Phái đoàn Liên minh Châu Âu EU vào ngày 20 tháng 8 ra Tuyên bố về việc Tòa án Nghệ An vào ngày 16 tháng 8 vừa qua tuyên 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng với cáo buộc “Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân”. Hai nhân chứng dùng để buộc tội ông đều phản cung tại phiên tòa là hai tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng.
Tuyên bố của EU khẳng định việc này là tiếp nối xu hướng tiêu cực trong việc đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam.
Tuyên bố của EU nói rõ: “Ông Lê Đình Lượng đã ủng hộ một cách ôn hòa cho sự thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết tham gia, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Vì việc kết án trên là một sự vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế này, Liên minh châu Âu mong muốn rằng các cơ quan thẩm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức đối với ông Lê Đình Lượng cũng như tất cả các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền khác hiện đang bị phạt tù vì đã biểu đạt quan điểm của mình một cách ôn hòa.”
Phái đoàn Liên minh Châu Âu cũng lấy làm tiếc về việc các đại diện của Liên minh châu Âu và các đại sứ quán các nước thành viên không được dự phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng.
Điều này gây lo ngại rằng “có thể dẫn đền những nghi vấn về tính minh bạch của quá trình xét xử này.”
Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 8 cũng lên tiếng về bản án mà Việt Nam tuyên cho ông Lê Đình Lượng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép mọi cá nhân tại Việt Nam được quyền tự do bày tỏ quan điểm của bản thân, được tự do tụ họp ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì khuynh hướng ngày càng tăng về biện pháp bắt bớ và kết án nặng nề các nhà hoạt động tại Việt Nam là đáng ngại.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng ra thông cáo báo chí nhắc lại ông Lê Đình Lượng, năm nay 52 tuổi, là một cựu chiến binh biên giới phía Bắc với Trung Quốc và là một nhà hoạt động xã hội đòi hỏi đền bù cho những ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa vào năm 2016.
Leave a Comment