Nghe tin Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được cử làm quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông tôi nghĩ ông ắt phải khá hơn người tiền nhiệm Trương Minh Tuấn. Tôi từng xem vài video trong đó Tướng Hùng có những phát biểu khá ấn tượng. Trong lần phát biểu ở một sự kiện của Vingroup khi còn là tổng giám đốc Viettel, ông đã nói về tầm quan trọng của sự khác biệt: “Nếu mình không tìm ra được một cách tiếp cận khác biệt thì cương quyết không làm.” Trong một video khác trên Facebook ông lại nói về chuyện Viettel có nhiều người giỏi vì tập đoàn hay làm những cái mới và khó nên ai dốt sẽ không thể làm được.
Ngay sau khi về Bộ Thông tin Truyền thông, ông Hùng lập tức nói ông chỉ muốn thấy 10% tin xấu trên báo chí. Về lý thuyết mà nói, bộ của ông Hùng và những người phụ trách văn hoá tư tưởng của Đảng quản lý tất tần tật các cơ quan truyền thông nên ông muốn gì mà chẳng được. Nhưng nếu ta coi truyền thông như tấm gương phản chiếu xã hội thì chuyện hạn chế tin xấu chẳng khác nào muốn có một tấm gương thủng. Đa số người dân và lãnh đạo nhìn vào đó sẽ chỉ thấy phần nào hiện trạng xã hội. Tôi nói đa số chứ không phải tất cả vì nhiều lãnh đạo còn có các nguồn tin tham khảo khác, đôi khi được coi như tài liệu không phổ biến rộng rãi. Và nhiều người dân giờ cũng đã đủ thông minh để đa dạng hoá nguồn thông tin thay vì chỉ xem VTV và đọc các báo trong nước. Thực tế người ta đã nghe BBC, VOA… từ lâu nhưng giờ lại có thể đọc tin của các hãng quốc tế trên internet và mạng xã hội.
Ví dụ thứ hai sẽ cho thấy không những gương truyền thông đã thủng mà có chỗ nó còn làm cho bộ mặt xã hội biến dạng, trông vậy mà chẳng phải vậy. Đó là vụ ông Lê Đình Lượng bị toà án ở thành phố Vinh tuyên án tới 20 năm tù giam vì “tội” lật đổ. Truyền thông trong nước nói là xử công khai, nhưng đâu phải ai muốn tới dự là được. Trên mạng xã hội đã có những cáo buộc về chuyện một số người tới dự bị bịt mặt đưa đi và bị đánh đập. Theo lời thuật lại của Luật sư Đặng Đình Mạnh, hai nhân chứng chống lại ông Lượng đều đã phản cung vì cho rằng bị ép cung và cũng không thể có mặt tại toà với lý do sức khoẻ. Và trong khi Viện Kiểm sát chỉ đề nghị tối đa là 18 năm tù giam, hội đồng xét xử đã kết án tới 20 năm. Phải chăng đây là một phần đòn trả thù cho việc ông Lê Đình Lượng là một trong những bị cáo quan trọng đầu tiên giữ quyền im lặng mà luật pháp Việt Nam đã công nhận? Nếu chỉ theo dõi truyền thông trong nước không thôi người ta sẽ có cách hiểu khác về sự nghiêm minh của công lý ở Việt Nam mà nhiều người nói thực ra “chỉ là một vở hài kịch”.
Tôi không kỳ vọng Tướng Hùng sẽ làm được gì nhiều để truyền thông Việt Nam trung thực hơn và có tính cạnh tranh hơn với truyền thông thế giới. Nhưng chính ông đã nói phải tìm sự khác biệt và phải làm cái gì mới. Chỉ mong ông thêm hai chữ ‘tử tế’ vào hai điều ông nói./.
Leave a Comment