói với quan chức.

– Nếu Trung Quốc đánh ta, liệu ta có ngồi đây họp được không.?

Một câu đầy thông điệp, nó cho thấy vì sao Trọng xiết chặt quan hệ với Trung Cộng, bất chấp ngoài biển khơi ngư dân bị bắn chế hàng ngày.

Chúng ta có thể hiểu thêm nghĩa câu ấy rằng.

– Nếu chống Trung Quốc, liệu Trọng có ngồi được chức Tổng bí thư không.?

Nếu bạn là người miền Bắc, bạn uống trà Việt Nam quanh năm, bạn không thể nào biết được trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam. Bạn hãy mang trà Trung Quốc như Ô Long, Long Tỉnh bỏ vào túi nylon mang đến cho những người nghiện trà miền Bắc, tôi bảo đảm tất cả trong số họ đều bảo không ngon hơn trà Việt Nam. Khẩu vị quen thuộc của họ chỉ giúp họ phân biệt trà Thái Nguyên hay trà Tuyên Quang, Hà Giang thứ nào ngon hơn. Hương vị trà Trung Quốc hoàn toàn khác biệt với trà Việt Nam, nên không thể so sánh được. Cũng như bạn quen ăn phở bạn có thể bình luận phở Lý Quốc Sư, phở Hàng Đồng, phở Lê Đại Hành…chỗ nào ngon hơn, bạn không thể ăn một món Nude, Spageti hay Súp Gu Lắc và khen ngon hơn phở Việt Nam được.

Có vô vàn kẻ vừa hút thuốc lào, vừa hút thuốc lá, những chẳng ai trong số đó nói rằng thuốc lá ngon hơn thuốc lào hoặc ngược lại.

Thằng cướp nước và thằng bán nước

Ông Trọng có thể so sánh Long Tỉnh ngon hơn Ô Long. Nhưng nếu ông so sánh trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam thì một ông không phải là kẻ sành trà Việt Nam, vì nếu sành đã không so sánh như vậy. Trà Trung Quốc, trà Châu Âu, trà Việt Nam đều có hương vị khác biệt nhau hoàn toàn, không thể nào so sánh được như ông Trọng nói.

Câu khen trà của ông với Tập Cận Bình, chỉ để biểu lộ sự sùng kính của ông với Trung Cộng mà thôi.

Dù không ưa gì đám Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình, đám sói đang điên cuồng thèm muốn quyền lực và thống trị đất nước, để những tay chân của chúng như vòi bạch tuộc thâu tóm nền kính tế Việt Nam, hút máu, hút mủ người dân. Nhưng vẫn phải nhìn nhận chúng ít ra còn đỡ bày tỏ sự nịnh bợ Trung Cộng như đám sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng.

Tháng 7 năm 2018 nhóm học viện Hồ Chí Minh gửi đến tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lá thư phản ánh về Nguyễn Xuân Phúc, đòi xem xét năng lực và tư cách đạo đức của đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một tiền đồn quan trọng nhất trong hệ thống bảo vệ chế độ cộng sản Việt Nam bởi nắm chủ chốt tư tưởng và đường lối chủ đạo. Trong những yếu tố về lãnh đạo, yếu tố lý luận, tư tưởng là yếu tố then chốt nhất để chọn lãnh đạo đảng cộng sản.

Trương Tấn Sang,

Trước đây khi tấn công Nguyễn Tấn Dũng ở đại hội 12, Trương Tấn Sang đã dùng đến Trịnh Văn Lâu, thường gọi là Tư Cẩn nguyên bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Long, thuộc nhóm cựu tù nhân. Tư Sang đã cho trợ thủ viết sẵn lá đơn rồi để Tư Cẩn ký tên, gửi đến trung ương đảng tố cáo Nguyễn Tấn Dũng tung tiền mua phiếu ở đại hội 12.

Đáng nói là trước đó ông Lâu có những lá đơn tố cáo nhiều người khác bằng những con số, cách trình bày mà một lão già gần 90 tuổi, không biết dùng máy tính khiến người ta chắc chắn biết rằng Tư Lâu không phải là người viết những lá đơn tố cáo đó.

Nhưng lá đơn tố cáo của Tư Lâu ngay lập tức bị bóc mẽ, nhiều tướng lĩnh và quan chức lên tiếng đòi xử Trịnh Văn Lâu về tội vu khống.

Thấy chiêu dùng Trịnh Văn Lâu của Tư Sang không hiệu quả, Nguyễn Phú Trọng dùng đến các thầy giáo của học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng. Ba giáo sư này đã không đi theo lối mòn mà Trương Tấn Sang dùng hay nhắm vào các vụ việc kinh tế, bằng chuyên môn của mình, 3 giáo sư đã cùng nhau viết lá đơn đi vào ý thức hệ sai lệch của Nguyễn Tấn Dũng. Đó là gả con gái cho Nguỵ quân và đặc biệt là ý đồ muốn phá hoại quan hệ Việt Trung bằng những phát biểu kích động nhân dân thù ghét Trung Quốc. Ba giáo sư này kết luận tình hữu nghị Việt Trung có lúc không tốt nhưng rút cục là anh em một nhà.

Đòn ý thức hệ có hiệu quả tức thì, dưới chế độ cộng sản chư hầu Trung Quốc như Việt Nam thì đụng đến thiên triều là điều huý kỵ. Những tội như điều hành kinh tế, chính sách gây thua lỗ có thể bao biện được. Nhưng tội xúc phạm đến thiên triều là tội không thể bao dung.

Chỉ một lá đơn vạch tội đơn giản, đúng huyệt của 3 giáo sư học viện Hồ Chí Minh đã chấm dứt sự nghiệp của Nguyễn Tấn Dũng.

Sử dụng đến học viện HCM để tấn công là đòn nặng ký, lần này Nguyễn Phú Trọng dùng lại để nhắm vào Nguyễn Xuân Phúc sớm hơn, từ đó có thể kết luận hạ Phúc khó hơn nhiều so với Dũng. Ngay bước đầu đã phải mang vũ khí hạng nặng ra phủ đầu.

Nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình trong lá đơn của mình nhận xét thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ là kẻ bất tài, nói phét nhưng lại giỏi dùng con rể, vợ, anh em vợ, anh em mình cơ hội vơ vét trục lợi.

Nhưng lúc này thế lực của Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh, đằng sau Phúc là những tập đoàn kinh tế khổng lồ với những cái tên khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam như Đặng Văn Thành, Vũ Văn Tiền, Trần Bá Dương, Don Lam, Nguyễn Duy Hưng (SSI) Bùi Quang Nhơn (Novaland), Thân Đức Nam và Tân Hoàng Minh, Vietjet, SHB, Hồng Bến Thành..

Hãy để ý những cái tên nêu trên là những tên báo chí đều lảng tránh, Phúc dùng an ninh văn hoá kiểm soát chặt những tờ báo, phóng viên nào đụng đến những doanh nghiệp sân sau hay những dự án liên quan đến đế chế gia đình mình. Phúc có một đội ngũ riêng để phục vụ truyền thông cho mình, một mặt dùng an ninh văn hoá đe doạ các phóng viên, nhà báo khác nếu định đụng đến đế chế Phúc. Mặt khác người của Phúc tung tiền chiêu dụ các cây viết , đặc biêt có gốc Quảng Nam, Đà Nẵng để phục vụ mục đích chính trị, kinh doanh của đế chế mình.

Trọng thích dùng lý luận, tư tưởng thì Phúc cũng chiều. Nhà báo Phan Đăng vốn là cây viết về thể thao, bỗng nhiên được đôn lên thay thế nhà báo nổi tiếng Lại Văn Sâm để dẫn dắt chương trình thu hút rất nhiều khán giả trên truyền hình. Khi đã được lăng xê và nổi tiếng, Phan Đăng bỗng có một bài viết đầy tính chính trị về vai trò của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài viết cực kỳ thủ đoạn và thâm độc, đầu tiên Phan Đăng nâng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thành sĩ phu, thành thánh nhân, người ta bị dẫn dắt theo tư tưởng rằng Phan Đăng đang quý mến và ủng hộ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng đến đoạn cuối phải tinh ý lắm mới thấy mấu chốt của vấn đề bài viết lộ ra. Đó là đòi hỏi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải tìm nhóm người thay thế vì tuổi tác của ông Trọng đã cao.

Bài viết của Phan Đăng có đoạn kết lược trích sau:

Nhưng chúng ta ngưỡng mộ Ngài bao nhiêu thì lại lo lắng bấy nhiêu khi nghĩ đến những câu hỏi: Điều gì xảy ra nếu Ngài không còn đủ thời gian, sức khoẻ để tiếp tục thực hiện những lý tưởng của một “sĩ phu Bắc Hà”? Điều gì sẽ xảy ra nếu người thay thế Ngài sau này lại là một mẫu lãnh đạo rất khác với Ngài? Thực ra xu thế chính trị hiện đại không còn quá nhấn mạnh đến vai trò của các cá nhân, bởi nếu như thế thì tính may – rủi là quá lớn. Nếu may mắn có một lãnh đạo tốt, bộ máy sẽ vận hành tốt. Nếu phải chịu đựng những lãnh đạo thủ đoạn, bộ máy sẽ hỏng hóc tức thời.

Xu thế chính trị hiện đại chuộng những cách thức tổ chức thể chế liêm chính và thông minh. Trong thể chế ấy, nơi mà các nhánh quyền lực được phân chia rõ ràng, nơi mà các cơ chế giám sát được vận hành thiết thực thì ngay cả người xấu vì một lí do nào đó mà có thể “luồn sâu, leo cao” thì cũng phải làm tốt, làm đúng phần việc của mình. Hoặc ít ra là không thể nào vừa làm vừa… đục ruỗng.
Nhưng đến bao giờ chúng ta có được một thể chế như thế? Ai có thể tạo ra một thể chế như thế? Có lẽ lịch sử chọn Ngài Nguyễn Phú Trọng để làm sạch lại một bộ máy đang bị biến chất. Nhưng lịch sử cần chọn thêm một người hoặc một nhóm người nữa để tiếp tục nguồn cảm hứng mà Ngài Trọng tạo ra, từ đó làm nảy sinh một cuộc cách mạng về thể chế, giúp dân tộc có điều kiện để cất cánh nay mai.
——————————-
Vấn đề chính Phan Đăng đặt ra là sức khoẻ Nguyễn Phú Trọng, điều mà ai cũng thấy chỉ mình ông Trọng không muốn thấy. Việc tìm người thay thế là việc đòi hỏi phải làm ngay.
Vậy người thay thế Nguyễn Phú Trọng mà Phan Đăng muốn nhắc là ai.?
Rất khéo léo, Phan Đăng trói ngay vào tiêu chí tổ chức liêm chính và thông minh.
Tổ chức liêm chính và thông minh là tổ chức nào.?
Là chính phủ liêm chính và kiến tạo mà Nguyễn Xuân Phúc đang dương cao hô hào khoe mẽ chứ còn tổ chức nào vào đây.
Nhóm người nào có thể giúp dân tộc có điều kiện ” cất cánh ” hiện nay.
Vẫn lại là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Xem lại những phát ngôn của Phúc ở khắp nơi trong hai năm qua như Phú Quốc phải cất cánh, Ninh Bình phải cất cánh, Phan Thiết sẽ cất cánh, Ninh Thuận sẽ cất cánh và khát vọng cất cánh của dân tộc trên báo đầu tư viết về buổi làm việc của Phúc với bộ giao thông vận tải có nhan đề Hiện Thực Hoá Khát Vọng Cất Cánh , hoặc báo Công Lý bài viết nhan đề Chính Phủ Kiến Tạo Đã Giúp Kinh Tế Việt Nam Cất Cánh, hay trực tuyến chính phủ Phúc tuyên bố xuất khẩu là con đường cất cánh của Việt Nam.
Nếu tra từ liêm chính, kiến tạo, cất cánh sẽ thấy hàng loạt những từ gắn liền với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bài viết của Phan Đăng thực chất là nặng ký, thông điệp đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng phải bàn giao quyền lực lại cho nhóm Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, một phát đại bác lớn của nhà báo trẻ Phan Đăng đập lại những nhà giáo già ở học viên Hồ Chí Minh. Chứng tỏ chơi bút chiến về lý luận với Phúc khó mà ăn thua. Nguyễn Xuân Phúc về mặt dùng truyền thông sành sỏi và lão luyện gấp nhiều lần tiền nhiệm của y là Nguyễn Tấn Dũng.

Lời của Phan Đăng y như lời mào đầu thay thế một triều đại mà khi xưa Phạm Cự Lượng đã đặt ra lúc quần thần nhà Đinh hoang mang tìm minh chủ, Lượng là người đã đứng ra giữa triều đề nghị Lê Hoàn lên làm vua thay thế triều đại họ Đinh.

Đáp lại lời Phan Đăng tức lời của nhóm Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Binh. Trọng đã cho Phạm Cảnh Bình ở học viên chính trị HCM phản pháo bằng lá đơn tố cáo bè lũ tham vọng quyền lực Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình, Nguyễn Văn Bình do Trương Tấn Sang đứng đằng sau. Trọng đã không ngần ngại lột toạc bộ mặt lợi ích nhóm, thao túng quyền lực của những kẻ đã từng liên minh với mình trước kia hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng.

Bấy lâu Trọng đều biết cả những lời ca ngợi, tô vẽ công cuộc chống tham nhũng của bọn bồi bút nhóm Phúc, Sang là nhằm mượn gió bẻ măng, mượn tay Trọng để thanh trừng đối thủ tiềm năng. Chúng định dùng Trọng như con chó săn, diệt hết thú song là vất bỏ. Trọng cũng mượn thế để cho chúng lao công khổ tứ tham gia chiến dịch chống tham nhũng, cải tổ bộ công an, quân đội của Trọng.

Cuối cùng công lao của đám Phúc, Sang, Bình chỉ được thưởng bằng chức bí thư Đà Nẵng cho Trương Quang Nghĩa. Còn miếng đất mầu mỡ do chỗ trống Đinh La Thăng để lại vào tay Nguyễn Thiện Nhân một người trung dung. Các vị thế quan trọng trong bộ công an vào tay Lê Quý Vương, Bùi Văn Nam của Trong, các nơi bị đánh đấm như PVN cũng không vào tay người của nhóm Phúc.

Nhưng một nhà báo trẻ như Phan Đăng vuốt râu hùm, đòi Trọng phải về một cách công khai dư luận, khi vừa vào vị trí nổi bật trong dư luân như vậy. Nếu trong những ngày tới Phan Đăng không bị sao, điều đó có nghĩa trung ương đảng đã bắt đầu coi thường Nguyễn Phú Trọng. Ngày ra đi của ông ta đã đến rất gần./.

Page: 1 2 3

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux